Trải nghiệm Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

17:00 02/02/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 2/2/2024, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên Quận Cầu Giấy, Hà Nội đã diễn ra chương trình "Trải nghiệm Tết Việt" với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị về Tết cho người dân, du khách quốc tế.

Hòa trong không khí xuân đang ngập tràn trên khắp mọi miền của Tổ quốc, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Bảo tàng), đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã và đang là một trong những điểm du xuân thu hút được sự quan tâm của công chúng với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền.

Các em nhỏ trải nghiệm học gói bánh chưng cùng các nghệ nhân Bắc Ninh tại Bảo tàng

Các hoạt động được Bảo tàng tổ chức luôn được chú trọng đổi mới với đa dạng hình thức và nội dung nội dung thể hiện, không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa nhất là những đặc trưng văn hóa có tính khu biệt về dân tộc, vùng miền. Hướng đi này đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Đến với “Trải nghiệm tết Việt” ngoài các hoạt động như dựng cây Nêu, gói bánh chưng cùng nghệ nhân Bắc Ninh, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa rối nước… Các em nhỏ còn được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đánh cầu lông gà, đánh mảng, ném pao, tung còn, đẩy gậy… cũng như thỏa trí khám phá 12 con giáp qua việc tô vẽ tranh hay tự tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh.

Du khách nước ngoài trải nghiệm nặn Tò he tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Ngoài ra, chương trình năm nay có các hoạt động mới, như: Tô vẽ khám phá di sản Hội An: tìm hiểu di sản qua tô vẽ các bức tranh; Khám phá Tết qua công nghệ: vượt thử thách Khám phá Tết cổ truyền; tương tác Vui khám phá ý nghĩa Tết Việt, di sản Hội An; Trò chơi tương tác Khám phá mâm ngũ quả Tết (VR); Khám phá khoa học qua tri thức dân gian (STEM): trải nghiệm làm đồ chơi và thí nghiệm khoa học gắn với Tết…

Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của PGS.TS. Trần Trọng Dương (người được biết đến như một nhà nghiên cứu lịch sử và các biểu tượng văn hoá cổ. Ông hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống Sen Heritage với những hoạt động, kết quả đáng ghi nhận) với chủ đề Năm rồng nói chuyện Rồng: Những đứa con của rồng - huyền thoại long sinh cửu tử trong văn hóa Việt Nam; con rồng cháu tiên - biểu tượng rồng trong văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam… Đây là hoạt động nhằm hướng đến chương trình Vui xuân Giáp Thìn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra từ mồng 4 đến mồng 9 Tết.

Theo đó, từ mồng 4 đến mồng 7 Tết (13 -16/2/2024), từ 8h30 - 17h30, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức Khai xuân với các hoạt động: Hát múa Ải Lao (mồng 4 Tết), múa rối nước, viết thư pháp, nặn tò he, khám phá văn hóa Mường…

Mồng 8 và 9 Tết (17 và 18/2/2024), từ 8h30 - 21h00, là hai ngày diễn ra chương trình "Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An" với nhiều hoạt động hấp dẫn của hơn 40 nghệ nhân đến từ Hội An. Đặc biệt, chương trình "Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản" sẽ là trải nghiệm khó quên đối với du khách./.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác