Ông Matsuki Tasuku, Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Matsuki Tasuku, Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của Hội thảo trong mối quan tâm chung của Việt Nam và Nhật Bản về những vấn đề liên quan đến việc thực thi luật pháp quốc tế trên biển và cho rằng thuyết trình của phó giáo sư Yoshinobu TaKei sẽ là những chia sẻ quan trọng để hai bên có thể có thêm cơ sở khoa học nhằm nhận diện rõ hơn các vấn đề trong việc thực thi pháp luật trên biển. Đồng thời, cùng với các chia sẻ, đóng góp từ phía Việt Nam, nhiều vấn đề sẽ được làm rõ hơn với cách tiếp cận đa chiều, có tính chất quốc gia sẽ trở thành cơ sở lý luận quan trọng, giúp Việt Nam và Nhật Bản có thêm sự thống nhất và đồng thuận, góp phần tạo nên tiếng nói chung vào nền hòa bình và thịnh vượng cho các quốc gia có tài nguyên biển dựa trên nguyên tắc thượng tôn luật pháp và an ninh, an toàn khu vực.
Phó giáo sư Yoshinobu TaKei thuyết trình từ Nhật Bản thông qua ứng dụng webinar
Theo đó, tham luận do phó giáo sư Yoshinobu TaKei thuyết trình từ Nhật Bản thông qua ứng dụng webinar đã cung cấp cho Hội thảo các thông tin có liên quan đến 3 nội dung chính bao gồm: (1). Các vấn đề về luật pháp quốc tế về thực thi pháp luật trên biển; (2). Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xử lý các vi phạm pháp luật và quy định trên biển; (3). Các bài học kinh nghiệm và thách thức trong tương lai. Thông qua các nội dung trình bày, phó giáo sư Yoshinobu TaKei đã tổng quan nhiều thông tin quan trọng về luật pháp quốc tế liên quan đến thực thi pháp luật trên biển; các vấn đề bổ sung đối với khu vực hàng hải (vùng xám) có yêu sách chồng lấn giữa các quốc gia ven biển. Bên cạnh đó phó giáo sư cũng trao đổi sâu các kinh nghiêm của Nhật Bản trước các vi phạm liên quan đến lãnh thổ đất liền và các vùng biển của Nhật Bản, các yêu sách chồng lấn về vùng lãnh thổ và vùng biển, luật pháp và cơ cấu thể chế của Nhật Bản liên quan đến thực thi pháp luật trên biển thông qua các ví dụ cụ thể về vi phạm pháp luật Nhật Bản và việc thực thi pháp luật trên biển liên quan nhiều đến Luật Nghề cá, Luật về Quy định hoạt động đánh bắt cá của người nước ngoài, Luật về việc thực thi Quyền Chủ quyền đối với hoạt động đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế, Luật về thiết lập khu vực an toàn liên quan đến công trình trên biển, các hoạt động hàng hải của tàu nước ngoài qua lãnh hải và nội thủy Nhật Bản, Luật về thúc đẩy sử dụng khu vực biển để phát triển sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trên biển...
TS. Nguyễn Tiến Đức, Viện Nhà nước và Pháp luật phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh việc tìm hiểu và đồng thuận về các quan điểm do phó giáo sư Yoshinobu TaKei thuyết trình, các đại biểu của Việt Nam cũng chia sẻ nhiều quan điểm có liên quan đến Hệ thống giải quyết tranh chấp của UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển). Theo đó, nhiều câu hỏi đã được các học giả, chuyên gia của Việt Nam đặt ra gửi tới phó giáo sư Yoshinobu TaKei như: làm thế nào để bảo vệ các chủ quyền liên quan đến Biển và hàng hải ở các quốc gia có vị thế yếu kém hơn theo quy định của UNCLOS, tránh được các ảnh hưởng xấu được gây ra bởi các chiến dịch “vùng xám”?; có nên thành lập thể chế nào đó nhằm thúc đẩy các nguyên tắc pháp lý một cách chặt chẽ hơn hay không? Nguyên tắc pháp quyền quốc tế thực sự đã được thực hiện hay chưa và làm thế nào để chúng ta có thể tăng cường được việc thực thi các nguyên tắc pháp quyền quốc tế; Các quốc gia Đông Nam Á có thể làm gì để bảo về chủ quyền biển và hàng hải của mình tốt hơn mà không bị vi phạm các quy định quốc tế hoặc vi phạm UNCLOS hoặc không phải sử dụng vũ lực...
PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á phát biểu tại Hội thảo
Nhìn chung, các thông tin do phó giáo sư chia sẻ thông qua bài thuyết trình đã cung cấp cho Hội thảo cái nhìn rõ hơn về tính phức tạp của bối cảnh vùng biển nói chung, các vấn đề thực thi luật pháp trên biển dựa trên Luật Biển nói chung. Qua đó cho thấy cần phải có thêm nhiều nỗ lực quốc tế (có nghĩa là cần có sự chung tay hơn nữa của các quốc gia có biển) nhằm góp phần có hiệu quả vào việc thực thi Luật Biển, giúp các quốc gia liên quan có thể tuân thủ tốt hơn các quy định quốc tế và Luật Biển quốc tế một cách hiệu quả hơn dựa trên nguyên tắc pháp quyền quốc tế. Ngoài ra, bài thuyết trình cũng cho thấy sự cần thiết phải có sự thích ứng về mặt thể chế qua đó có thể tăng cường, cải thiện và bổ sung tốt hơn các điều khoản thể chế cũng như các quyết định của từng quốc gia phù hợp hơn với bối cảnh mới. Bên cạnh đó cũng cần có thêm các thông lệ mạnh hơn từ phía các quốc gia, thu thâp thêm cơ sở lý luận từ việc học tập các kinh nghiệm và tham khảo thêm nhiều hành động, nhiều thông lệ của các quốc gia khác có liên quan để khẳng định thêm vai trò và tiếng nói cho các quốc gia có biển. Qua đó kêu gọi và làm rõ tính cần thiết phải có thêm cơ chế hợp tác đa phương, tính tuyệt đối trong việc tôn trọng chủ quyền và tăng cường hơn nữa vai trò của các quốc gia trong quản trị biển và hàng hải...
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Phát biểu tổng kết, PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đồng chủ trì Hội thảo đã nhiệt liệt cảm ơn sự phối hợp và hỗ trợ từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cảm ơn sự có mặt tham gia và trao đổi sôi nổi từ phía phó giáo sư Yoshinobu TaKei, các đại biểu và khách mời. Đồng thời cho rằng bài thuyết trình đã giúp cho giới học giả, chuyên gia của Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về việc thực thi pháp luật dựa trên Luật Biển (theo quan điểm và góc nhìn từ Nhật Bản). Các bài học kinh nghiệm được chia sẻ đã trở thành tư liệu nghiên cứu quan trọng để Việt Nam có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm, không chỉ giúp Việt Nam nói riêng mà cho cả các quốc gia trong khu vực đông Nam Á nói chung có thêm nguồn tư liệu để học tập, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nên phối hợp tổ chức nhiều hội thảo nhằm nâng cao năng lực trao đổi học thuật và mở rộng cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa hai cơ quan trên nhiều lĩnh vực hơn nữa trong tương lai./.