PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp sinh năm 1962 tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa đại học năm 1983, vào năm 1984, ông trở thành giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trong khoảng thời gian từ 1985- 1988, ông là sĩ quan quân đội, được giao nhiệm vụ giảng dạy văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu Thủ đô. Xuất ngũ năm 1988, ông tiếp tục trở về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và học Sau đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1989-1991). Từ năm 1993, ông chuyển về công tác tại Viện Văn học. Từ cán bộ nghiên cứu, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng nghiên cứu, Phó Viện trưởng (2008) và trở thành Viện trưởng Viện Văn học từ 2012 cho đến nay. Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2001 và được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư vào năm 2005.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông đã mở rộng trường nghiên cứu, quan tâm đến những vấn đề trọng yếu nhất của lý thuyết và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ông quan niệm: “Văn chương là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Tầm vóc một nhà văn được đo bằng sự tỏa sáng của văn bản nghệ thuật do anh ta tạo nên. Đơn giản, lao động của các nhà văn là lao động chữ. Sau chữ là tư tưởng, tình cảm, khát vọng. Tất cả phải được thể hiện qua một giọng điệu nghệ thuật độc đáo”. Coi giọng điệu nghệ thuật là dấu hiệu biểu hiện của tài năng, ông đã tập trung nghiên cứu sáng tác của nhiều nhà văn tiêu biểu, cố gắng nhận diện và lý giải cơ chế sáng tạo của nhà văn thông qua việc phân tích những tấm thảm ngôn từ mà họ đã thiết tạo nên trong tác phẩm của mình. Trên cơ sở nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể, các trào lưu, trường phái và đặc trưng thể loại, ông luôn mở rộng các điểm nhìn tham chiếu, đặt các nghiên cứu trường hợp vào ngữ cảnh văn hóa thời đại và sự chuyển đổi hệ hình để nhìn thấy sự vận động của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại một cách hệ thống. Các công trình tiêu biểu của ông gồm: Giọng điệu trong thơ trữ tình (Nxb. Văn học, 2002; Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật năm 2002); Vọng từ con chữ (Nxb. Văn học, 2003; Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004); Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng (Nxb. Hội Nhà văn, 2014; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2014), Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại, Nxb. Khoa học xã hội, 2016. Đây cũng chính là những công trình hợp thành cụm công trình “Thơ trữ tình và văn học Việt Nam hiện đại” được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.
Cụm công trình “Thơ trữ tình và văn học Việt Nam hiện đại” không chỉ cho thấy sự say mê và cần mẫn của một nhà nghiên cứu tâm huyết với nghề mà còn cho thấy bút lực và văn phong tài hoa khi trình bày những ý tưởng khoa học mới mẻ. Các nghiên cứu của Nguyễn Đăng Điệp đã góp thêm một tiếng nói thuyết phục, đáng tin cậy để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về sáng tạo của nhà văn cũng như diễn trình phát triển quanh co phức tạp của văn học Việt Nam hiện đại. Nhà thơ Huy Cận, đại diện xuất sắc của phong trào Thơ mới đã đánh giá về công trình Giọng điệu trong thơ trữ tình: “Đây là một sự nghiên cứu sâu, có những phát hiện. Đặc biệt, đối với phong trào Thơ mới, tác giả công trình đã tiếp cận với tấm lòng tri âm tri kỉ”. GS.TS. Trần Đình Sử khẳng định: “Tác giả Nguyễn Đăng Điệp đã nhận thức đúng việc đi sâu vào những vấn đề nghệ thuật vừa đòi hỏi năng lực trực cảm tinh nhạy, lại vừa đòi hỏi phương pháp và thao tác khoa học tinh tường mới trình bày được rõ ràng các vấn đề phức tạp. Công trình cho thấy tác giả đã kết hợp khá nhuần nhuyễn các yêu cầu rất cao này bằng một cách trình bày uyển chuyển và thuyết phục”. PGS.TS. Vũ Thanh cho rằng Giọng điệu trong thơ trữ tình “là một công trình có giá trị” và Nguyễn Đăng Điệp đã góp phần “khẳng định, mở ra một trường nghiên cứu mới”. Nhiều năm gần gũi và đồng cảm với hoạt động khoa học của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS. Trương Đăng Dung nhận thấy tác giả Nguyễn Đăng Điệp vừa có “năng lực cảm thụ (trực cảm) tinh tế” vừa có “phương pháp khoa học chuyên sâu”; và bởi biết kết hợp, “thể hiện một cách xuất sắc cả hai năng lực đó” nên Nguyễn Đăng Điệp đã khẳng định một hướng nghiên cứu “không chỉ để cho biết tác phẩm văn học nói về cái gì, mà còn để khám phá tác phẩm văn học nói như thế nào, sau khi nhà nghiên cứu xác lập đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong việc tạo nghĩa thông qua người tiếp nhận”. Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung cũng cho rằng việc Nguyễn Đăng Điệp tiếp tục “dành tâm huyết cho những vấn đề của văn học nước nhà, vọng từ những con chữ của một nền văn học đổi mới đang cần đến những đánh giá khoa học, khách quan” nên Vọng từ con chữ (2003) “đã tạo ra một sức bật mới, giúp Nguyễn Đăng Điệp cho ra đời tiếp hai công trình khoa học có tiếng vang, đó là Thơ Việt Nam, tiến trình và hiện tượng (2014) và Một số vấn đề văn học Việt Nam (2016)”. Đánh giá cao tác động của cụm công trình đối với môi trường học thuật và dư luận xã hội, PGS.TS. Trương Đăng Dung cho rằng đây là các công trình “có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội và trong đời sống văn học” nhờ vào việc các công trình ấy luôn đạt được “các giải thưởng uy tín và được dịch, xuất bản ở nước ngoài, được các cơ sở đào tạo dùng để giảng dạy”. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định công trình được Giải thưởng Nhà nước của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp thể hiện 3 giá trị đáng ghi nhận. Thứ nhất, cụm công trình “tính hệ thống cao, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn, giải quyết vấn đề nghiên cứu cả ở tầm mức bao quát và chuyên sâu”. Thứ hai, cụm công trình “đã góp phần đổi mới tư duy nghiên cứu văn học, định vị và soi xét các giá trị văn học một cách thuyết phục trên tinh thần nhân văn hiện đại”. Thứ ba, cụm công trình “xác lập được cách tiếp cận nghiên cứu mới mẻ cùng hệ thống các phương pháp nghiên cứu hiện đại”. Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung và Nguyễn Thị Phương Châm, GS.TS. Lê Huy Bắc cho rằng tác giả Nguyễn Đăng Điệp “là một trong những chuyên gia có uy tín về thể loại thơ và văn học Việt Nam hiện đại”. Ông nhận thấy, cùng với hơn 60 công trình lớn nhỏ, cụm công trình tiêu biểu được Giải thưởng Nhà nước của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp “có tác dụng lớn và có ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đặc biệt trong nghiên cứu và giảng dạy thể loại thơ Việt Nam trong và ngoài nước”.
Bên cạnh tư cách nhà nghiên cứu và phê bình văn học có uy tín, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp còn là một nhà giáo có nhiều thành tựu. Ông đã tham gia công tác giảng dạy và đào tạo cho nhiều trường đại học, nhiều trung tâm nghiên cứu văn học lớn trong nước và quốc tế. Đến nay, ông đã hướng dẫn hơn 100 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và hơn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ngoài ra, ông còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là những môi trường thuận lợi để các công trình khoa học của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng đến sống học thuật và đời sống xã hội. Việc Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn cho cụm công trình “Thơ trữ tình và văn học Việt Nam hiện đại” thêm một lần nữa khẳng định giá trị khoa học và sức lan tỏa của các công trình cũng uy tín học thuật của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp đối với sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta hiện nay.
Nguồn: Viện Văn học