Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (mở rộng) quý II năm 2025

05:18 05/04/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 4/4/2025, tại Hội trường 3C trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Đảng uỷ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (mở rộng) quý II năm 2025. Hội nghị diễn ra nhằm báo cáo kết quả công tác quý I năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025. Đồng thời quán triệt một số nội dung chính của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…

Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu, khách mời có: đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Khánh Thuận, Chuyên viên chính, Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương.

Đồng chí Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội nghị

Về phía Đảng uỷ Viện Hàn lâm, chủ trì Hội nghị có đồng chí Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Viện Hàn lâm. Thành phần tham dự gồm các đồng chí uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Viện Hàn lâm; Trưởng, Phó Trưởng các cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng bộ Viện Hàn lâm. Hội nghị diễn ra theo 2 hình thức, trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng webinar. Trong đó các đại biểu của Đảng bộ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, chi bộ Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, chi bộ Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tham dự bằng hình thức trực tuyến.

Thay mặt Ban Thường vụ Đảng uỷ Viện Hàn lâm, đồng chí Phan Chí Hiếu trân trọng cảm ơn sự có mặt của toàn thể khách mời, đại biểu đã đến dự Hội nghị và đặc biệt nhấn mạnh tới việc quán triệt một số vấn đề quan trọng có liên quan đến nội dung chính của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính Trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do đồng chí Nguyễn Đức Kiên trình bày.

Theo đó, các nội dung chính của Nghị Quyết số 57 đã được đồng chí Nguyễn Đức Kiên tổng lược tại 3 phần chính bao gồm: (1). Quá trình chuẩn bị Nghị Quyết; (2). Nội dung cốt lõi; (3). Một số gợi ý đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên quán triệt một số nội dung chính của Nghị quyết tại Hội nghị

Trên cơ sở các nội dung trình bày, đồng chí Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.

Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ tình hình trên, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt thực hiện tốt các nội dung sau:

Về quan điểm chỉ đạo: (1). Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia là đột phá, là động lực để phát triển nhanh, lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất; (2). Là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; (3). Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt; (4). Nhà nước dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; (5). Thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước; (6). Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; (7). Có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài; (8). Từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; (9). Đảm bảo an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin; (10). Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (11). Chú trọng nghiên cứu khoa học cơ bản (nhấn mạnh vai trò của Viện Hàn lâm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn)

Về nhiệm vụ giải pháp: (1). Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trông toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định trong các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; Kết quả thực hiện là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm. (2). Khẩn trương quyết liệt hoàn thiện thể chế, xoá bỏ tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển: đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Hoàn thiện pháp luật về khoa học công nghệ (đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế…) để tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chính phủ đề ra 41 nhóm chỉ tiêu, 140 nhiệm vụ cụ thể được thực hiện NQ 57; Xây dựng Luật Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Luật công nghiệp, công nghệ số, Luật tổ chức chính phủ, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế thử nghiệm đặc thù, quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế hỗ trợ vay khởi nghiệp, ban hành Nghị quyết thí điểm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (để tháo gỡ điểm nghẽn); Cải cách cơ chế quản lý tài chính, đơn giản tối đa thủ tục hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Giao quyền tự chủ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhà nước đặt hàng nghiên cứu, công nghệ AI, lượng tử, không gian… nhà nghiên cứu được thuê tổng công trình sư, chuyên gia (vai trò của Viện Hàn lâm cần được thể hiện, làm rõ)…

Đồng chí Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trình bày báo cáo tại Hội nghị

Có thể nhận thấy với các nội dung được trình bày, nhiệm vụ đặt ra đối với Viện Hàn lâm là rất lớn. Quan điểm của Chính phủ là rất rõ ràng trong việc đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.

Có 7 nhóm nhiệm vụ/giải pháp được Chính phủ đề ra tập trung vào các vấn đề như: (1). Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (2). Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (3). Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (4). Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (5). Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; (6). Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; (7). Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng chí Đỗ Xuân Lân trình bày báo cáo tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh đó là các nội dung cốt lõi mà Nghị Quyết số 57 cần quán triệt đến từ Chi Bộ Đảng và yêu cầu Viện Hàn lâm có kế hoạch xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn tăng cường tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh các nội dung do đồng chí Nguyễn Đức Kiên trao đổi, Hội nghị cũng được nghe Báo cáo của Viện Hàn lâm về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW do đồng chí Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trình bày. Nghe Báo cáo (dự thảo) của Đảng uỷ Viện Hàn lâm về kết quả công tác quý I năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025 do đồng chí Đỗ Xuân Lân, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày. Với 5 mảng  nhiệm vụ trọng tâm liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; Công tác chính trị tư tưởng; Công tác tổ chức, cán bộ; Xây dựng tổ chức Đảng; Lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội đã cho thấy quyết tâm của Đảng uỷ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong việc hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra theo Chương trình làm việc năm 2025 và nhiệm vụ đột xuất của Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng uỷ Viện Hàn lâm trong giai đoạn hiện tại và sắp tới./.

Tác Giả: Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác