Hội nghị Tập huấn công tác phòng, chống khủng bố năm 2024

17:00 21/12/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 21/12/2024, tại Hội trường 3C trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tập huấn công tác Phòng, chống khủng bố năm 2024 với sự tham dự của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố Viện Hàn lâm (Ban chỉ đạo); đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; các đồng chí viên chức làm công tác hành chính; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và đại diện Ban chỉ huy quân sự, chỉ huy tự vệ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm. Hội nghị được tổ chức dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng webinar, các đơn vị như Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tham dự trực tuyến được kết nối trực tiếp với điểm cầu chính tại Viện Hàn lâm.

Hội nghị diễn ra nhằm thực hiện Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013; Công văn số 244/ANNĐ-16 ngày 16/1/2024 của Cục An ninh nội địa – Bộ Công An về tổ chức thực hiện công tác phòng, chống khủng bố năm 2024; Kế hoạch số 198/KH-KHXH ngày 16/2/2024 của Viện Hàn lâm Khoa học hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) về công tác phòng, chống khủng bố. Hội nghị được đón tiếp Đại tá, PGS.TS. Phạm Cao Nhiên, Giảng viên Học viện An Ninh Nhân Dân (Bộ Công An) đến dự và trình bày tham luận tại Hội nghị.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng Ban chỉ đạo đã nhiệt liệt chào đón sự có mặt của toàn thể đại biểu và cho rằng Hội nghị tập huấn là cơ hội để các đồng chí đang làm công tác có liên quan có thêm kiến thức, hiểu hơn về vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ phòng chống khủng bố trong tình hình mới; nhận diện được nguy cơ và những dấu hiệu nhận biết để từ đó nâng cao vai trò của việc đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, góp phần có hiệu quả vào việc tham mưu, đảm bảo an ninh toan toàn trong Viện Hàn lâm nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

Thông qua tham luận về “Tình hình khủng bố trên thế giới, khu vực, trong nước thời gian gần đây; Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố trong các Cơ quan Nhà nước hiện nay”, Đại tá Phạm Cao Nhiên đã cho thấy các vấn đề nổi bật có liên quan đến tình hình khủng bố như: Âm mưu, ý đồ của các tổ chức khủng bố quốc tế; Hoạt động của các tổ chức khủng bố (tuyên truyền tư tưởng bạo lực, cực đoan; lôi kéo, phát triển lực lượng, tạo dựng chân rết, thiết lập cơ sở, căn cứ và mở rộng địa bàn hoạt động); Các hình thức tài trợ khủng bố (phương thức huy động tiền, tài sản (công khai, bí mật), hệ thống chuyển tiền (tiền ảo, tài sản ảo)… Đại tá cho rằng: Các hình thức khủng bố diễn ra trong giai đoạn hiện nay ngày càng trở nên tinh vi, dưới nhiều hình thức phong phú, ở bất kì thời điểm và không loại trừ quốc gia, khu vực, tổ chức, cá nhân nào. Vì vậy, với mỗi tổ chức, cá nhân, việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về khủng bố là việc cần chú trọng, tránh quan điểm lơ là, không chú ý. Vì đặc trưng của khủng bố chính là yếu tố bất ngờ, đánh vào các khu vực mà con người chủ quan, ít phòng bị nhất. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các cuộc khủng bố luôn để lại hậu quả cực kỳ to lớn, gây tổn thất cả về tài chính và tinh thần thậm chí có thể làm suy yếu sự phát triển của cả một hệ thống chính trị, quốc gia, khu vực…

Đại Tá Phạm Cao Nhiên, Giảng viên Học viện An ninh Nhân dân trình bày tham luận tại Hội nghị

Đại tá Phạm Cao Nhiên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một số phương thức thủ đoạn của khủng bố trong giai đoạn hiện nay như: tình trạng bắt giữ, bắt cóc con tin, cướp, sử dụng phương tiện giao thông vận tải, tấn công võ trang, thiết bị điện tử, các hình thức gây cháy, nổ, ám sát, khủng bố và mất an toàn, an ninh mạng. Qua đó Đại tá cũng cho rằng việc đẩy mạnh vai trò của truyền thông, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và sự phối kết hợp giữa các tổ chức, cá nhân… nhằm thực hiện đúng Luật Phòng, chống khủng bố có vai trò quan trọng đối với bất kỳ cơ quan đơn vị nào, đặc biệt là đối với các cơ quan nhà nước, cơ quan ngang Bộ cần lưu ý Điều 13 khoản 3 trong đó chỉ rõ “Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Bộ, ngành giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức, chỉ đạo công tác, phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực phụ trách và phối hợp với các bộ, ngành địa phương, cơ quan khác thực hiện phòng, chống khủng bố”…

Qua báo cáo, Hội nghị còn được xem những video, clip ngắn về các cuộc khủng bố đã từng diễn ra trên quy mô toàn thế giới cho thấy hoạt động khủng bố ngày càng tỏ rõ sự manh động, nguy hiểm và đẫm máu, trở thành dẫn chứng tiêu biểu, giúp cho toàn thể đại biểu có cái nhìn trực quan hơn về vấn đề này, Tổng kết những vấn đề cần lưu ý liên quan đến các biện pháp phòng ngừa khủng bố Đại tá Phạm Cao Nhiên cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần chú ý thực hiện tốt 7 nhóm vấn để sau: (1). Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố; (2). Quản lý hành chính về an ninh, trật tự; (3). Kiểm soát hoạt động giao thông vận tải; (4). Kiểm soát phương tiện, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; (5). Kiểm soát hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông và các hình thức thông tin khác; (6). Kiểm soát các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; (7). Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng, chống khủng bố.

Bên cạnh việc lắng nghe tham luận, Hội nghị được nghe PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Viện Hàn lâm về công tác chống khủng bố; tình hình thực hiện Luật Phòng, chống khủng bố tại Viện Hàn lâm cũng như các kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại các trụ sở của Viện Hàn lâm.

Toàn cảnh Hội nghị

Thông qua các nội dung được trình bày và trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố Viện Hàn lâm đề nghị sau tập huấn, lãnh đạo các đơn vị cần quán triệt đầy đủ các nội dung tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan đơn vị. Từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết rõ về các vấn đề liên quan để không vi phạm các hành vi nghiêm cấm đã được quy định trong Luật; Không che giấu, chứa chấp các hành vi tiềm ẩn nguy cơ khủng bố ; Làm lộ bí mật nhà nước trong công tác phòng, chống khủng bố; Không cố ý lan truyền các thông tin giả (chưa kiểm chứng) về khủng bố trên không gian mạng; Không được cản trở, gây khó khăn cho họat động phòng, chống khủng bố. Đặc biệt là người đứng đầu cơ quan đơn vị phải có trách nhiệm cao nhất trong chỉ đạo các hoạt động phòng, chống khủng bố…Gắn việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phòng chống khủng bố. Đồng thời, huy động các thành tựu khoa học công nghệ, góp phần cung cấp luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận cho luật Luật Phòng, chống khủng bố.

Phạm Vĩnh Hà

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác