Phát biểu của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Lễ công bố Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

12:00 22/02/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Phát biểu của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Lễ công bố Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Kính thưa các vị đại biểu;

Kính thưa các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí và các bạn!

Ngày 26/12/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Kể từ hôm nay, ngày 22/02/2013, Nghị định 109/2012/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành và Viện Khoa học xã hội Việt Nam chính thức mang tên mới: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Có thể nói sự kiện Viện Khoa học xã hội Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với một tên gọi Viện Hàn lâm đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều thế hệ các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Viện chúng ta. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trên suốt chặng đường hình thành và phát triển 60 năm của Viện kể từ khi thành lập Ban nghiên cứu Sử - Địa-Văn cho đến nay.

Nhân dịp sự kiện này, trong không khí đón chào mùa Xuân mới, năm Quý Tỵ 2013, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc mừng Năm mới: An khang, thịnh vượng, hạnh phúc và nhiều thành công mới!

Kính thưa các vị đại biểu;

Kính thưa các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn!

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước. Như chúng ta đã biết, tiền thân của Viện là Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (thành lập theo Quyết định số 34/NQTW ngày 02-12-1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam) và qua những lần đổi tên thành Ban Nghiên cứu Văn học – Lịch sử - Địa lý (giữa năm 1954), Ban Khoa học xã hội - trực thuộc Ủy ban khoa học Nhà nước (theo Sắc lệnh số 01/SL ngày 04-3-1959 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), Viện Khoa học Xã hội (theo Quyết định số 165/TVQH ngày 11-10-1965 của Quốc hội), Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (theo Quyết định số 47/TVQH ngày 19-6-1967 của Quốc hội), Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (theo Nghị định 23/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ) và 2 lần đổi tên là Viện Khoa học xã hội Việt Nam vào các năm 1990 và 2003 (theo Nghị quyết số 244 NQ/HĐNN8 ngày 31-3-1990 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 22-5-2003 của Chính phủ). Có thể nói, mỗi tên gọi của Viện đều gắn liền với một chặng đường lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam, với những yêu cầu và nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Mỗi tên gọi cũng đánh dấu những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ các nhà khoa học xã hội Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước, cũng như phát triển nền khoa học nước nhà. Với tên gọi Viện Hàn lâm, từ hôm nay vị thế và vai trò của Viện sẽ gắn liền với chặng đường phát triển mới, thể hiện đúng tầm chức năng nghiên cứu cơ bản, vĩ mô, chiến lược, tổng thể và toàn diện trên mọi lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nghiên cứu quốc tế. Tên gọi mới cũng cho phép dễ dàng định vị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong hệ thống nhiều cấp độ các viện và tổ chức nghiên cứu ở nước ta, hoàn thành hành trình tìm tên Viện sau mỗi nhiệm kỳ hoạt động, không còn phải gọi “viện lớn, viện nhỏ” để phân biệt với 32 viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm.

Kính thưa các vị đại biểu;

Kính thưa các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn!

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua đã mở ra giai đoạn phát triển mới với mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tạo tiền đề vững chắc để trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ. Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn mới là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đảm bảo công bằng xã hội; vừa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vừa kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Giai đoạn phát triển mới của đất nước đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới to lớn và cấp bách đối với ngành khoa học xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã khẳng định sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của nền khoa học xã hội nước nhà nói chung và của Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng. Đồng thời đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển về chất, khẳng định vị thế cũng như tầm chiến lược trong nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội của Viện chúng ta nhằm đáp ứng có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị to lớn trong giai đoạn mới.

Kính thưa các vị đại biểu;

Kính thưa các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn!

Có thể nói, sự kiện Viện được mang tên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một vinh dự, niềm tự hào, đồng thời cũng là một trách nhiệm to lớn của toàn thể đội ngũ các nhà khoa học, các cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại Viện. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng sự ra đời của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không chỉ là việc thay đổi tên gọi một cách đơn thuần, mà quan trọng hơn, để xứng đáng với tên gọi mới, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu về mọi mặt. Ngay sau ngày hôm nay, chúng ta sẽ bắt tay vào việc rà soát về cơ cấu tổ chức; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc; hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch và chiến lược phát triển Viện Hàn lâm đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của Viện theo tầm nhìn, vị thế, tư duy mới và tinh thần mới.

Kế thừa bề dày truyền thống và những thành quả to lớn đã đạt được trong lịch sử xây dựng và phát triển của Viện 60 năm qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở vững chắc để triển khai thực hiện thành công Nghị định 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng thời, tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, toàn thể cán bộ, viên chức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ đoàn kết, chung sức xây dựng Viện trở thành tổ chức nghiên cứu khoa học ngang tầm khu vực và quốc tế, có những đóng góp mang tính tiên phong, đột phá, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi phát triển ngày càng cao về khoa học xã hội của đất nước.

Nhân dịp đầu Xuân mới Quý Tỵ 2013, một lần nữa, xin kính chúc các quý vị đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Viện qua các thời kỳ và toàn thể cán bộ, viên chức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

In trang Chia sẻ

Tin khác