Nghị Quyết 57-TQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và việc triển khai ở Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi

11:50 09/05/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Là một đơn vị nghiên cứu chiến lược thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi nhận thức sâu sắc rằng: việc triển khai Nghị quyết 57 không chỉ là yêu cầu mang tính tổ chức hành chính đơn thuần, mà là quá trình “chuyển hóa nhận thức thành hành động chiến lược”, trong đó, Viện cần khẳng định vai trò là cầu nối giữa lý luận và thực tiễn, giữa khoa học và chính sách, giữa tri thức khu vực học và định hình tương lai phát triển bền vững của đất nước trong không gian liên khu vực.

Trong dòng chảy phát triển của lịch sử hiện đại Việt Nam, mỗi kỳ Đại hội Đảng đều đánh dấu bước ngoặt tư duy chiến lược, khơi nguồn các định hướng phát triển có tính cách mạng cho đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn then chốt của tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế tri thức toàn cầu. Trong khí thế chính trị đặc biệt đó, ngày 22/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, mở ra một “không gian phát triển mới” mang tính dẫn dắt và định hình cho toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội nước ta trong nhiều thập kỷ tới.

Nghị quyết không chỉ là sự cụ thể hóa tư tưởng đổi mới, sáng tạo trong tư duy phát triển của Đảng ta, mà còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên – những người giữ vai trò hạt nhân trong sự nghiệp chuyển mình của đất nước theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, dữ liệu và công nghệ cao. Với tầm nhìn xuyên suốt đến năm 2045, Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, khả thi, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của khoa học – công nghệ và chuyển đổi số trong việc nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo độc lập tự chủ và củng cố vị thế quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.

1. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045

NQ-57 đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 là nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, với mục tiêu đạt mức tiên tiến trong nhiều lĩnh vực quan trọng và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong nhóm thu nhập trung bình cao. Trình độ, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức trên trung bình của thế giới, đồng thời có một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, cùng với vai trò là trung tâm phát triển công nghệ số. Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế, trong khi tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm ít nhất 50% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Quy mô nền kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% GDP, với tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 80%. Ít nhất 40% doanh nghiệp sẽ có hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời giữ chỉ số phát triển con người (HDI) trên mức 0,7.

Cụ thể hơn, kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ đạt 2% GDP, với hơn 60% đến từ xã hội. Ít nhất 3% ngân sách hằng năm sẽ được phân bổ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ đạt 12 người trên mỗi vạn dân. Việt Nam cũng sẽ có từ 40 đến 50 tổ chức khoa học, công nghệ đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, với số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10% mỗi năm, cùng với tỷ lệ khai thác thương mại đạt từ 8 đến 10%.

Đặc biệt, hạ tầng công nghệ số sẽ được phát triển với dung lượng siêu lớn và băng thông siêu rộng, tương đương các quốc gia tiên tiến. Việt Nam sẽ phủ sóng 5G toàn quốc và hoàn thành xây dựng các đô thị thông minh. Đồng thời, ít nhất 3 tổ chức công nghệ hàng đầu thế giới sẽ được thu hút đầu tư tại Việt Nam. Quản lý nhà nước sẽ được nâng cao trên môi trường số, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và khai thác hiệu quả tài nguyên số. Chính phủ số, kinh tế số và công dân số sẽ phát triển mạnh mẽ, với Việt Nam đứng trong nhóm các quốc gia hàng đầu về bảo mật không gian mạng.

Đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, với thu nhập cao. Kinh tế số sẽ chiếm ít nhất 50% GDP, và Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số hàng đầu. Các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút ít nhất 5 tổ chức công nghệ hàng đầu thế giới.

Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp trung tâm đổi mới, và tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi đã đề ra kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết 57, phù hợp với định hướng chiến lược của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Mục tiêu của Viện là trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hệ thống Viện Hàn lâm, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong việc chuyển giao tri thức và kết nối học thuật giữa Việt Nam với các khu vực Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

2. Nâng cao nhận thức và đột phá về đổi mới tư duy trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về các khu vực địa chiến lược, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi xác định rõ: triển khai Nghị quyết 57 không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cơ hội lớn để tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu, nâng cao vị thế học thuật, gia tăng ảnh hưởng tư vấn chính sách, đồng thời xây dựng nền tảng số hóa phục vụ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Để thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của các quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước. Các nhiệm vụ này phải được xác định cụ thể trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương. Kết quả thực hiện sẽ là tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác, thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu các cơ quan cần trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công việc, đồng thời khuyến khích cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện.

Song song đó, cần có chương trình tuyên truyền, giáo dục hiệu quả để nâng cao nhận thức và quyết tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Các phong trào như "học tập số", nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ và kiến thức số trong cán bộ, công chức và nhân dân phải được đẩy mạnh, đồng thời phát triển các phong trào khởi nghiệp, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật. Việc tôn vinh và biểu dương kịp thời các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp và cá nhân có thành tích trong các lĩnh vực này là cần thiết để khích lệ tinh thần sáng tạo, cống hiến.

Đồng thời, nội dung Nghị quyết cần được đưa vào sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn của các chi bộ, viện và các cơ quan, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Các hình thức biểu dương, khen thưởng cũng cần được thiết lập đối với những sáng kiến, nghiên cứu ứng dụng trong giảng dạy, doanh nghiệp, các công bố quốc tế và các sáng kiến nâng cao hiệu quả công việc.

3. Khẩn trương hoàn thiện thể chế và xoá bỏ các rào cản phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

ghị quyết 57 nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế, v.v. Mục tiêu là tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản hiện tại, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực này và phát triển nguồn nhân lực. Cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải phù hợp với từng loại hình nghiên cứu, đồng thời cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính. Đồng thời, cần giao quyền tự chủ trong việc sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cần có cách tiếp cận mở và sáng tạo, cho phép thí điểm với những vấn đề thực tiễn mới được đặt ra. Chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo để khuyến khích đầu tư mạo hiểm và sáng tạo.

Việc thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng rất quan trọng. Các viện nghiên cứu, trường đại học cần trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Đầu tư và nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng thời sáp nhập hoặc giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không hiệu quả.

Cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả. Các tổ chức này cần được giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn. Đồng thời, các tổ chức nghiên cứu cần được phép sử dụng ngân sách nhà nước để thuê chuyên gia và tài sản trí tuệ, tạo sự liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp. Cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.

Ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ cần ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Cơ cấu lại nguồn ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ phải đảm bảo tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cần có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đồng thời, cũng cần có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận và mua các bí mật công nghệ, học hỏi và sao chép các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Cuối cùng, cần từng bước xóa bỏ các rào cản về quan niệm, tư duy, cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc trọng dụng và thu hút nhân lực chất lượng cao sẽ giúp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững các lĩnh vực này.

4. Tăng cường đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

ây dựng một chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược rõ rang để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một trong những điều quan trọng là thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược và tạo ra cơ chế thử nghiệm chính sách để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ chiến lược. Chính phủ cũng cần dành ít nhất 15% ngân sách cho sự nghiệp khoa học, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ chiến lược. Các cơ chế hợp tác công tư cũng cần được xây dựng để hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược. Ngoài ra, cần có các chiến lược nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc khai thác không gian biển, không gian ngầm, và không gian vũ trụ, những lĩnh vực mang tính chiến lược lâu dài và có tiềm năng lớn.

Song song với đó, phát triển các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia phải là một phần không thể thiếu, tập trung vào công nghệ chiến lược, nhằm tạo ra những đột phá trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số là một yếu tố quan trọng để chúng ta bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới. Để làm được điều này, cần có cơ chế hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để phát triển hạ tầng số hiện đại, với nguồn lực chủ yếu từ nhà nước.

Cuối cùng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư và xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là rất quan trọng. Không chỉ vậy, việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài để đặt các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hạ tầng số quốc gia một cách bền vững.

5. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

ể đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình giảng dạy để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành khoa học và công nghệ. Cần có các cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực trọng điểm như toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, đặc biệt ở các trình độ sau đại học. Cũng cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực này.

Việc thu hút nhân tài từ nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững. Cần ban hành cơ chế đặc thù để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các chuyên gia quốc tế có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Các chính sách đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà đất, thu nhập, môi trường làm việc cần được tạo ra để thu hút và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia có khả năng tổ chức, điều hành và triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

Ngoài ra, cần xây dựng một số trường và trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Việc phát triển các cơ chế hợp tác công tư trong đào tạo nhân lực công nghệ số sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Các nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến, mô hình giáo dục đại học số sẽ giúp nâng cao năng lực số cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời đại chuyển đổi số.

Đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín quốc tế giúp phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học đủ năng lực giảng dạy các lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ then chốt,. Việc đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, hiện đại hóa phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao, phục vụ cho các yêu cầu của nền kinh tế số và các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn.

6. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị

iệc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Cần có kế hoạch và lộ trình chi tiết để đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị lên môi trường số, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, và bảo mật nhà nước.

Phát triển các nền tảng số an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ số là cần thiết để hình thành công dân số, đáp ứng nhu cầu của một xã hội ngày càng số hóa. Đặc biệt, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng là yếu tố quan trọng. Cần đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chủ quyền an ninh dữ liệu quốc gia.

Thúc đẩy sử dụng khoa học công nghệ và số hóa trong khai thác dữ liệu nghiên cứu, công tác Đảng, công tác hành chính, tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý. Hướng tới xây dựng một Tạp chí điện tử là bước đi quan trọng trong việc chuyển đổi số ngành báo chí và tuyên truyền, phục vụ nhu cầu thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận của công chúng đối với các thông tin quan trọng.

7. Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp

ây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển giao tri thức và đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ thông qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Cần xây dựng các chính sách khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển các cơ chế hỗ trợ hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược trong nước, có quy mô lớn, nhằm phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Các cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng và thuế cần được áp dụng trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển và sản xuất sản phẩm công nghệ số. Ngoài ra, cần phát triển các khu công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Công tác nghiên cứu cần được tập trung vào việc tăng số lượng và chất lượng các công bố quốc tế, cũng như tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu trong giảng dạy và thực tiễn doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm rằng kinh tế số các ngành, lĩnh vực chiếm tối thiểu 70% trong tổng thể nền kinh tế số. Đồng thời, khuyến khích sản xuất thông minh trong các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và logistics.

8. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Cần tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử và các công nghệ chiến lược khác.

Xây dựng chính sách phù hợp để mua và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đồng thời, chủ động và tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về các công nghệ mới, bảo đảm an toàn và mang lại lợi ích chung. Thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Việc phát triển và mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu chung với các quốc gia và tổ chức quốc tế là rất quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Thiết lập các cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu, trao đổi khoa học và công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến các kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

9. Triển khai NQ-57 tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi

iệc triển khai Nghị quyết 57 tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu của Viện là không chỉ cải thiện khả năng nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn mà còn tạo ra một môi trường khoa học, công nghệ hiện đại, năng động, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Viện sẽ tập trung vào việc xây dựng các cơ chế tài chính hỗ trợ khoa học công nghệ, với ưu tiên cao cho các nhiệm vụ có tiềm năng công bố quốc tế. Việc phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ này sẽ được ưu tiên để đảm bảo rằng các nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao được thực hiện đầy đủ. Đồng thời, Viện sẽ đẩy mạnh nghiên cứu về các vấn đề quan trọng như xây dựng đô thị thông minh, học hỏi từ các kinh nghiệm thành công trong việc giảm thiểu tác động môi trường tại khu vực Nam Á, Tây Á và Châu Phi, đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Một trong những sáng kiến nổi bật trong giai đoạn 2025-2030 là việc thành lập “Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc về Halal Việt Nam”. Đây sẽ là bước đi quan trọng trong việc nâng cao vai trò của Viện trong việc tư vấn chính sách, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal tại Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Viện cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các cơ chế hợp tác khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Việc xây dựng tạp chí Nghiên cứu Á - Phi cũng là một trong những mục tiêu quan trọng, nhằm tăng cường uy tín và chất lượng của Viện, đồng thời mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học uy tín trong khu vực và quốc tế.

Những bước đi này không chỉ giúp Viện phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu khu vực mà còn đóng góp tích cực vào việc nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

KẾT LUẬN

Nghị quyết 57-NQ/TW đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển đột phá của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 được đặt ra không chỉ thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà còn là lời hiệu triệu toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội đồng lòng, đồng sức để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển quốc gia.

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, với vai trò là một trong những đơn vị nghiên cứu chuyên sâu trong hệ thống Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cần phát huy tối đa nội lực, tinh thần đổi mới sáng tạo và khả năng hội nhập quốc tế để trở thành đầu mối học thuật, trung tâm kết nối nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các kết quả khoa học vào thực tiễn. Đồng thời, Viện cần đóng vai trò tư vấn chính sách chiến lược, góp phần vào các định hướng lớn của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên, nhà khoa học tại Viện cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc hiện thực hoá tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Với tinh thần đó, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi hoàn toàn có đủ cơ sở, nền tảng và quyết tâm chính trị để góp phần vào công cuộc đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI./.

Bài viết chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5  của Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi

Nguồn: Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi

Tác Giả: PGS. TS Đinh Công Hoàng và TS. Kiều Thanh Nga

In trang Chia sẻ

Tin khác