|
PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu phi và Trung Đông phát biểu tại buổi Lễ |
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu phi và Trung Đông cho biết: Theo Nghị định số 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) sẽ sáp nhập với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á để thành lập Viện mới với tên gọi Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi bắt đầu từ năm 2024. Buổi lễ là dịp để Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tri ân tới sự hỗ trợ, giúp đỡ của toàn thể đồng nghiệp, bạn bè và các đối tác khác trong suốt 20 năm qua.
Phó giáo sư, Viện trưởng cho hay, tiếp cận khu vực Châu Phi và Trung Đông trong hoạt động nghiên cứu đã khiến cho IAMES như được đến với một thế giới khác, ở đó có không chỉ là văn hóa, con người mà còn bao gồm cả thiên nhiên, không khí, màu sắc, sự chuyển mình từ bình minh cho đến hoàng hôn cho thấy sự đa dạng giữa các quốc gia và con đường phát triển kinh tế - xã hội của cả châu lục. Hai mươi năm nghiên cứu là hai mươi năm IAMES được tiếp cận đến với những hiểu biết rằng khu vực này thực sự khác biệt so với những nhận thức chung.
|
Đại sứ Tulelo phát biểu tại buổi Lễ |
Trong quá trình nghiên cứu IAMES luôn xoay quanh các câu hỏi giản dị nhưng đầy thách thức đó là: Châu Phi ngày hôm qua, Châu Phi của ngày hôm nay và Châu Phi của ngày mai như thế nào? Gần đây nhất, qua nghiên cứu, IAMES tin rằng Chương trình Nghị sự 2063 là một chương trình cho sự giải phóng toàn diện và lâu dài của Châu Phi, tầm nhìn về một lục địa hòa bình, không có chiến tranh, xung đột và bệnh tạt, nghèo đói và vô gia cư.
Về khu vực Trung Đông, Phó giáo sư, Viện trưởng IAMES cũng nhận định: bất chấp những xung đột đang diễn ra, các quốc gia khu vực này vẫn đang nỗ lực hiện đại hóa các thể chế, tự do hóa xã hội và đa dạng hóa nền kinh tế, phản đối các phong trào tôn giáo thoái trào và vai trò của họ trong chính trị. Qua các nghiên cứu mà IAMES thực hiện có thể thấy rằng nền kinh tế, chính trị của các quốc gia Trung Đông quá đa dạng để có thể xếp vào một khuôn mẫu, các quốc gia giàu tài nguyên đang thực hiện các chương trình cải cách đa dạng hóa nền kinh tế, hướng tới chuyển đổi số, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, còn một số quốc gia nghèo về tài nguyên thì luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do nợ nần, hạn chế tài chính, tuy vậy, các quốc gia này cũng đang nỗ lực thực hiện các cải cách về thể chế để khôi phục lòng tin của công chúng.
Như vậy có thể nói, trong hàng thập kỷ qua, Châu Phi và Trung Đông luôn là các đối tác chiến lược và là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Tại các quốc gia này, sự hiện diện của Trung Quốc và Nga đang trở thành mối lo ngại của Mỹ tạo thành cuộc đua cũng như sự đối trọng để giành ảnh hưởng ở toàn khu vực.
Câu hỏi được đặt ra trong nghiên cứu mà IAMES đã và đang thực hiện đó là liệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” có phải là mục tiêu cốt lõi của mọi quốc gia, mọi dân tộc? và trải qua 20 năm hình thành và phát triển, AMES đã có được câu trả lời đó là “sự chuyển mình của Châu Phi và Trung Đông đã và đang ngày càng trở lên thu hút sự quan tâm của thế giới, là đối tác quan trọng trong chiến lược của các quốc gia trên thế giới và là khu vực giành ảnh hưởng của các nước lớn. Tuy nhiên, đa số các quốc gia trong khu vực này vẫn chưa có được “Độc lập – Tự do- Hạnh phúc” thực sự bởi sự phụ thuộc, lệ thuộc vẫn còn do tàn dư của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ kết hợp với chủ nghĩa đế quốc kiểu mới.
|
Khách mời tham dự Lễ tri ân |
Thực tế địa chính trị gần đây trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực Châu Phi và Trung Đông càng củng cố thêm luận điểm: Xây dựng hòa bình, độc lập – tự chủ trên con đường phát triển, hướng tới hội nhập và trở thành một bộ phận của thế giới đại đồng là mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực. Để đạt được mục tiêu ấy, cả Châu Phi và Trung Đông đã và đang phát huy toàn nội lực, lan tỏa dần sức hút của mình để thu hút sự tham gia của quốc tế. Như vậy, tiếng nói giữa các nước nhỏ đối với các nước lớn sẽ được lắng nghe một cách bình đẳng, hướng tới một “Châu Phi – Trung Đông hòa bình, tự chủ và thịnh vượng”.
Như vậy kể từ ngày thành lập 15 tháng 01 năm 2004 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, IAMES có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về khu vực Châu Phi và Trung Đông nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chiến lược và chính sách, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nước Châu Phi và Trung Đông, 20 năm qua là chặng đường IAMES có nhiều đóng góp cũng như chứng kiến các giai đoạn phát triển với những thành tựu đáng tự hào trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Phi – Trung Đông.
Kết thúc bài phát biểu PGS.TS. Lê Phước Minh đã bày tỏ lòng tri ân với tất cả cán bộ, viên chức của IAMES qua các thế hệ vì những đóng góp hết lòng của họ trong sự phát triển chung của Viện, góp phần không nhỏ vào tư vấn chính sách, phổ biến kiến thúc và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia Châu Phi – Trung Đông. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự tri ân và cảm ơn sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan ngoại giao, các Đại sứ quán Châu Phi – Trung Đông tại Việt Nam, cảm ơn các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã luôn đồng hành cùng IAMES, cảm ơn những đóng góp quý báu của họ trong suốt 20 năm qua đã giúp IAMES có được giá trị và thương hiệu riêng trong nghiên cứu và tin tưởng rằng đó chính là hành trang mà Viện sẽ tiếp tục mang theo ở nhiệm vụ mới, tiếp tục con đường khoa học và góp phần làm đẹp thêm mối quan hệ tốt đẹp vốn có giữa Việt Nam và các nước Châu Phi – Trung Đông.
|
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại lễ tri ân |
Tiếp lời Phó giáo sư, Viện trưởng IAMES, đại sứ Tulelo đã thay mặt các đại sứ khu vực Châu Phi – Trung Đông phát biểu và cảm ơn những đóng góp tuyệt vời của IAMES đối với quạn hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực này trong 20 năm qua, bà cũng tin rằng sự hợp nhất 2 viện chắc chắn sẽ đem lại những điều mới mẻ, hứa hẹn những hiệu quả lớn hơn trong hoạt động nghiên cứu sau này và tin rằng các thành quả đạt được mà Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Nam Phi và Việt Nam trong tương lai.
Phạm Vĩnh Hà