Tham gia sự kiện khai mạc, sáng ngày 21/10/2024, về phía Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ có PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng – Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Phụ trách, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên - Phó Viện trưởng, PGS.TS. Bùi Chí Hoàng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Nguyên Phó Viện trưởng, cùng các đại biểu từ Trung tâm Khảo cổ học, Bảo tàng Lâm Đồng, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Bảo tàng Kiên Giang và Bảo tàng Đồng Nai.
Về phía Nhật Bản có ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Morimoto Susumu - Giám đốc ACCU, Bà Wakiya Kayoko - Phó Giám đốc ACCU và các thành viên ACCU giảng viên Nhật Bản là ông Yamaguchi Hiroshi và bà Suzuki Tomomi.
Phát biểu chào mừng tại buổi khai mạc, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng nhận định qua các chương trình đào tạo của mình, ACCU đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều năm qua với các cơ quan bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam, trong đó có Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Đồng thời, việc số hóa di tích và hiện vật khảo cổ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay để qua đó có thêm một phương thức gìn giữ bền vững các giá trị này và trao truyền cho các thế hệ tiếp nối. Khóa học này là dịp để các học viên tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời đại số hóa và chuyển đổi số. Ông cũng mong muốn quan hệ hợp tác giữa ACCU và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ ngày càng bền chặt và phát huy hiệu quả hơn nữa trong tương lai vì mục tiêu gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của nhân loại.
Ông Morimoto Susumu đại diện ACCU nhấn mạnh đây là một khóa tập huấn thực tế, là phiên bản nâng cấp của khóa đào tạo đã được tổ chức trực tuyến vào tháng 11 năm 2022. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo trực tuyến, ACCU rất vui mừng khi biết kết quả đã được áp dụng vào thực tế. Chúng tôi tin rằng có thể cung cấp nội dung phong phú hơn thông qua khóa tập huấn trực tiếp lần này. Chủ đề của khóa tập huấn tập trung vào “Phương pháp số hóa 3D cho di tích khảo cổ học” là một chủ đề mới, dựa trên công nghệ tiên tiến với hai giảng viên Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm thực tế về số hóa 3D. Ông hy vọng khóa học này sẽ truyền tải được các kiến thức mới cho học viên tham gia. Ông Morimoto ghi nhận Trung tâm Khảo cổ học là một đối tác quan trọng, đã hỗ trợ tích cực cho ACCU trong nhiều năm qua và luôn trân trọng sự hợp tác này trong thời gian tiếp theo.
Dưới góc độ một thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, PGS.TS. Bùi Chí Hoàng bày tỏ niềm vui khi thấy một khóa học mới được triển khai và chia sẻ Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đồng thời, Việt Nam cũng là một quốc gia tham gia rất tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Các khóa đào tạo của ACCU đã đem lại những đóng góp hữu hiệu cho cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam qua việc chia sẻ tri thức, kỹ thuật và kinh nghiệm của Nhật Bản. Ông hy vọng các học viên sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích để góp phần mang lại những đóng góp lớn hơn cho việc gìn giữ di sản văn hóa của các thế hệ tiền nhân và mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ có thêm nhiều các chương trình hợp tác đào tạo nguồn lực chuyên gia về bảo tồn di sản cho các nhà khoa học Việt Nam.
Ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh - bày tỏ niềm vinh hạnh được tham dự buổi khai mạc khóa tập huấn và được gặp lại những gương mặt thân quen ở các khóa đào tạo trước đây về khảo cổ học giữa Việt Nam và Nhật Bản. Khóa tập huấn này nhằm mục đích cung cấp công cụ góp phần bảo tồn các hiện vật sưu tầm tại khu di tích khảo cổ Cát Tiên và Bảo tàng Lâm Đồng thông qua việc ghi chép hình ảnh bằng dữ liệu 3D. Việc bảo tồn và kế thừa các di sản văn hóa bằng kỹ thuật tiên tiến như thế này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc truyền lại cho thế hệ sau các giá trị lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Ông cũng hy vọng Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng nhau chia sẻ và dung hòa tri thức lẫn kỹ thuật của hai nước để cùng tạo ra những giá trị mới bởi lẽ việc bảo tồn di sản văn hóa là trách nhiệm vô cùng quan trọng mà thế hệ chúng ta cần phải gánh vác vì tương lai của các thế hệ nối tiếp. Khóa tập huấn này còn là hoạt động vô cùng ý nghĩa đối với cả Nhật Bản lẫn Việt Nam khi góp phần xúc tiến hoạt động giao lưu về con người, chuyên gia và tri thức giữa hai nước.
Trong buổi khai mạc, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng và ông Morimoto Susumu đã cùng nhau ký kết bản ghi nhớ tổ chức khóa học năm 2024. Các bên chia sẻ niềm hy vọng hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Khóa tập huấn số hóa di tích và hiện vật khảo cổ học được triển khai thực địa tại khu di tích khảo cổ học Cát Tiên (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) từ ngày 22/10/2024 đến 25/10/2024 và kết thúc ngày 26/10/2024. Mục đích khóa học nhằm trang bị cho 15 học viên từ nhiều cơ quan ở Nam Bộ kiến thức và kỹ năng thực hành số hóa di tích và hiện vật khảo cổ để ứng dụng cho nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời đại số hóa và bối cảnh chuyển đổi số đang được quan tâm và triển khai ở nhiều đơn vị.
Nguồn: Viện KHXH Vùng Nam Bộ