|
TS.Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện công văn số 1083/KHXH-QLKH ngày 06 tháng 06 năm 2023 của Chủ tịch Viện Hàn lâm về việc báo cáo kết quả KPI sau 03 năm thực hiện áp dụng tính chỉ số KPI (từ 2020 đến 2022) (theo Quyết định số 645/QĐ-KHXH ngày 15/5/2023 của Chủ tịch Viện Hàn lâm về việc ban hành biểu mẫu bảng tính chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động KPI và Sổ tay hướng dẫn sử dụng KPI của Viện Hàn lâm) tại các đơn vị. Thông qua Hội nghị, TS, Phó chủ tịch mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu nhằm làm rõ được những mục tiêu mà Viện Hàn lâm đặt ra khi áp dụng thực hiện KPI, những khó khăn và bất cập mà các đơn vị đang gặp phải trong việc tính toán kết quả thực hiện theo các đặc trưng nghiên cứu riêng của từngđơn vị từ đó tìm ra được các giải pháp nhằm thực hiện áp dụng KPI tốt hơn trong thời gian tới.
|
PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trao đổi ý kiến tại Hội nghị |
Tham gia trao đổi tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: với cách tiếp cận theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa trong các hoạt động, ngay từ năm 2012 Viện nghiên cứu Đông Nam Á đã ban hành quy định hoạt động của Viện trong đó quy định cụ thể KPI để đánh giá kết quả công việc của từng cán bộ. Do đó, khi Viện Hàn lâm xây dựng và ban hành bộ chỉ số Đo lường hiệu quả hoạt động KPI của Viện Hàn lâm, Viện Đông Nam Á đã có thêm công cụ, cơ sở pháp lý để triển khai đánh giá KPI tốt hơn cho toàn đơn vị và cá nhân. Công cụ này tạo cơ sở cạnh tranh lành mạnh để các cá nhân trong viện phấn đấu, noi gương nhằm phát triển cá nhân và góp vào sự phát triển lớn mạnh của Viện Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, Viện Đông Nam Á nhận thấy cần có sự tính toán lại cách tính nhân sự cho mỗi tiêu chí KPI thành phần, chỉ những nhân sự thực sự có tham gia vào hoạt động tạo KPI mới đưa vào, những cá nhân đi học, đi công tác nước ngoài dài hạn nên được đưa ra khỏi nhân lực tính KPI. Bên cạnh đó nên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tự động, các viện sẽ nhập dữ liệu và toàn bộ dữ liệu này sẽ hiện lên hệ thống để các đơn vị đều có thể nhận thấy dữ liệu của nhau (chỉ xem không sửa) để đảm bảo sự dễ dàng trong tính toán và kiểm tra chéo được nhau.
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa trao đổi ý kiến tại Hội nghị |
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa việc dùng một thước đo KPI để áp dụng cho các ngành là một sự bất cập, ví dụ giữa việc tính điểm đánh giá KPI cho các bài tạp chí là khác hẳn so với các đề tài khoa học, đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở lại không được tính điểm KPI là một sự thiệt thòi cho bản thân các nhà nghiên cứu, trong khi đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở mới thực sự mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự đóng góp (kết quả để tính KPI) rõ nét nhất của cá nhân trong nghiên cứu lại không được tính điểm KPI, vấn đề tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo, tham gia viết các chương sách…cách tính điểm cũng chưa hợp lý. Do đó, trước mắt Viện Hàn lâm cần rà soát điều chỉnh lại một số định mức điểm cho các kết quả cụ thể, ưu tiên cho những mục kết quả liên quan trực tiếp đến chất lượng nghiên cứu; Mỗi viện cũng nên được xây dựng một KPI riêng để đảm bảo sự công bằng cho các nhà khoa học…
|
PGS.TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng |
Kiến nghị việc áp dụng thực hiện KPI, PGS.TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng nhận định: về mặt tổng thể, áp dụng KPI trong các viện nghiên cứu là tích cực. Tuy nhiên vẫn còn có một số hạn chế còn tồn tại có liên quan đến công tác đánh giá và xếp hạng KPI ví dụ như chưa có hình thức khen thưởng cho các đơn vị ở Tốp đầu, điểm KPI hiện mới được tính cho các bài tham luận hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế có chỉ số ISBN, còn các bài viết không đăng kí kỷ yếu ISBN thì không được tính điểm, số điểm cho một tạp chí trong nước còn quá thấp so với các bài tạp chí, sách quốc tế (thực tế đang chênh lệch tới 10-11 lần), đối với các bài tạp chí có chung tác giả, điểm cho tác giả đứng đầu được tính quá cao so với các tác giả còn lại (90/10)…
PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho rằng việc tính KPI của Viện Hàn lâm cần áp dụng cách tính so với cách tính của quốc tế, KPI nên cố gắng hướng tới việc nâng tầm uy tín của Viện Hàn lâm so với bạn bè quốc tế, được các đơn vị trong nước công nhận, mục tiêu hướng tới là phải trả lời được các câu hỏi như: thang đo KPI này đã nâng tầm các đơn vị lên chưa, lên tới đâu, vì sao chưa lên, chưa nâng tầm được đơn vị để từ đó có những đánh giá khách quan, từ bên ngoài về hiệu quả thực hiện chức năng/nhiệm vụ của các đơn vị từ đó có thể tìm ra các giải pháp cải tiến được chất lượng hoạt động để áp dụng/đánh giá, chấm điểm KPI cho từng cá nhân, từng đơn vị trong Viện Hàn lâm.
|
PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Tổng kết các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, TS. Đặng Xuân Thanh cho rằng việc thực hiện KPI đề ra không những nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị trong Viện Hàn lâm, mà còn hướng đến việc tạo ra những kết quả mới, có ý nghĩa nâng tầm vị thế của Viện Hàn lâm nói chung và các đơn vị nói riêng đối với bạn bè trong nước và quốc tế. KPI chính là công cụ hỗ trợ quản lý, điều hành, sau 3 năm thực hiện đã có được kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. KPI đang cho thấy là công cụ cần thiết, phát huy được tác dụng trong việc khuyến khích và thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác tại Viện Hàn lâm. Mặc dù còn nhiều điểm chưa thỏa mãn được các đơn vị đang áp dụng, nhưng KPI với các trọng số tính điểm đã giúp cho lãnh đạo Viện Hàn lâm và các đơn vị có thêm công cụ hỗ trợ quản lý, điều hành. Thông qua các trao đổi, Hội nghị đã làm rõ hơn những điểm cần nhận diện trong cách tính KPI, những trọng số cần bổ sung, thay đổi để KPI thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực hỗ trợ các đơn vị và cá nhân người lao động đạt được thành quả lao động tốt hơn nữa trong thời gian tới./.
Phạm Vĩnh Hà