PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội

17:39 27/06/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 26/6/2025, tại Hà Nội, đoàn công tác do PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm khảo sát và thu thập ý kiến xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tham dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trực thuộc Viện Hàn lâm và Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuộc họp do Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm – PGS.TS Tạ Minh Tuấn và Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - PGS.TS. Phạm Bảo Sơn đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, PGS.TS Tạ Minh Tuấn cho biết Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” là một Đề án chính trị cấp chiến lược, mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần tạo cơ sở cho việc ban hành một nghị quyết hoặc chỉ thị cụ thể của Bộ Chính trị hướng tới trở thành công cụ, thể chế hóa các chính sách phát triển lĩnh vực KHXH&NV một cách mạnh mẽ, lâu dài và đồng bộ, không chỉ cho sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mà còn cho sự phát triển của toàn ngành KHXH&NV trên cả nước. Trong bối cảnh xã hội đang bị tác động sâu sắc của chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và hội nhập toàn cầu. việc định hình vai trò, sứ mệnh và phương thức tổ chức KHXH&NV trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Do đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn các trao đổi tại buổi làm sẽ góp phần nhận diện, làm rõ, phân tích và đưa ra những giải pháp cụ thể để Ban Soạn thảo và Tổ biên tập của Đề án làm căn cứ xây dựng đề cương và kế hoạch cụ thể của Đề án.

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc phát biểu tại buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tiếp lời Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò là 1 trong 2 trường đại học quốc gia thuộc diện triển khai Đề án sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng Viện Hàn lâm trong quá trình xây dựng Đề án.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu, đã đến lúc cần có một chỉ thị riêng của Đảng dành cho lĩnh vực KHXH&NV nhằm tạo cơ sở chính trị vững chắc và thúc đẩy thể chế hóa mạnh mẽ, hỗ trợ công tác quản lý và điều hành các cấp, tương tự như Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ đã được thể chế hóa bằng Luật và Nghị định. Những thể chế này góp phần khẳng định sự phát triển của ngành KHXH&NV không chỉ là nền tảng tri thức và tư tưởng mà còn là nguồn lực thiết yếu cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó, PGS.TS Phạm Bảo Sơn cũng đề nghị đại diện các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào các điểm nghẽn, vướng mắc còn tồn tại, bao gồm cả vấn đề pháp lý, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể giúp Đề án có thể được thể chế hóa được điều luật, tạo điều kiện để phát triển hơn nữa ngành KHXH&NV trong tương lai. Đồng thời, Ông khẳng định Đại học Quốc gia Hà Nội luôn coi trọng tính liên ngành và vai trò quan trọng của KHXH&NV trong các chương trình khoa học công nghệ, ông cho rằng KHXH&NV phải tham gia vào mọi lĩnh vực, kể cả trí tuệ nhân tạo và công nghiệp 4.0, vì mọi công nghệ đều nhằm phục vụ con người.

TS. Vũ Tuấn Anh, trình bày Báo cáo tại buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng được lắng nghe Báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội về thực trạng công tác nghiên cứu KHXH&NV do Phó Trưởng ban Ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo TS. Vũ Tuấn Anh trình bày. Báo cáo cho thấy Đại học Quốc gia Hà Nội hiện được đánh giá là một trong hai trường đại học lớn nhất cả nước về đào tạo và nghiên cứu KHXH&NV. Với hệ thống tổ chức gồm 9 trường Đại học thành viên, 2 viện nghiên cứu cùng nhiều trung tâm nghiên cứu, đơn vị trực thuộc, Đại học Quốc gia Hà Nội sở hữu lực lượng nhân lực KHXH&NV đông đảo với 1.494 cán bộ, trong đó có 27 giáo sư, 157 phó giáo sư và gần 800 tiến sĩ – đây là những con số ấn tượng, thể hiện chất lượng và vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong tổng số 46 nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội, có khoảng 1/3 thuộc khối KHXH&NV và rất nhiều nhóm mang tính liên ngành, kết hợp giữa khoa học xã hội với công nghệ, ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo, truyền thông, chính sách công…

Phó Trưởng ban Ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo nhấn mạnh, sức mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ nằm ở đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đến từ hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ về cơ sở vật chất, kỹ thuật và chính sách đầu tư. Các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, phòng thí nghiệm trọng điểm, thư viện số, không gian học thuật tại khu công nghiệp cao Hòa Lạc đã và đang góp phần kiến tạo một môi trường nghiên cứu hiện đại, chuẩn quốc tế. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội còn là đơn vị đi đầu cả nước trong việc ban hành chính sách hỗ trợ công bố quốc tế, thu hút nhân tài và ưu đãi học thuật cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực KHXH&NV.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến góp ý những nút thắt trong Đề án đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi, thể hiện tư duy sâu sắc và tâm huyết với sự phát triển của ngành KHXH&NV đã được ghi nhận.  Chia sẻ những khó khăn của ngành KHXH&NV trong việc lựa chọn các hướng nghiên cứu trong giai đoạn hiện tại, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn cho rằng, KHXH&NV hiện nay đang phải đối diện với những sự lựa chọn khó khăn giữa các hướng nghiên cứu quốc tế, quốc gia và địa phương. Trong khi công bố quốc tế là thước đo quan trọng cho hội nhập, thì các nghiên cứu gắn với quốc gia và địa phương lại mang tính thực tiễn cao và góp phần trực tiếp vào hoạch định chính sách. Sự thiếu nhất quán trong hệ thống tiêu chí đánh giá khiến nhiều nhà khoa học trẻ bị phân tán, thiếu định hướng dài hạn. Qua đó Ông đề xuất ngành KHXH&NV nên có thêm các chính sách hỗ trợ bền vững, nên thay đổi cách nhìn nhận trong công tác đánh giá kết quả khoa học để sách chuyên khảo uy tín được đánh giá tương xứng với bài báo quốc tế.

Ông Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển phát biểu tại buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Để Đề án thể hiện tính hỗ trợ hiệu quả hơn trong công tác nghiên cứu, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ông Phạm Đức Anh cho rằng cần “đối xử” công bằng giữa KHXH&NV và khoa học tự nhiên, vì công tác lý luận của KHXH&NV giúp giải quyết những vấn đề lớn liên quan tới chủ quyền và giá trị con người, do đó cần tăng đầu tư tương xứng, chấp nhận rủi ro nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao gắn với nhu cầu thực tiễn và quốc tế hóa kết quả nghiên cứu không chỉ qua công bố mà qua cả các chính sách thu hút học giả, nhân tài quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông phát biểu tại buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Chia sẻ quan điểm về việc ngành KHXH&NV còn thiếu các chương trình nghiên cứu chiến lược tầm quốc gia hiện nay, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông - Nguyễn Tiến Vinh cho rằng đây là nguyên nhân khiến KHXH&NV gặp khó trong việc lượng hóa tác động, dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư. Ông đề xuất cần thay đổi cách thức đầu tư, chuyển từ hỗ trợ cá nhân sang tập trung nguồn lực cho các Viện, Trung tâm nghiên cứu lớn để hình thành định hướng và trường phái học thuật có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành KHXH&NV.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng Đề án, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề có tính chất cốt lõi trọng điểm liên quan đến việc triển khai cơ chế khuyến khích hoạt động KH&CN, đề xuất cần có thêm những chính sách đặc thù nhằm gia tăng số lượng các nhà khoa học xuất sắc. Đồng thời, trong công tác nghiên cứu cần thúc đẩy mạnh mẽ tính liên ngành, liên thông giữa các lĩnh vực KHXH&NV và khoa học công nghệ; KHXH&NV cần đảm nhận các nhiệm vụ khoa học tầm quốc gia, quốc tế. Đây là cơ hội để KHXH&NV góp phần thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Xác lập hệ thống chỉ số cụ thể để đo lường đóng góp thực chất của KHXH&NV đối với sự phát triển đất nước; có chính sách phân bổ nguồn lực trọng điểm để khắc phục “khiếm khuyết thị trường” và xây dựng các trung tâm nghiên cứu lớn…

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tổng kết buổi làm việc, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, tâm huyết từ đội ngũ nhà khoa học, nhà quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng các nội dung trao đổi đã bao quát khá toàn diện những vấn đề cốt lõi của KHXH&NV hiện nay. Những góp ý, trao đổi tại buổi làm việc là cơ sở quan trọng hỗ trợ hiệu quả và đắc lực vào quá trình xây dựng Đề án và khẳng định ba nội dung then chốt sẽ được đưa vào Đề án gồm: (i) Tư duy đúng đắn về sứ mệnh KHXH&NV, chính sách phù hợp và đầu tư có trọng tâm; (ii) Việc triển khai và thực hiện Đề án là một hướng tiếp cận quan trọng trong công tác hoạch định chính sách, tạo cơ sở pháp lý và chính trị vững chắc của Bộ Chính trị hướng tới sự phát triển bền vững của ngành KHXH&NV trên cả nước.

Để công tác nghiên cứu KHXH&NV phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cũng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ cùng phối hợp xây dựng bộ chỉ số KPI đo lường tác động của KHXH&NV nhằm đánh giá hiệu quả lĩnh vực này qua đó tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của KHXH&NV trong quá trình phát triển đất nước.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh Hương Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội)

 

Nguồn: Nguồn (Ban Quản lý TC&QLKH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tác Giả: Phạm Vĩnh Hà (tổng hợp)

In trang Chia sẻ

Tin khác