Tham dự buổi lễ, về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Viện trưởng Viện Xã hội học kiêm Trưởng khoa Xã hội học.
Về phía đại diện địa phương có các đại biểu đến từ Hải Vân, Nam Định nơi đã gắn bó với Viện Xã hội học gần 40 năm qua: Ông Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Nam Định; Ông Nguyễn Hữu Tân, Bí thư Đảng ủy Xã Hải Vân, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định; Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Xã Hải Vân, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định; Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy Xã Hải Vân, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định; Ông Đặng Ngọc Tranh, nguyên Chủ tịch UBND Xã Hải Vân, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định.
Các đại biểu đến từ Hà Nội có các lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ viên chức đại diện các cơ quan, đơn vị: Khoa Xã hội học Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Dân số và Xã hội thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân; Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Học viện Chính trị Khu vực I; Học viện Chính trị Khu vực II; Hội Xã hội học Việt Nam; Các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm như Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Gia đình & Giới, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Học viện KHXH, Văn phòng và Ban chức năng Viện Hàn lâm.
|
|
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh đã điểm lại quá trình thành lập và phát triển của Viện qua các giai đoạn. Cách đây 40 năm, theo Quyết định số 83/KHXH của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam – GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, Ban Xã hội học được thành lập do GS. Vũ Khiêu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam làm Trưởng ban. Từ những ngày đầu tiên với số lượng cán bộ chưa tới 10 người, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn còn hạn chế, trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển với 5 thế hệ lãnh đạo, đến nay Viện Xã hội học đã có sự phát triển to lớn về tổ chức với một đội ngũ lớn mạnh tới gần 50 cán bộ viên chức, công tác tại 7 phòng chuyên môn - trung tâm nghiên cứu, 3 phòng chức năng và Tạp chí Xã hội học. Trong số đó, hiện Viện có 14 tiến sĩ/phó giáo sư, 22 cán bộ có trình độ thạc sĩ, đủ sức đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Viện Xã hội học đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam, đạt được nhiều thành tựu trong công tác và có được vị thế trong cộng đồng khoa học. Viện đã chủ trì và thực hiện một khối lượng lớn các công trình, đề tài nghiên cứu, bao gồm: 14 đề tài cấp Nhà nước, 82 đề tài cấp Bộ và 138 đề tài/dự án hợp tác với bên ngoài. Các kết quả nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu cho phép Viện thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, các các bộ, ban, ngành và đối tác trong nước. Nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản từ các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án hợp tác quốc tế. Nhiều cuốn sách đã trở thành những tài liệu tham khảo không thể thiếu cho giới nghiên cứu, giảng dạy và các sinh viên, nghiên cứu sinh xã hội học trong cả nước.
Chức năng tư vấn chính sách được Viện rất chú trọng. Viện đã cung cấp các luận cứ khoa học và bằng chứng thực nghiệm trong đánh giá sự phát triển xã hội của Việt Nam sau 30 năm Đổi Mới. Nhiều văn bản Luật được các chuyên gia trong Viện đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện và trên cơ sở đó các đại biểu Quốc hội có cơ sở để bấm nút, giám sát hay thẩm định các dự án luật liên quan đến phát triển xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Bên cạnh chức năng nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, Viện còn đảm nhiệm và tích cực thực hiện vai trò giảng dạy chuyên ngành và liên ngành tại Học viện KHXH, cũng như ở nhiều cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. Trong quá trình đó, nhiều cán bộ đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Tạp chí Xã hội học đã liên tục phát triển và đồng hành cùng Viện trong 35 năm qua. Tạp chí là cơ quan ngôn luận hàng đầu của ngành xã hội học, là diễn đàn có uy tín của giới nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng xã hội học, góp phần thúc đẩy sự lan tỏa tri thức và phát triển khoa học xã hội nước nhà. Bắt đầu từ năm 2013, bên cạnh 4 số tiếng Việt, các số Tạp chí tiếng Anh Sociology đã được xuất bản nhằm mục đích giới thiệu và quảng bá những kết quả nghiên cứu với quốc tế, từng bước hội nhập và phát triển.
Trong 40 năm qua, Viện đã có nhiều đề án hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Canada, Hoa Kỳ, các nước trong khối ASEAN, cũng như nhiều Quỹ và Tổ chức quốc tế. Viện không chỉ tiếp nhận các chuyên gia, học giả quốc tế đến làm việc mà còn cử các cán bộ đi đào tạo và tham dự các hội nghị khoa học ở nước ngoài. Sự hợp tác đó đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ trong Viện, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập của ngành xã hội học Việt Nam với khu vực và thế giới.
Phó Chủ tịch Đặng Nguyên Anh đánh giá cao và khẳng định rõ 40 năm qua là một chặng đường dài với sự không ngừng nỗ lực vươn lên của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức Viện Xã hội học. Các cán bộ của Viện sẽ tiếp tục phấn đấu, làm việc cống hiến, sáng tạo và đổi mới hơn nữa để có những đóng góp thiết thực cho ngành và sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong một một bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay. Đồng thời, Phó Chủ tịch đã gửi lời tri ân và tưởng nhớ sâu sắc đến các cán bộ đã mất - những người đã góp phần đặt nền móng cho sự phát triển xã hội học ở Việt Nam, đã chung sức, chung lòng xây dựng Viện Xã hội học trưởng thành và phát triển được như ngày hôm nay.
|
Nhân dịp này, Viện Xã hội học cũng nhận được những lời phát biểu chúc mừng từ đại diện các địa biểu tham dự: PGS.TS. Đặng Ánh Tuyết, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Trưởng khoa Xã hội học, Đại học KHXH&NV. Các đại biểu và đối tác tham dự đánh giá cao những thành tựu mà Viện Xã hội học đã đạt được trong 40 năm qua với những đóng góp tích cực đối với ngành xã hội học của Việt Nam nói riêng cũng như sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung. Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh vai trò “người anh cả” của Viện Xã hội học trong toàn ngành xã hội học của Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận đuợc sự hỗ trợ, tiên phong đi đầu trong mọi lĩnh vực nghiên cứu cũng như đào tạo từ phía Viện.
|
|
Ngay tiếp theo Lễ Kỷ niệm là Hội thảo khoa học “Hải Vân: 30 năm đổi mới và phát triển” nhằm đánh dấu mối quan hệ hợp tác hiệu quả, bền chặt giữa Viện Xã hội học và lãnh đạo, nhân dân Hải Vân. Hội thảo tập trung đánh giá sự phát triển của Hải Vân sau 30 năm Đổi mới, đồng thời là cái nhìn tổng quan về mối quan hệ hợp tác giữa cố Giáo sư Francois Houtart với Viện Xã hội học và Xã Hải Vân. Công trình nghiên cứu về Hải Vân và quan hệ hợp tác của GS. Houtart với Viện Xã hội học và Xã Hải Vân là cầu nối cho mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa Viện Xã hội học và Xã Hải Vân. Nếu như con đường đưa nông thôn Việt Nam thoát nghèo và phát triển khởi đầu từ những chương trình điện, đường, trường, trạm đầu những năm 1990, và chương trình xoá đói giảm nghèo và hiện tại là chương trình nông thôn mới, thì ở Hải Vân những hoạt động này đã bắt đầu ngay từ những năm 1980. Hội thảo đồng thời là lời tri ân cho những đóng góp lớn lao của Giáo sư F. Houtart đối với ngành xã hội học ở Việt Nam nói chung, đối với Xã Hải Vân nói riêng.
Tiếp theo Phiên toàn thể là Phiên họp tại các tiểu ban với 2 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Biến đổi dân số, lao động và việc làm với 5 tham luận: (1) “Những thay đổi trong cơ cấu lao động, nghề nghiệp và mức sống ở Xã Hải Vân 30 năm qua”, GS.TS. Trịnh Duy Luân trình bày; (2) “Biến động dân số Xã Hải Vân thời kỳ Đổi mới”, TS. Nghiêm Thị Thuỷ, TS. Nguyễn Đức Vinh; (3) Xu hướng việc làm và nghề nghiệp của người dân Hải Vân trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi”, TS. Đoàn Kim Thắng; (4) Sinh kế của người dân Xã Hải Vân bối cảnh Hội nhập và phát triển”, TS. Trần Nguyệt Minh Thu, (5) “Vai trò của tầng lớp thanh niên đối với phát triển Hải Vân trong bối cảnh hội nhập”, ThS. Nguyễn Phan Lâm.
|
|
|
Tiểu ban 2: Biến đổi mô hình văn hoá và khuôn mẫu xã hội gồm có 5 tham luận: (1) “Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Vân”, PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, TS. Đặng Thị Việt Phương; (2) “Tìm hiểu đời sống văn hoá tinh thần của người dân Hải Vân những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ, TS. Trương Xuân Trường (3) “Động thái biến đổi khuôn mẫu xã hội ở nông thôn Đồng bằng sông Hồng sau 30 năm Đổi mới: Nhìn từ trường hợp Xã Hải Vân, Huyện Hải Hâu, Tỉnh Nam Định”, PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện (4) “Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới –những nỗ lưc cho sự thay đổi”; (5) “Tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá và tiêu chí thu nhập trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Hải Vân giai đoạn 2010-2020: Thực trạng và giải pháp”, ThS. Lương Ngọc Thuý, ThS. Phan Đức Nam; và CN. Nguyễn Thị Thùy Linh.
|
|
Trong bầu không khí trang trọng và ấm cúng, tập thể cán bộ, viên chức Viện Xã hội học đã nhận được nhiều lời chúc mừng và lẵng hoa tươi thắm của các đại biểu tham dự. Kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Xã hội học còn là dịp để tập thể cán bộ, viên chức của Viện ôn lại con đường đã qua, nỗ lực phấn đấu và chia sẻ những thành tựu ngày hôm nay. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Viện Xã hội học tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho ngành cũng như quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, xứng đáng là một tổ chức khoa học hàng đầu về xã hội học ở Việt Nam.
Hồng Nhung