|
HĐKHCNNN gồm: PGS.TS. Trần Đức Cường (Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm), Chủ tịch Hội đồng; Hai ủy viên phản biện là GS.TS. Mai Quỳnh Nam (Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm) và PGS.TS. Phạm Quang Hoan (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm); Các thành viên hội đồng là GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Viện Hàn lâm), PGS.TS. Khổng Diễn (Hội Dân tộc học và Nhân học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), PGS.TS. Nguyễn Quang Sơn (Ủy ban Dân tộc), GS.TS. Lê Thị Quý (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), GS.TS. Ngô Đức Thịnh (Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam), PGS.TS. Trần Đức Ngôn (Đại học Văn hóa), TS. Nguyễn Thị Kim Vân (Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai), TS. Tuyết Hoa Niê Kdăm (Đại học Tây Nguyên). Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có TS. Lê Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 và một số nhà khoa học đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm Đề tài và tập thể thành viên thực hiện Đề tài.
Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã tập trung điều tra, khảo sát, nghiên cứu, làm sáng tỏ thực trạng và vai trò tích cực, tiêu cực của các nhóm xã hội: già làng, trí thức và phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ trong Đổi mới, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm, kiến nghị, giải pháp phù hợp, khả thi, làm cơ sở khoa học cho xây dựng chính sách kế thừa, phát huy hiệu quả vai trò của một số nhóm xã hội đặc thù của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 5 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Chương 2: Vai trò của già làng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trong Đổi mới. Chương 3: Vai trò của trí thức các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trong Đổi mới. Chương 4: Vai trò của phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trong Đổi mới. Chương 5: Bài học kinh nghiệm, quan điểm, kiến nghị và giải pháp phát huy vai trò của các nhóm xã hội đặc thù của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả cho rằng: (1) Trong quá khứ, xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên vận hành theo luật tục, được điều hành bởi thiết chế tự quản buôn làng, là thiết chế hợp thành bởi chủ yếu ba nhóm xã hội già làng, trí thức và phụ nữ, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong Đổi mới, ba nhóm xã hội tiếp tục phát huy vai trò trong bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, đóng vai trò quản lý xã hội phi chính thức, hỗ trợ hệ thống chính trị trong vận động dân làng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh chính trị ở các buôn làng.
|
|
|
|
|
(2) Già làng trong Đổi mới là đại diện tiêu biểu cho thiết chế tự quản buôn làng Tây Nguyên xưa, cũng là trí thức dân gian tiêu biểu của dân tộc. Do chủ trương của các địa phương, già làng đã hỗ trợ hệ thống chính trị trong quản lý xã hội các buôn làng Tây Nguyên, duy trì phong tục tập quán, duy trì tín ngưỡng cộng đồng, hỗ trợ hệ thống chính trị vận động dân làng bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh chính trị. Điều này, cho thấy, già làng là cầu nối giữa luật tục với luật pháp, giữa truyền thống với hiện tại, già làng thực sự là nhân tố hỗ trợ cần thiết cho hệ thống quản lý xã hội chính thức ở các buôn làng dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh vai trò tích cực, hoạt động của già làng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặc biệt, trong các cuộc bạo loạn chính trị, còn một bộ phận già làng bị lợi dụng, hoặc dao động, hoặc dùng ảnh hưởng lôi kéo dân làng tin theo tổ chức phản động.
(3) Do kết quả phát triển trong lịch sử, trong Đổi mới, trí thức các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên bao gồm 3 bộ phận: Trí thức tự đào tạo hay trí thức dân gian, trí thức tôn giáo và trí thức được đào tạo. Trí thức dân gian tiếp tục phát huy vai trò trong duy trì truyền thống và văn hóa dân tộc, cũng như trong hỗ trợ hệ thống chính trị phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh chính trị. Trí thức tôn giáo có vai trò quản lý giáo dân theo tinh thần của tôn giáo và hỗ trợ hệ thống chính trị vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo. Đa số trí thức được đào tạo dưới chế độ cũ tham gia ngụy quân, ngụy quyền được học tập, cải tạo về buôn làng sinh sống. Một số tham gia các tổ chức chính trị phản động, hoặc ra nước ngoài sinh sống, nhìn chung, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững vùng và quốc gia.
(4) Trước năm 1975, dù theo chế độ gia đình mẫu hệ hay song hệ, ở các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, vai trò của phụ nữ trong gia đình và phần nào ngoài xã hội, đều được tôn trọng hơn hoặc ít nhất bình đẳng so với nam giới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên đã kề vai sát cánh cùng nam giới đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Trong đổi mới, phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Bên cạnh, vai trò tích cực, phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên còn một số hạn chế, bất cập, đặc biệt, một bộ phận phụ nữ còn bị thế lực phản động lợi dụng.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Đề tài đã: (1) Làm sáng tỏ và quan trọng hơn là đóng góp cho sự phát triển về lý thuyết giá trị phát triển cơ bản vùng trên các khía cạnh (kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, vị trí địa lý); (2) Xác định được vai trò tích cực và hạn chế của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên; (3) Đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp kế thừa, phát huy của vai trò của một số nhóm xã hội các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên thời gian tới.
Đề tài được Hội đồng xếp loại khá, với điểm trung bình 89,9. Các kết quả nghiên cứu và giải pháp của Đề tài là phù hợp, khả thi, góp phần hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong tương lai.
Nguyễn Thu Hà