GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Văn học
|
|
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; các thế hệ cán bộ Viện Văn học đã nghỉ hưu hoặc đang công tác, học tập và nghiên cứu tại Viện.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng, cho biết: Tiền thân của Viện Văn học là Tổ Văn trong Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (sau đổi thành Ban Văn Sử Địa), do Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập ngày 02 tháng 12 năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc. Ngày 06 tháng 02 năm 1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Viện Văn học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (Quyết định số 038-TTg); theo đó Viện Văn học có nhiệm vụ: “Căn cứ vào đường lối văn học của Đảng và Chính phủ tiến hành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Như vậy, sự ra đời của Viện Văn học là một sự kiện học thuật và chính trị quan trọng.
Trải qua hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nghiên cứu di sản văn học dân tộc và nhân loại, vừa trực tiếp tham dự vào đời sống văn học, kịp thời đấu tranh tư tưởng, bảo vệ mỹ học Mác - Lênin và biểu dương những thành tựu mới của văn học cách mạng; từng bước mở rộng quy mô nghiên cứu, duy trì phẩm tính hàn lâm trong các công trình khoa học; đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước; chú trọng giới thiệu, tiếp thu những tư tưởng học thuật mới trên thế giới; nhiệt tình tham gia đổi mới văn học khi Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước.
Các thế hệ lãnh đạo Viện Văn học chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
|
|
Đội ngũ nghiên cứu của Viện Văn học đã xuất bản hàng trăm ấn phẩm khoa học có chất lượng học thuật cao, hàng nghìn bài báo được dư luận quan tâm chú ý. Viện Văn học cũng là nguồn cung cấp, chia sẻ cán bộ để thành lập, bổ sung cho các trung tâm nghiên cứu khoa học mới như Viện Ngôn ngữ học, Viện Hán Nôm, Viện Văn hóa... và nhiều đơn vị khoa học khác trong cả nước; đội ngũ các chuyên gia hiện nay của Viện Văn học giữ vai trò nòng cốt trong chiến lược đào tạo sau đại học của Học viện Khoa học xã hội. Đã có 7 nhà nghiên cứu của Viện được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, và khoa học công nghệ là: Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Cao Xuân Huy, Hồ Tôn Trinh, Cao Huy Đỉnh, Hoài Thanh, Hà Minh Đức; 5 nhà khoa học được trao Giải thưởng Nhà nước là: Hoàng Trung Thông, Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Văn Truy (Thành Duy).
Qua 6 thập kỉ xây dựng, phát triển và đổi mới, Viện Văn học đã khẳng định được vị thế của một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu, có thể sánh vai với những trung tâm nghiên cứu văn học của nhiều quốc gia trong khu vực.
Ghi nhận những cố gắng vượt bậc, những thành tựu to lớn của toàn thể cán bộ Viện Văn học trong hơn nửa thế kỉ qua, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho Viện Văn học: Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Viện Văn học; Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Viện Văn học; Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Tạp chí Nghiên cứu văn học.
Thay mặt Ban thường vụ Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, vị thế và uy tín của Viện Văn học là một phần không thể thiếu, tạo nên tầm vóc uy tín và diện mạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong 60 năm xây dựng và phát triển. Cách đây 60 năm, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học đây chính là tiền thân của Viện Văn học, Viện Sử học và cũng là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay. Trong 5 năm đầu tiên, Ban Sử, Địa, Văn đã có những đóng góp hết sức quan trọng, từng bước xác lập những nguyên tắc mỹ học macxit trong nghiên cứu khoa học, xây đắp nền móng vững chắc cho nền khoa học xã hội và nhân văn cho nước nhà, phát triển lớn mạnh cả về quy mô, cũng như nội dung nghiên cứu cho những chặng đường tiếp theo. Với quyết định thành lập vào tháng 2/1960, Viện Văn học nhanh chóng trở thành trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu, là nơi quy tụ của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tài danh của đất nước. Ngay trong những năm đầu tiên hoạt động Viện Văn học đã được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là dịch và xuất bản Nhật ký trong tù, bản dịch đó đến nay vẫn được đánh giá là bản dịch đạt tiêu chuẩn cao nhất của dịch thuật là tín, đạt, nhã. Năm 1960 cũng là năm Tạp chí Văn học ra đời. Trong suốt mấy chục năm hoạt động, Tạp chí Văn học được giới nghiên cứu văn học trong và ngoài nước đánh giá là tạp chí chuyên ngành có uy tín. Nhìn lại 60 năm qua, sự hình thành, đổi mới và phát triển của Viện Văn học luôn song hành cùng với nền văn học dân tộc, là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của nền văn học Việt Nam đương đại.
Tập thể cán bộ, viên chức Viện Văn học
|
|
Năm 2013 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn khi Viện Khoa học xã hội Việt Nam chính thức trở thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đó không phải là sự thay đổi tên gọi mà là sự thay đổi về chất lượng, quy mô nghiên cứu, nâng cao tầm vóc và vị thế của một trung tâm lớn nhất đất nước về khoa học xã hội và nhân văn. Mọi hoạt động và tổ chức nghiên cứu của Viện Văn học cũng như các viện chuyên ngành trong Viện Hàn lâm đều phải gắn liền với những nhiệm vụ chính trị đã được xác định rõ trong chiến lược phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhằm đáp ứng tốt nhất những nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Nhân dịp này, Giáo sư Chủ tịch cũng nêu ra một số vấn đề để Viện Văn học tiếp tục suy nghĩ, tổ chức triển khai theo nhiệm vụ của Viện nhằm dành được những thành tựu mới trong giai đoạn tới. Thứ nhất, triển khai và cụ thể hóa chiến lược phát triển của Viện Văn học trong giai đoạn mới, kiên định tư tưởng và phương pháp luận macxit trong nghiên cứu khoa học, đồng thời tiếp thu một cách hợp lý những thành tựu khoa học mới của nhân loại để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu văn học phát triển mạnh mẽ. Tổ chức tốt nhiều hội thảo quốc tế và trong nước về văn học có chất lượng cao, mở rộng hợp tác nghiên cứu, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp khoa học nhằm cung cấp luận cứ khoa học đáng tin cậy cho chiến lược phát triển nền văn học nước nhà, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp đổi mới . Thứ hai, gắn kết hơn nữa giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu triển khai, tiến hành tổng kết các giai đoạn văn học, tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn, cụ thể là hội thảo đánh giá về 30 năm đổi mới của nền văn học nước nhà sắp diễn ra, giải đáp hiệu quả những vấn đề nóng bỏng đang được đặt ra trong đời sống văn học, rộng hơn là những vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần, những thay đổi trong tâm hồn, cốt cách và văn hóa Việt Nam. Thứ ba, tập trung trí tuệ và nhiệt huyết để có những công trình khoa học tầm cỡ và chất lượng, có tác động xã hội sâu sắc. Đây là những công trình đánh dấu sự phát triển của Viện Văn học, là cơ sở để khẳng định Viện Văn học xứng đáng là trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của đất nước. Thứ tư, cần phải có chiến lược phát triển đội ngũ các nhà khoa học, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ chuyên sâu; chú ý phát hiện các tài năng trẻ, tập trung bồi dưỡng, đào tạo để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yếu tốt quyết định sự thành công của sự nghiệp nghiên cứu văn học của Viện Văn học trong tương lai. Thứ năm, không ngừng mở rộng hợp tác nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu văn học trong và ngoài nước, coi trọng những hợp tác truyền thống đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác mới để nâng cao vị thế, uy tín của Viện Văn học, để từ trong hợp tác và thông qua hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hiệu quả công tác nghiên cứu văn học trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Lễ kỷ niệm đã diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi, Viện Viện Văn học và Tạp chí Văn học đã nhận những lẵng hoa tươi thắm và lời chúc mừng, tri ân của các thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện cùng nhiều đại biểu tham dự./.
Nguyễn Thu Hà