I. BỐI CẢNH CỦA SỰ RA ĐỜI VIỆN NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI
Quan điểm coi con người là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã trở thành nguyên tắc quan trọng của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển của mình. Phát triển phải có tính bền vững và đi liền với mục tiêu vì con người.
Tư tưởng phát triển con người gắn với phát triển bền vững được coi là sản phẩm của thời đại ngày nay; mặc dù về phương diện tư tưởng, con người xưa nay luôn được hầu hết các xã hội chú trọng. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) được coi là bước ngoặt quan trọng mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Cũng chính Đại hội này đã khẳng định: “Phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động” (Báo cáo Chính trị tại Đại hội). Năm 1991, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội VII của Đảng thông qua một lần nữa nhấn mạnh: “Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người”, và con người được đặt vào “vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội”.
Từ đó, quan điểm đổi mới của Đảng tiếp tục được phát triển, đi tới làm rõ hơn, làm chính xác hơn các vấn đề của lý luận và của đời sống thực tiễn. Các Đại hội sau của Đảng tiếp tục khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là quan điểm tiến bộ mà loài người ở thời đại ngày nay đã đạt tới. Đại hội IX của Đảng (2001) đã xác định rõ thêm sự phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là những khâu đột phá trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Mục tiêu cao nhất của Đảng, của dân tộc và của từng người chính là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những quan điểm lớn đó của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải có cơ sở lý luận về văn hóa, con người, nguồn nhân lực. Việc triển khai có hiệu quả các Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước: KX.07 Con người - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội (1991-1995), KHXH.04 Phát triển văn hóa, xây dựng con người đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa(1996-2000), KX.05 Phát triển văn hóa, con người, nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (2001-2005) đã và đang góp phần đắc lực cho nhiệm vụ này.
Quá trình thực hiện các Chương trình dài hạn đã cho thấy sự cần thiết phải có một tổ chức khoa học thường trực, điều phối tiến hành các nghiên cứu tổng hợp, liên ngành về con người. Ý tưởng này đã gặp sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Lãnh đạo Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, và đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước. Và ngày 20 tháng 9 năm 1999, theo Quyết định số 190/1999/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm ký, Viện Nghiên cứu Con người được thành lập trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Sự ra đời của Viện Nghiên cứu Con người là một sản phẩm cụ thể của đường lối Đổi Mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với chức năng cơ bản được xác định rõ là: Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về con người để cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển con người và nguồn lực con người ở Việt Nam.
Lãnh đạo Viện nghiên cứu Con người qua các thời kỳ
1) Viện trưởng
- Viện trưởng đầu tiên: GS.VS. Phạm Minh Hạc (11/1999 - 02/01/2007)
- PGS.TS. Mai Quỳnh Nam (12/2008 - 12/2012)
- PGS.TSKH. Lương Đình Hải (từ 01/2013)
2) Phó Viện trưởng
- PGS.TS. Hồ Sĩ Quý (01/2000 - 02/2005)
- PGS.TS. Phạm Thành Nghị (2/2001-15/5/2011)
- TS. Đào Thị Minh Hương (từ 07/2010)
- PGS.TSKH. Lương Đình Hải (16/6/2011 - 12/2012)
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Tại Quyết định số 259/QĐ-KHXH ngày 27 tháng 02 năm 2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Con người như sau:
1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm phát triển Viện Nghiên cứu Con người và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Nghiên cứu cơ bản về khoa học con người.
3. Nghiên cứu lý luận và phương pháp luận về khoa học con người.
4. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu con người, thực hiện đào tạo sau đại học, tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về các vấn đề có liên quan đến đối tượng nghiên cứu của Viện theo quy định của pháp luật, tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan khác.
5. Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
6. Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.
7. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành.
8. Ký kết thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và ứng dụng khoa học với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và các quy chế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
9. Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định; quản lý tư liệu, thư viện; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá các kiến thức khoa học.
10. Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị, tài sản và kinh phí của Viện Nghiên cứu Con người theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN
- Về cán bộ và cơ cấu cán bộ:
Khi mới thành lập, Viện Nghiên cứu Con người có 6 cán bộ, trong đó chỉ có 4 cán bộ nghiên cứu. Một năm sau, số cán bộ đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi, và cho đến tháng 8/2004, tổng số cán bộ của Viện là 27 người, trong đó có 17 cán bộ nghiên cứu và 10 cán bộ phục vụ nghiên cứu.
Đến nay, tổng số cán bộ của Viện là 29 người, trong đó có 20 cán bộ nghiên cứu, 09 cán bộ phục vụ nghiên cứu, gồm: 01 PGS.TSKH; 01 PGS.TS; 01 TSKH; 03 TS; 16 Ths, 04 ĐH; THCN và PTTH: 03.
Với một đội ngũ như trên, Viện đã và đang tích cực triển khai các hoạt động khoa học theo nhiệm vụ và chức năng được giao.
- Về tổ chức:
Từ năm 2001, Viện có 10 phòng chuyên môn và 2 phòng nghiệp vụ.
Từ năm 2005, ngoài 2 phòng nghiệp vụ là Phòng Hành chính - Tổng hợp và Thư viện, đã có thêm Phòng Quản lý khoa học và Đào tạo, Trung tâm Tư vấn và Đào tạo kỹ năng.
Hiện nay, Viện có 10 phòng nghiên cứu và ứng dụng khoa học, 03 phòng chức năng, nghiệp vụ và Tạp chí Nghiên cứu Con người (trong Tạp chí có Phòng Biên tập - Trị sự). Hội đồng Khoa học của Viện đã được kiện toàn.
IV. CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Từ tháng 7/2001, Viện được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực Chương trình KH-CN cấp nhà nước KX.05 Phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa do GS. Phạm Minh Hạc làm Chủ nhiệm, gồm 12 đề tài, trong đó có 3 đề tài được tổ chức triển khai tại Viện:
* Đề tài KX.05.01 Cơ sở phương pháp luận của việc nghiên cứu và phát triển văn hoá, con người và nguồn nhân lực trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. PGS.TS. Hồ Sĩ Quý làm Chủ nhiệm;
* Đề tài KX.05.07 Xây dựng con người Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. GS.VS.TSKH. Phạm Minh Hạc làm Chủ nhiệm;
* Đề tài KX.05.11 HYPERLINK "http://www.ihs.org.vn/?url=detail&id=43&sub=1"Nghiên cứu và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóaHYPERLINK "http://www.ihs.org.vn/?url=detail&id=43&sub=1". PGS.TS. Phạm Thành Nghị làm Chủ nhiệm.
Cả 3 đề tài trong chương trình này đã đảm bảo được tiến độ: luận cứ khoa học của các đề tài đã được xác định rõ; đã tổ chức nhiều hội thảo, seminar khoa học; đã triển khai các nghiên cứu thực tiễn trên các địa bàn khác nhau trong cả nước, đã xử lý các kết quả nghiên cứu và đã có sản phẩm cuối cùng như các báo cáo khoa học chuyên sâu, sách và kiến nghị.
Trong những năm đầu, cùng với việc thực hiện đề tài cấp Nhà nước, Viện đã nghiên cứu các đề tài cấp Bộ:
- Một số vấn đề dân số và phát triển dân tộc Chứt ở Quảng Bình, do TS. Đỗ Thịnh làm Chủ nhiệm;
- Nghiên cứu con người trước yêu cầu đổi mới của sự phát triển khoa học, phát triển đất nước, do PGS.TS. Hồ Sĩ Quý làm Chủ nhiệm;
- Một số vấn đề lý luận và ứng dụng nhân học văn hóa trong việc phát triển con người ở Việt Nam, do TS. Đào Thị Minh Hương làm Chủ nhiệm.
Cũng vào giai đoạn phát triển đầu tiên, Viện đã thực hiện 2 đề tài cấp Viện, song lại rất có ý nghĩa về định hướng nghiên cứu và phương pháp luận, đó là 2 đề tài:
- Nghiên cứu con người: đối tượng và những hướng nghiên cứu chủ yếu;
- Tư tưởng Hồ Chí Minh - Phương pháp luận nghiên cứu con người.
Hai đề tài này do GS.VS. Pham Minh Hạc làm Chủ nhiệm. Đề tài đã xác định các hướng nghiên cứu trước mắt và lâu dài; khẳng định xu thế chung của thời đại là hướng đến con người, các giá trị nhân văn và quyền lợi đích thực của con người; đề xuất các chính sách xây dựng và phát triển nguồn lực con người đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp CNH và HĐH đất nước. Nghiên cứu khẳng định tư tưởng nhân văn, triết lý “làm người’ và lẽ sống “ở đời” của Hồ Chí Minh.
Các con số thống kê cũng cho biết trong các năm từ 2000 đến 2003, Viện Nghiên cứu Con người đã thực hiện 26 chuyên đề nghiên cứu cá nhân, nhiều chuyên đề trong đó đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Trong các năm tiếp theo, Viện đã được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình cấp Bộ và tiếp tục triển khai nghiên cứu và hoàn thành các đề tài:
- Những vấn đề cơ bản về phát triển con người ở vùng Tây Bắc, do PGS.TS. Phạm Thành Nghị làm Chủ nhiệm (Thuộc Chương trình cấp Bộ Những vấn đề kinh tế xã hội và môi trường cơ bản nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến 2015).
Trên cơ sở các vấn đề đã được xác định, những dự báo sơ bộ về xu hướng PTCN vùng Tây Bắc đến năm 2015, Đề tài đã đưa ra 5 nhóm giải pháp: (1) Phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, (2) Phát triển giáo dục, tăng cường nguồn nhân lực, (3) Phát triển y tế, tăng cường sức khoẻ của người dân, (4) Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tăng cường giao lưu, nâng cao đời sống văn hoá cộng đồng và (5)Tăng cường tính chủ thể của con người Tây Bắc. Đề tài nhấn mạnh cách tiếp cận mới trong thực thi các giải pháp này trong việc tiến hành các dự án tổng thể, từ chỗ nhà nước trung ương làm thay hoặc chỉ cung cấp tài chính phải chuyển sang tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để người Tây Bắc có năng lực và tính tích cực tự giải quyết các vấn đề của mình thay vì làm thay.
- Một số vấn đề thực hiện quyền con người vì mục tiêu phát triển con người ở Việt Nam, do TS. Vũ Thị Minh Chi làm Chủ nhiệm.
Các đánh giá, kiến nghị của đề tài góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người, về xây dựng và hoàn thiện môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm thực thi hiệu quả quyền con người vì mục tiêu phát triển con người.
Hai đề tài này đều đã bảo vệ thành công ở Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
Trong năm 2009, các đề tài cấp Bộ được thực hiện là:
- Nâng cao hiệu quả của việc thực hiện dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân vì mục tiêu phát triển con người ở Việt Nam hiện nay, do TS. Trương Văn Dũng làm Chủ nhiệm.
Đề tài đã làm sáng tỏ thêm về giá trị dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân, khẳng định tính đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, đề tài cũng làm rõ mối quan hệ giữa thực hiện dân chủ cơ sở với phát triển con người.
- Những vấn đề đặt ra cho giải pháp nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng cư dân nhằm mục tiêu phát triển con người, do TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc làm Chủ nhiệm.
- Phát triển con người: từ quan niệm đến hành động của cán bộ quản lý địa phương các cấp, do Th.S. Nguyễn Đình Tuấn làm Chủ nhiệm.
Năm 2009 - 2010, Viện thực hiện Chương trình cấp Bộ: Một số vấn đề cơ bản về phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, do PGS.TS. Mai Quỳnh Nam làm Chủ nhiệm Chương trình.
Năm 2011 - 2012, Viện thực hiện Chương trình khoa học cấp Bộ: Một số vấn đề cơ bản về quyền con người và điều kiện đảm bảo thực thi ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, vì mục tiêu phát triển con người, do PGS.TS. Mai Quỳnh Nam làm Chủ nhiệm Chương trình.
Hai Chương trình khoa học cấp Bộ này đã hoàn thành đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, kết quả nghiệm thu đều đạt từ loại Khá trở lên.
Tóm lại, kết quả nghiên cứu khoa học của Viện trong những năm gần đây thể hiện trong một số lĩnh vực sau đây:
1) Trong lĩnh vực thực hiện quyền con người, dân chủ cơ sở vì mục tiêu phát triển con người đã đánh giá quá trình thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong quá trình đổi mới; rút ra một số vấn đề cơ bản về thực hiện quyền con người vì mục tiêu phát triển con người ở Việt Nam hiện nay, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân.
2) Trong lĩnh vực nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển theo vùng, miền, dựa trên cơ sở nghiên cứu các nét đặc thù của vùng Tây Bắc, về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đánh giá mức độ phát triển con người trong vùng, làm rõ những vấn đề cơ bản về phát triển con người vùng Tây Bắc, đa ra những kiến nghị nhằm phát triển con người ở địa phương theo hướng bền vững.
3) Tiếp tục triển khai hệ các đề tài đánh giá phát triển con người từ các góc độ văn hóa, xã hội, môi trường, kinh tế, y tế, giáo dục. Từ các góc độ khác nhau phát triển con người được đánh giá theo các tiêu chí: hiệu quả, công bằng, tham gia và bền vững. Phân tích tính chủ thể các cấp trong việc xây dựng, quản lý, thực thi các chính sách vì mục tiêu phát triển con người, thông qua đó đề xuất chiến lược phát triển con người trong giai đoạn mới.
Năm 2013 Viện đã đấu thầu thành công 02 đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KX.03/11-15 Nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực, 01 đề tài quỹ Nafosted.
V. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
Là một Viện mới thành lập nên một trong nhiệm vụ Viện Nghiên cứu Con người đề ra là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Viện phục vụ cho công tác nghiên cứu. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, Viện luôn tạo điều kiện cho cán bộ của Viện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước, như: học các khóa học cao học, học văn bằng hai, khóa học đại học tại chức, các khóa học chuyên môn ngắn hạn, các khóa học nghiệp vụ, các khóa học ngoại ngữ, xử lý số liệu, các hình thức đào tạo tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, lớp đào tạo phương pháp nghiên cứu liên ngành, đào tạo tiền công vụ do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức… đã được cán bộ của Viện tích cực tham gia.
Năm 2005, Viện Nghiên cứu Con người được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Nhân học văn hoá, mã số 62316501 theo Quyết định số 90/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 và Quyết định số 2571/QĐ-BGD&ĐT ngày 13 tháng 5 năm 2005 của Bộ GD-ĐT. Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Nhân học văn hoá. Viện đã coi trọng việc tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học, gắn kết nghiên cứu với công tác đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, đến tháng 5/2010, cơ sở đào tạo của Viện đã sát nhập vào Học viện Khoa học xã hội.
VI. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
1. Quan điểm, định hướng nghiên cứu khoa học đến 2020 và tầm nhìn 2030
- Xây dựng các hệ đề tài khoa học được xác định theo đối tượng nghiên cứu chính là phát triển con người, quyền con người và an ninh con người, con người và văn hóa.
- Xây dựng các hệ đề tài khoa học theo định hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề cấp bách; phát triển dài hạn và thực hiện theo lộ trình. Trước hết nghiên cứu theo yêu cầu nhiệm vụ được giao, sau đó, có thể mở rộng phục vụ theo yêu cầu thị trường.
- Xây dựng và phát triển các hệ đề tài khoa học theo hướng từng bước xây dựng hệ thống tài liệu học tập, khảo cứu sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình v.v… nhằm phục vụ cho công tác đào tạo bậc Đại học và sau Đại học trong lĩnh vực phát triển con người, quyền con người.
- Xây dựng và phát triển các hệ đề tài khoa học phù hợp với thực tế năng lực cán bộ hiện có của các Trung tâm, phòng nghiên cứu chuyên môn và tính tới dự kiến quy hoạch mở rộng đội ngũ cán bộ của Viện trong thời gian 5 đến 10 năm tới.
- Xây dựng hệ đề tài theo.
2. Các hướng nghiên cứu cụ thể
(1) Nghiên cứu phát triển con người Việt Nam và chỉ số phát triển con người.
(2) Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
(3) Nghiên cứu an ninh con người và chỉ số an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
(4) Nghiên cứu thực thi quyền con người và điều kiện đảm bảo.
(5) Nghiên cứu quan hệ con người và văn hóa.
(6) Nghiên cứu tiềm năng, tài năng con người Việt Nam.
3. Mục tiêu đạt tới đến năm 2030
Với quan điểm và định hướng nghiên cứu nêu trên, mục tiêu phát triển của Viện nghiên cứu Con người sẽ được xây dựng nhằm hướng tới Viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và có vị thế trong khu vực trong việc nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách về phát triển con người.
Viện Nghiên cứu Con người đã trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển. Trong dự thảo Di chúc (5/1968) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Mối quan tâm của Hồ Chủ Tịch cũng là mối quan tâm của cán bộ Viện Nghiên cứu Con người.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN