Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới – sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn. Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ định hướng chiến lược trong công tác đối ngoại: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; nâng tầm đối ngoại đa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện, hiện đại.” Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết của tình hình mới, mà còn là kim chỉ nam để xây dựng lực lượng cán bộ làm công tác đối ngoại – những người trực tiếp thể hiện ý chí, hình ảnh, và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (gọi tắt Viện Hàn lâm), với chức năng nghiên cứu chiến lược, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, xác định hoạt động đối ngoại là một trong những trụ cột hoạt động của Viện Hàn lâm. Các hoạt động đối ngoại của Viện Hàn lâm (gồm đoàn ra, đoàn vào, hội thảo quốc tế, tiếp khách quốc tế, lễ tân đối ngoại,…) được thực hiện ở hai cấp là cấp Viện Hàn lâm và cấp đơn vị trực thuộc, và đầu mối giúp việc Lãnh đạo Viện Hàn lâm trong công tác đối ngoại là Ban Hợp tác quốc tế và Lãnh đạo đơn vị - là phòng hợp tác quốc tế. Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức làm ở vị trí này nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của Viện Hàn lâm nói riêng và đất nước nói chung, là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng với Viện Hàn lâm.
Đội ngũ viên chức đối ngoại – Yếu tố quyết định chất lượng hội nhập quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại của bất kỳ chính sách hội nhập nào. Đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại – nơi đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều năng lực: ngoại ngữ, tư duy chiến lược, hiểu biết văn hóa, khả năng giao tiếp, đàm phán, truyền thông và bản lĩnh chính trị, thì yêu cầu về chất lượng cán bộ lại càng trở nên khắt khe hơn.
Từ hoạt động thực tiễn của Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc có thể thấy bên cạnh nhiều viên chức thông thạo ngoại ngữ, có kinh nghiệm, nhiệt huyết và năng lực làm việc quốc tế cao, thì vẫn còn nhiều viên chức hạn chế về trình độ ngoại ngữ chuyên môn, phương pháp nghiên cứu và tư vấn chính sách, xử lý tình huống trong giao tiếp với đối tác quốc tế,... Đây là những khoảng trống mà nếu không được giải quyết kịp thời và căn cơ thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hội nhập quốc tế của các đơn vị.
Trên cơ sở nhận thức rõ tính chất cấp thiết của vấn đề, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ viên chức đối ngoại, hướng tới việc xây dựng một lực lượng cán bộ toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập:
- Thứ nhất, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp đào tạo viên chức đối ngoại. Thay vì các hình thức truyền đạt kiến thức truyền thống, cần ưu tiên các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, có tính tương tác cao và chú trọng kỹ năng ứng dụng. Cụ thể, nên lồng ghép các mô-đun đào tạo về xử lý tình huống đa phương, kỹ năng thương lượng quốc tế, truyền thông đối ngoại, ngoại giao số và ngoại giao văn hóa – những lĩnh vực ngày càng đóng vai trò trung tâm trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
- Thứ hai, cần kết hợp linh hoạt giữa đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài. Việc cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu, thực tập hoặc tham dự hội thảo tại các cơ sở học thuật quốc tế không chỉ giúp cập nhật kiến thức mới, mà còn góp phần hình thành tư duy toàn cầu, khả năng thích nghi với các môi trường đa văn hóa – điều kiện tiên quyết để hội nhập thành công. Đồng thời, cần tranh thủ các nguồn học bổng, chương trình trao đổi và hợp tác quốc tế để mở rộng cơ hội học tập cho cán bộ trẻ.
- Thứ ba, chú trọng phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng thế hệ cán bộ trẻ có tố chất, năng lực và tiềm năng phát triển. Việc xây dựng đội ngũ kế cận không chỉ là giải pháp cho tương lai mà còn là yêu cầu trước mắt. Những cán bộ trẻ cần được tạo điều kiện cọ xát, thử thách qua các chương trình thực tế, từ đó từng bước hình thành bản lĩnh, tư duy chiến lược và năng lực tổ chức công tác đối ngoại chuyên nghiệp.
- Thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đào tạo và cập nhật tri thức đối ngoại. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc tiếp cận thông tin và kiến thức toàn cầu cần được thực hiện một cách linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả. Các nền tảng học trực tuyến, kho dữ liệu số về các xu hướng toàn cầu, chính sách đối ngoại, kinh nghiệm quốc tế cần được xây dựng và phổ biến để tạo ra môi trường học tập liên tục, không ngừng phát triển cho đội ngũ cán bộ.
- Thứ năm, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực đối với cán bộ làm công tác đối ngoại trong bối cảnh hội nhập mới. Việc lượng hóa, cụ thể hóa các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức và tư duy chính trị sẽ giúp công tác tuyển dụng, đào tạo và đánh giá cán bộ được thực hiện một cách khoa học, khách quan và hiệu quả hơn.
Đại hội XIV của Đảng là mốc quan trọng để nhìn lại chặng đường đã qua và định hình phương hướng phát triển trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực đối ngoại không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trước mắt, mà còn là sự đầu tư lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đội ngũ viên chức đối ngoại cần được định hình không chỉ như những công chức hành chính, mà là những nhà tư vấn chiến lược, những sứ giả văn hóa, và những người kiến tạo cầu nối giữa Việt Nam với thế giới.
Với quyết tâm cao, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận trong nhận thức và hành động từ các đơn vị liên quan, tin tưởng rằng: đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Viện Hàn lâm nói riêng và của đất nước nói chung sẽ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh, chuyên nghiệp và mang tầm vóc quốc tế. Họ sẽ là những nhân tố chủ lực trong việc triển khai hiệu quả đường lối hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đúng như tinh thần mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra – và là sự chuẩn bị căn bản, vững chắc hướng tới thành công của Đại hội XIV và các mục tiêu phát triển đất nước trong tương lai./.