Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế tại buổi tiếp
Cùng tiếp với ông Nguyễn Thanh Hà có ông Nguyễn Mạnh Quân, Trưởng ban Ban Tài chính và Quản lý khoa học; PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; ông Nguyễn Mạnh Việt, chuyên gia công nghệ thông tin, Văn phòng Viện Hàn lâm; ông Lê Thành Tuyên, chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế và bà Nguyễn Thị Minh Trung, Viện Thông tin Khoa học xã hội.
GS. Hara Shoichiro, Đại học Kyoto phát biểu tại buổi tiếp
Tham dự buổi tiếp cùng GS. Hara Shoichiro có PGS. Ono Mikiko, giám đốc Thư viện CSEAS; PGS. Minamiyama Yasuyuki, chuyên gia quản lý dữ liệu và Phiên dịch viên Đỗ Quyên.
Được thành lập vào năm 1963, CSEAS là cơ sở đầu tiên chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á một cách toàn diện và đa lĩnh vực. Kể từ khi thành lập, Trung tâm đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, bao gồm nghiên cứu dựa trên thực địa trong các ngành khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội và nhân văn. Hiện nay, Trung tâm có 5 phân ngành gồm: nghiên cứu tổng hợp, con người và môi trường, xã hội và văn hoá, kinh tế và chính trị, và một phân ngành mới thành lập là thông tin khu vực. CSEAS có văn phòng liên lạc tại Bangkok và Jakarta. Các văn phòng này có nhiệm vụ mở rộng dịch vụ của Trung tâm tới các học giả địa phương và đóng góp xây dựng mạng lưới học vấn rộng khắp châu Á. CSEAS tham gia vào các hoạt động nghiên cứu đa dạng, từ nghiên cứu chung về những vấn đề của xã hội đến dịch bệnh ở Đông Nam Á, dân chủ hoá chính trị và phân chia quyền lực, giới, phát triển bền vững, hợp tác khu vực, và lịch sử đương đại…
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế nhiệt liệt chào mừng Đoàn CSEAS đã đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Giáo sư Hara Shoichiro và Phó Giáo sư Ono Mikiko – các chuyên gia của Đại học Kyoto – đã có hoạt động trao đổi học thuật với Viện Thông tin Khoa học xã hội, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập, Trưởng ban Hợp tác quốc tế bày tỏ kỳ vọng rằng chuyến thăm lần này của Đoàn CSEAS sẽ mở ra nhiều cơ hội trao đổi học thuật thiết thực và hiệu quả hơn nữa, góp phần tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu và hiện đại hóa hệ thống thư viện trong thời gian tới.
Đáp lời ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giáo sư Hara Shoichiro bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc trước sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo của các đại biểu Viện Hàn lâm. Giáo sư cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng nền tảng thông tin phục vụ thu thập, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Đồng thời, Giáo sư bày tỏ sự quan tâm đến việc tìm hiểu sâu hơn về hệ thống thư viện, cơ sở dữ liệu số và các hoạt động quản lý thông tin khoa học tại Viện Hàn lâm, từ đó thúc đẩy khả năng hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa hai bên trong tương lai.
Đoàn công tác CSEAS cùng phiên dịch tại buổi làm việc
Tiếp nối phần giới thiệu của Giáo sư Hara Shoichiro, Phó Giáo sư Ono Mikiko, thay mặt Đoàn công tác, đã trình bày khái quát về Dự án nghiên cứu “Quản lý dữ liệu nghiên cứu (RDM) trong nghiên cứu hợp tác quốc tế”. Dự án được tài trợ bởi Chương trình công nghệ NEXUS-Y thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) trong khuôn khổ Khóa học trao đổi lãnh đạo.
Phó Giáo sư nhấn mạnh, RDM là một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm toàn cầu, với mục tiêu đóng góp vào sự công bằng trong nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ và sử dụng tri thức thông qua việc lưu trữ và quản lý dữ liệu nghiên cứu một cách hiệu quả và phù hợp. Tại Nhật Bản, nhiều cơ sở nghiên cứu học thuật đã và đang triển khai các sáng kiến quan trọng liên quan đến RDM.
Trong khuôn khổ Dự án, Đại học Kyoto sẽ phối hợp với các đơn vị đối tác để khảo sát thực trạng quản lý dữ liệu nghiên cứu tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Việt Nhật. Thông qua đó, Dự án hướng tới việc xây dựng nền tảng nhận thức chung giữa hai bên về quản lý dữ liệu nghiên cứu, từ đó mở ra các cơ hội thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế và trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Cũng trong buổi làm việc, Phó Giáo sư Ono Mikiko đã chia sẻ cụ thể về kế hoạch triển khai dự án với các mốc thời gian rõ ràng cho từng giai đoạn công việc. Theo đó, Bà bày tỏ mong muốn Viện Hàn lâm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức một buổi tọa đàm nhằm trao đổi thông tin và thảo luận với các nhà nghiên cứu đang tham gia thu thập, phân tích dữ liệu trong các dự án hợp tác quốc tế, cũng như với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có tiếp xúc trực tiếp với hệ thống thông tin học thuật. Bên cạnh đó, phía Đoàn công tác cũng đề xuất việc phối hợp tổ chức các hoạt động tìm hiểu tổng quan về hạ tầng thông tin học thuật hiện có tại Viện Hàn lâm, coi đây là cơ sở quan trọng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác thực chất trong lĩnh vực quản lý dữ liệu nghiên cứu giữa hai bên trong thời gian tới.
Buổi làm việc đã diễn ra thành công, trong không khí trao đổi cởi mở, hiệu quả và mang tính xây dựng cao. Đại biểu hai bên đã cùng thảo luận, làm rõ những nội dung chuyên sâu liên quan đến quản lý dữ liệu nghiên cứu như: sự khác biệt giữa cơ sở dữ liệu và dữ liệu; cách phân chia, vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu; mục tiêu và ý nghĩa của Dự án Liên minh dữ liệu quy mô nhỏ (RsDA) do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) chủ trì. Hai bên nhất trí về phương thức phối hợp, cam kết hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai hiệu quả các nội dung của dự án. Sau khi kết thúc, cả Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và CSEAS – Đại học Kyoto sẽ cùng được thụ hưởng những thành quả chung, đặc biệt là hệ thống dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học xã hội, góp phần thúc đẩy hợp tác bền vững giữa hai bên.
Để hỗ trợ việc triển khai Dự án một cách thuận lợi, ông Nguyễn Thanh Hà đã giới thiệu đầu mối liên hệ cụ thể tại các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, giúp Đoàn công tác CSEAS dễ dàng tiếp cận và làm việc trực tiếp. Ngay sau buổi làm việc này, Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Viện Thông tin Khoa học xã hội, Ban Tài chính và Quản lý khoa học, cũng như Văn phòng Viện Hàn lâm để trao đổi sâu hơn về các nội dung hợp tác liên quan.