Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

02:41 05/04/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 4/4/2025, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã vinh dự được đón tiếp Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan về dự buổi làm việc của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Viện Hàn lâm về Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Hội nghị thuộc chuỗi các hoạt động giám sát, lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật, hướng tới xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến góp ý sát sườn với trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng từ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đặc biệt là đội ngũ cán bộ đang trực tiếp làm công tác nghiên cứu các chuyên ngành liên quan đến khoa học xã hội và nhăn văn. Phó Chủ tịch cho rằng việc bổ sung, hoàn thiện, làm rõ vai trò của nghiên cứu khoa học xã hội trong chiến lược phát triển quốc gia là việc cần làm ngay. Với sự ra đời của Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đây chính là thời điểm chín muồi để đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học – những người có gắn bó, chặt chẽ với thực tiễn, có khả năng dự báo chính sách cùng nhau nhìn lại những điểm còn chưa được làm rõ, chặt chẽ trong Dự thảo Luật, qua đó có thể bổ sung, thảo luận tìm ra những điểm chưa phù hợp, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc hoạch định chính sách và phát triển của quốc gia trong thời kỳ mới.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội nghị

Đáp từ ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc Hội, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng cho rằng Hội nghị là một trong những diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc Hội đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ mới. Thông qua buổi làm việc, Chủ tịch Viện Hàn lâm tin tưởng các ý kiến trao đổi, đóng góp, chia sẻ sẽ làm rõ những đặc thù trong hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, cũng là dịp để đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm có cơ hội đề xuất, kiến nghị,… hướng tới việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ đắc lực vào công cuộc phát triển đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại Hội nghị

Mở đầu Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước; mở ra không gian phát triển mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là việc cần được làm ngay. Việc tham vấn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với dự thảo Luật là rất cần thiết. Qua đó có thể làm rõ được vai trò, vị thế của các đơn vị nghiên cứu sự nghiệp.

Trên cơ sở bày tỏ các quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn, thông qua Hội nghị Viện Hàn lâm sẽ đóng góp được nhiều ý kiến cụ thể nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kiến nghị những chính sách về thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần bảo đảm sự hài hòa các yếu tố về khoa học trọng tâm là phát triển khoa học xã hội và nhân văn trong dự án Luật.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh trình bày báo cáo góp ý chi tiết đối với Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Hội nghị

Trình bày báo cáo góp ý chi tiết đối với Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng, dự thảo luật hiện hành chưa phản ánh đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt, vai trò của khoa học xã hội trong dự án Luật vẫn còn khiêm tốn.

Thông qua các nội dung liên quan đến từng Điều, Khoản cụ thể, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về bắt buộc công bố kết quả nghiên cứu qua phương tiện truyền thông đại chúng do chưa phù hợp trong trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước hoặc quyền sở hữu trí tuệ; Đối với nghiên cứu cơ bản tại đại học, cần chuyển từ cách tiếp cận “chuyển dịch” sang “hỗ trợ và đầu tư có chọn lọc”; một số quy định liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), đề xuất mở rộng phạm vi thử nghiệm cho cả quy trình, bổ sung các tiêu chí lựa chọn đề án, cơ chế báo cáo, trách nhiệm quản lý và đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tham gia thử nghiệm, bao gồm minh bạch rủi ro, đồng ý tự nguyện và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; quy định về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; Dự thảo Luật quy định không rõ nghĩa, đề nghị rà soát, chỉnh lý hoặc bỏ; đồng thời làm rõ các hành vi bị cấm, có quy định chi tiết (việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong Luật (Điều 7); Đề nghị bổ sung thêm Điều 11 cơ chế đầu tư có trọng tâm nhằm tạo ra các sản phẩm thuộc quyền sở hữu công nghiệp, nhất là công nghệ tiên tiến; Đề nghị cần cụ thể hoá hơn trong Điều 29 chính sách của Nhà nước về thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn như phương thức thực hiện, hỗ trợ; Cần thiết lập nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi ngân sách Nhà nước, Luật chưa làm rõ hình thức, mức độ và quy định chia sẻ dữ liệu, chưa quy định cơ chế bảo vệ nhà nghiên cứu khi chia sẻ dữ liệu (Điều 32)…

Bên cạnh đó Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cũng đề nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật nên nghiên cứu, bổ sung, lồng ghép các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm, nhất là đối với các dự án liên quan đến công nghệ ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ gen;  xem xét, bổ sung một điều khoản riêng về vai trò tư vấn, phản biện, giám sát xã hội của khoa học xã hội nhân văn trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ…

PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị
TS. Lê Phương Hoà (Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương) phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị, nhiều đại biểu đều thống nhất cho rằng việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ cần có một cơ chế riêng, tách biệt với cơ chế sử dụng ngân sách truyền thống cho các hoạt động công vụ hành chính. Hiện nay, với quy trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học, các quy định hiện hành về thời gian thực hiện và quyết toán ngân sách chưa phù hợp với tính đặc thù của hoạt động khoa học, gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu và làm chậm việc tiếp cận và triển khai đề tài. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung thêm cơ chế ngân sách linh hoạt, tạo thuận lợi và phù hợp hơn với đặc thù nghiên cứu, thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học…

Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao các góp ý được trao đổi tại Hội nghị
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Đánh giá cao các ý kiến góp ý vào dự án Luật, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Ban Thường trực sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trao đổi trong quá trình thẩm tra dự án Luật để làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong thời gian tới hướng mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi và phù hợp hơn với đặc thù nghiên cứu cũng như góp phần có hiệu quả vào việc thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn./.

Tác Giả: Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác