Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính; TS. Lê Thị Hải Nam, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể; TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; ThS. Văn Thị Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; ThS. Nguyễn Thị Hải Linh, Cục Văn thư Lưu trữ; TS. Nguyễn Bùi Nam, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm; cùng các cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ của Văn phòng và các ban chức năng giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm và Viện Thông tin Khoa học xã hội.
Sau khi giành chính quyền (tháng Tám 1945), một hiện tượng phổ biến xảy ra ở các công sở là hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại đã bị một số viên chức tùy tiện tiêu hủy hoặc đem bán. Vì vậy, ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP gửi các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời với mục đích ngăn chặn tình trạng hủy bỏ tài liệu của chính quyền cũ. Trong thông đạt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa to lớn của tài liệu lưu trữ là “có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”, Bác nghiêm khắc phê phán hiện tượng tùy tiện tiêu hủy tài liệu và coi đó là hành động có tính phá hoại. Bác đã chỉ thị nghiêm cấm những hành động tiêu hủy đó, đồng thời định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc giữ gìn an toàn tài liệu. Trong văn kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao giá trị của tài liệu lưu trữ và phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện hủy tài liệu, mà còn nêu lên những nguyên tắc đối với công tác lưu trữ. Thông đạt thực sự đã đặt nền móng cho sự ra đời của công tác lưu trữ của nước ta; đây là văn kiện chỉ đạo đầu tiên hết sức quan trọng của Nhà nước ta về công tác lưu trữ. Vì vậy, Thông đạt thật sự là một văn kiện có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển công tác lưu trữ của nước ta.
|
|
|
|
Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam và lấy ngày 03 tháng 01 hằng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam”. Việc lấy ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thông đạt về việc giữ gìn tài liệu lưu trữ làm ngày truyền thống của ngành có ý nghĩa to lớn đối với xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức… về công tác lưu trữ và về giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với công cuộc xây dựng đất nước. Điều đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức đối với việc giữ gìn bảo quản tài liệu lưu trữ nhằm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, TS. Nguyễn Bùi Nam, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm đã điểm lại sự phát triển của Phòng Lưu trữ của Văn phòng Viện Hàn lâm. Được thành lập năm 2001, đến nay đã Phòng Lưu trữ trải qua ba thế hệ lãnh đạo, lãnh đạo đầu tiên của Phòng Lưu trữ là TS. Lê Thị Hải Nam, hiện là Thường vụ Đảng ủy, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể Viện Hàn lâm. Tiếp sau đó là ThS. Nguyễn Thị Hải Linh, hiện là cán bộ Cục Văn thư Lưu trữ; và hiện nay là chị Nguyễn Thị Loan. TS. Chánh Văn phòng cũng đánh giá cao và trân trọng đóng góp của công tác lưu trữ trong việc tập hợp, chỉnh lí, bảo quản, giữ gìn và tổ chức khai thác có hiệu quả tài liệu lưu trữ để phục vụ các hoạt động hiện tại cũng như tương lai của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Tại Viện Hàn lâm, công tác này do Phòng Lưu trữ Văn phòng đảm nhiệm, còn ở các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm do Phòng Tổ chức – Hành chính thực hiện. Được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, hàng năm, các đợt tập huấn về văn thư lưu trữ đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác này tại các đơn vị.
|
Trong những năm qua, công tác quản lý về văn thư lưu trữ, quản lý tài liệu lịch sử, khoa học của Viện Hàn lâm đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nổi bật là: công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, hướng dẫn xây dựng danh mục tài liệu, tổ chức nộp lưu vào Lưu trữ Viện Hàn lâm. Hàng năm, công tác chỉnh lý tài liệu tồn đọng cũng được Viện Hàn lâm quan tâm, góp phần bảo quản và khai thác tốt nhất nguồn tài liệu lưu trữ tại Cơ quan.
Các đại biểu tham dự đã được nghe những phát biểu của các thế hệ làm công tác lưu trữ tại Viện Hàn lâm, cùng nhau chia sẻ, ôn lại kỉ niệm, những khó khăn vất vả từ ngày mới thành lập đến nay. Lễ Kỷ niệm đã diễn ra trong không khí trang trọng, vui vẻ với những lời chúc mừng và những bó hoa tươi thắm đầy tình nghĩa của các đại biểu tham dự và lãnh đạo các ban chức năng giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng Lãnh đạo Viện Thông tin Khoa học xã hội./.
Nguyễn Thu Hà