Viện Nghiên cứu Tôn giáo

17:00 29/05/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

1. Quá trình thành lập

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tên giao dịch tiếng Anh là Institute for Religious Studies, viết tắt là IRS, được thành lập theo Nghị định số 23/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ (tiền thân là Ban Nghiên cứu Khoa học về Tôn giáo, Trung tâm Khoa học về Tôn giáo). Theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012, Viện Nghiên cứu Tôn giáo là một đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

2. Chức năng, nhiệm vụ

Theo Quyết định số 249/QĐ-KHXH, ngày 27 tháng 02 năm 2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo có chức năng và nhiệm vụ cơ bản sau đây:

+ Chức năng

- Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về tín ngưỡng, tôn giáo và các tôn giáo, tín ngưỡng trong nước nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

- Tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia phát triển tiềm lực nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo của cả nước.

+ Nhiệm vụ

- Nghiên cứu những vấn đề lí luận về tôn giáo học; những vấn đề lý luận và thực tiễn tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới; đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong lịch sử và hiện nay; lịch sử hình thành, phát triển và quá trình du nhập, tiếp biến của các tín ngưỡng, tôn giáo trong nước góp phần làm sáng rõ vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong văn hóa và phát triển ở Việt Nam.

- Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực tôn giáo học, thực hiện đào tạo sau đại học theo quy định của pháp luật, tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các địa phương và các cơ quan hữu quan khác.

- Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.

- Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện của Viện nằm trong cổng thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; xuất bản các ấn phẩm khoa học, phổ biến các kết quả nghiên cứu, truyền bá các kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo tới quảng đại quần chúng; phối hợp với các tổ chức trong nước và ngoài nước có liên quan, thông tin kịp thời về những công trình nghiên cứu và các hoạt động thực tiễn của tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới và Việt Nam.

- Hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

3. Cơ cấu tổ chức

Theo Quyết định số 249/QĐ-KHXH ngày 27 tháng 02 năm 2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Tôn giáo gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, 05 phòng nghiên cứu khoa học, 03 phòng chức năng và Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo.

 05 phòng nghiên cứu khoa học gồm:

1.Phòng Lý luận Tôn giáo,

2. Phòng Nghiên cứu Phật giáo,

3. Phòng Nghiên cứu Công giáo,

4. Phòng Nghiên cứu Tin Lành,

5. Phòng Nghiên cứu Tín ngưỡng và Tôn giáo truyền thống;

03 phòng chức năng, nghiệp vụ gồm:

1.Phòng Tổ chức - Hành chính,

2. Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế,

3. Phòng Thông tin - Thư viện

Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức của Viện là 45 người. Từ khi chính thức thành lập năm 1993 đến nay, Viện Nghiên cứu  Tôn giáo đã trải qua 4 thế hệ Viện trưởng gồm: GS. Đặng Nghiêm Vạn (1993-1999), GS.TS. Đỗ Quang Hưng (1999-2007), PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (2007-2012), TS. Nguyễn Quốc Tuấn (từ 2012).

II. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU

1. Về những thành tựu trong nghiên cứu khoa học

- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về tôn giáo và tôn giáo học

Đây là nhiệm vụ đầu tiên của Viện Nghiên cứu Tôn giáo với tư cách là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về tôn giáo của đất nước, cũng là lĩnh vực chuyên môn mà Viện tập trung thực hiện ngay từ buổi đầu thành lập. Vấn đề lý luận về tôn giáo học được Viện quan tâm trước hết là những quan điểm, lý luận của C. Mác, Ph. Ăngghen và các học giả nổi tiếng trên thế giới như E. Durkheim, M. Weber, M. Muller,... Thành tựu mà Viện đã đạt được ở lĩnh vực này là đã góp phần làm sáng rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, vai trò, chức năng của tôn giáo, các yếu tố cấu thành một tôn giáo, cũng như các phương pháp nghiên cứu tôn giáo như: xã hội học tôn giáo, tâm lý học tôn giáo, nhân học tôn giáo, tôn giáo học so sánh,… qua đó góp phần hình thành ngành Tôn giáo học ở Việt Nam.

Một số nội dung khác liên quan đến tôn giáo học được các nhà khoa học của Viện nghiên cứu và đạt được những thành tựu đáng kể như: định nghĩa về tôn giáo; nghiên cứu về giáo hội học; nghiên cứu, phân biệt, minh định tín ngưỡng và tôn giáo; làm rõ thế nào là một tín đồ tôn giáo cả về phương diện lý luận lẫn phương diện thực tiễn trên thế giới và Việt Nam; nêu bật mối quan hệ tôn giáo với chính trị, tôn giáo với văn hóa, tôn giáo với xã hội. Luận đề “Tôn giáo là một nguồn lực xã hội” do Viện đưa ra đã có sức thuyết phục và nhận được sự đồng tình. Những nghiên cứu của Viện về tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng, thờ cúng các vị anh hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã góp phần cho việc quyết định của Đảng và Nhà nước lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba) hằng năm là ngày Quốc lễ.

- Nghiên cứu và đóng góp cho việc hoàn thiện đường lối và quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, luật pháp của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo đã được Viện Nghiên cứu Tôn giáo quán triệt sâu sắc. Về phần mình, từ kết quả các công trình nghiên cứu về những vấn đề cơ bản của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đất nước, Viện cũng đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời làm sâu sắc thêm các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Những nghiên cứu của Viện còn bước đầu định hình được một hệ thống các khái niệm, quan niệm và luận điểm như những công cụ tư duy cho tiến trình nhận thức và đổi mới nhận thức về các phương diện khác nhau của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, về cơ sở tồn tại khách quan của tôn giáo và chủ thể tôn giáo ở nước ta, về cách tiếp cận tôn giáo, tín ngưỡng đa chiều cạnh; đề xuất mô hình quan điểm và mô hình tổng thể về mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các tôn giáo và tổ chức tôn giáo,v.v...

Toàn bộ các thành tựu khoa học của Viện nêu trên đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tình hình, đặc điểm và quá trình tồn tại của tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta và trên thế giới; trên cơ sở đó khẳng định hệ thống luận điểm, quan điểm về xây dựng, củng cố và phát triển lý luận của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo với tư cách là một bộ phận hợp thành hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bên cạnh đó, về cơ bản, sự luận giải khoa học và các kiến nghị của Viện đã được tiếp nhận và bước đầu được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong đó tiêu biểu là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2004.

Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã đánh giá khá toàn diện và trực tiếp chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam; phân tích những nhân tố khách quan và chủ quan của chính sách và pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo tác động đến tình hình và chính sách tín ngưỡng, tôn giáo; quan hệ nhà nước với các tổ chức tôn giáo trong thời gian tới; góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước; kiến nghị mô hình cần thiết cho quá trình hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực tôn giáo của các tổ chức tôn giáo ở nước ta.

Điều cần nhấn mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo là sự đóng góp nhiều mặt cho hoạt động thực tiễn quản lý nhà nước về tôn giáo ở các cấp khác nhau. Bằng những hình thức khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, Viện đã tham gia luận giải nhu cầu xây dựng các văn bản luật và tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Nhà nước, các chỉ thị và nghị quyết của Trung ương Đảng và Ban Bí thư Trung ương Đảng về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là ở các địa bàn chiến lược về an ninh quốc gia  như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Chẳng hạn, vấn đề đạo Tin Lành phát triển đột biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Viện Nghiên cứu Tôn giáo là cơ quan đầu tiên nghiên cứu một cách cơ bản về những vấn đề nêu trên, nên những đề xuất của Viện đã được đánh giá cao, góp phần vào việc củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở hai vùng đất quan thiết của Tổ quốc.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Tôn giáo còn tham gia nghiên cứu vấn đề lợi dụng tôn giáo trong “chiến lược diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật pháp Việt Nam; kinh nghiệm giải quyết vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng ở một số nước trên thế giới do các cơ quan Trung ương đặt hàng, kết quả được bên giao đánh giá cao.  

- Nghiên cứu tình hình, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam; các tôn giáo chính ở Việt Nam

Tình hình, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam cũng là một mảng thành tựu nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo trong nhiều năm qua. Để đạt được thành tựu này, Viện đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát tổng thể hoặc từng phần về tình hình, đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Từ các tôn giáo ngoại sinh như Đạo giáo, Nho giáo, Bà La Môn giáo, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành giáo,… cho đến những loại hình tôn giáo và tín ngưỡng nội sinh ở Việt Nam tiêu biểu như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tín ngưỡng Tổ tiên, tín ngưỡng Thành hoàng, tín ngưỡng Tứ pháp, tín ngưỡng thờ Mẫu,… đều được Viện nghiên cứu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Hầu hết những nghiên cứu này đã được xã hội hóa.

Qua các nghiên cứu chuyên sâu của Viện cho thấy: Nước ta là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng; nơi đây có sự xuất hiện của hầu hết các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ độc thần đến đa thần, từ ngoại sinh đến nội sinh, từ các tôn giáo, tín ngưỡng mang tính thế giới đến các tôn giáo, tín ngưỡng mang tính khu vực; do vậy, người ta ví Việt Nam là một “Bảo tàng tôn giáo, tín ngưỡng”. Tâm thức tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Việt Nam là đa thần, phiếm thần (không gửi trọn niềm tin vào một vị thần tối cao, mà tin thờ nhiều vị thần khác nhau); mỗi người Việt Nam tham gia khoảng 3 hành vi tôn giáo. Các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hoà nhập mà không hợp nhất, tiêu biểu là sự hỗn dung giữa ba tôn giáo là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống chung sống hoà thuận và tôn trọng nhau, không xảy ra chiến tranh tôn giáo. Trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng khó phân biệt được Thiêng - Tục, Sống - Chết, Hữu hình - Vô hình; tôn giáo, tín ngưỡng đồng thời là một lối sống, một thế ứng xử của cuộc đời. Tôn giáo, tín ngưỡng mang tính chất dân tộc, vì dân vì nước (đối tượng thờ cúng chủ yếu là những người có công với làng, với nước: đánh giặc ngoại xâm, phòng chống thiên tai, khai hoang lập ấp, tổ nghề,…). Vai trò nữ nổi bật trong đối tượng thờ cúng (cơ bản xuất phát từ vai trò của nữ giới trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam),v.v… Đây chính là những đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Thành tựu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo còn góp phần làm rõ bản sắc văn hóa, lịch sử tư tưởng Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về vai trò của tôn giáo trong văn hóa và phát triển ở Việt Nam đã chỉ ra được một số tôn giáo truyền thống ở nước ta như Phật giáo và Nho giáo đã cung cấp hệ tư tưởng trị nước cho các nhà nước phong kiến Việt Nam, đào tạo hiền tài cho đất nước. Chính Nho giáo với các nhà Nho cấp tiến đầu thế kỷ XX đã tiếp thu có chọn lọc văn minh tiên tiến của Phương Tây và Nhật Bản đưa về áp dụng cho đất nước. Nhiều nghiên cứu tập trung làm sáng tỏ văn hóa vật thể và phi vật thể của tín ngưỡng, tôn giáo đối với văn hóa Việt Nam: về kiến trúc cơ sở thờ tự các tín ngưỡng, tôn giáo; về nghệ thuật tín ngưỡng, tôn giáo như trạm khắc, tiếu tượng; về lễ hội tín ngưỡng và tôn giáo,v.v… Về lịch sử tư tưởng Việt Nam, các công trình tập trung nghiên cứu tư tưởng, triết lý của các tôn giáo (đặc biệt là Nho giáo, Phật giáo và Công giáo), các tín ngưỡng truyền thống (tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Tổ nghề,v.v…) đối với đạo đức và lối sống con người Việt Nam xưa và nay. 

- Nghiên cứu sự tác động của tôn giáo quốc tế đến đời sống tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa

Đây là một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của Viện Nghiên cứu Tôn giáo trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các nghiên cứu đã chỉ rõ, dưới tác động của toàn cầu hóa, đời sống tôn giáo trên thế giới hiện nay đã có những biến động mạnh mẽ, với những xu hướng và động thái tiêu biểu như: Hệ thống tôn giáo trên thế giới ngày càng trở nên đa dạng hóa; địa-tôn giáo có sự thay đổi mạnh mẽ; sự chuyển đạo, đổi đạo diễn ra một cách sôi động; xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng tôn giáo mới như “nấm mọc sau mưa”. Các tôn giáo chú trọng sử dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để hiện đại hóa sinh hoạt tôn giáo; có sự thay đổi về lực lượng, phương thức và phương tiện truyền giáo mới. Các tôn giáo tham gia ngày càng tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc trở nên rất phức tạp trong xã hội ngày nay.

Tác động của hàng loạt các yếu tố như toàn cầu hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, cá nhân hóa,... đã làm xuất hiện mới hoặc hình thành rõ nét hơn các xu hướng đã có trong đời sống tôn giáo trên thế giới hiện nay, tiêu biểu như: xu hướng đa dạng tôn giáo; xu hướng thế tục hóa và phi thế tục hóa tôn giáo; xu hướng ngoại giao, đối thoại tôn giáo; xu hướng xung đột liên quan đến tôn giáo; xu hướng tôn giáo hóa chính trị và chính trị hóa tôn giáo.

Các động thái mới trong đời sống tôn giáo trên thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, cả chiều hướng tích cực lẫn chiều hướng tiêu cực. Ở chiều hướng tích cực, các tôn giáo ở nước ta ngày càng hòa nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế-xã hội và với cộng đồng, góp phần cùng toàn thể xã hội giảm bớt những khó khăn do mặt trái của kinh tế thị trường cũng như thiên tai gây ra. Nhìn chung, các tôn giáo ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp sức cùng toàn thể xã hội phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thể hiện rõ trong đường hướng hành đạo của các tôn giáo. Văn hóa tôn giáo ngày càng hội nhập mạnh mẽ với văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện ở việc các tôn giáo, dù nội sinh hay ngoại nhập, đã và đang có xu hướng hội nhập với phong tục, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc quốc gia.

Tuy nhiên, ở chiều hướng tiêu cực, dễ nhận thấy là việc các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc và nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam; sự xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng tôn giáo mới cực đoan, phản văn hóa, gây bất ổn định xã hội,v.v...

2. Về Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo và công tác xuất bản

Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo được thành lập theo Quyết định 3824-BVHTT - GPXBBC ngày 26/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau một thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và bài vở, ngày 26/8/1999, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đã ra số đầu tiên.

Từ khi được thành lập đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đã có những bước tiến vượt bậc, chững chạc bước vào “làng tạp chí khoa học” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng và của cả nước nói chung. Giai đoạn 1999 - 2000, Tạp chí ra 3 tháng một số, giai đoạn 2001-2006 xuất bản 2 tháng một số, từ 2007 đến nay ra 1 tháng một số với ấn bản tiếng Việt và 3 tháng một số với ấn bản tiếng Anh. Bên cạnh đó, một phiên bản điện tử với địa chỉ http://www.vjol.info do tổ chức INASP (Vương quốc Anh) giúp đỡ cũng đã chính thức phục vụ bạn đọc với cả ấn bản tiếng Việt lẫn ấn bản tiếng Anh. Như vậy, đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo phục vụ không chỉ bạn đọc ở trong nước, mà còn đến với bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài qua các ấn bản in truyền thống và qua phiên bản điện tử. 

Bên cạnh những số tạp chí thường kỳ với các chuyên mục cơ bản như: Tôn giáo - vấn đề lý luận và thực tiễn, Tôn giáo và dân tộc, Tôn giáo nước ngoài, Thời sự tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo còn ra các số chuyên đề phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu hoặc tập trung vào một vấn đề nổi cộm trong thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Các số chuyên đề này luôn được dư luận quan tâm, đánh giá cao vì tính hệ thống và thực tiễn của chúng.

Tính đến hết năm 2012, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đã xuất bản được 114 số tiếng Việt, 24 số tiếng Anh. Với những kết quả đạt được, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010).

Có thể nói, cho đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đã trở thành diễn đàn có uy tín của giới nghiên cứu tôn giáo và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này. Tạp chí không chỉ góp phần công bố các kết quả nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo mà còn góp phần chống lại việc các thế lực phản động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước ta, chống lại những luận điệu xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, v.v..

Về công tác xuất bản, cho đến năm 2012, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và cá nhân các nhà nghiên cứu trong Viện đã xuất bản được trên 100 công trình khoa học đề cập đến nhiều chiều cạnh khác nhau về lý luận và thực tiễn tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và trên thế giới, trong đó tiêu biểu là: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Về tôn giáo, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994; Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1996; Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998; Nguyễn Đức Sự chủ biên, C.Mác - Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999; Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, Về tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998; Nguyễn Hồng Dương, Làng Công giáo Lưu Phương (Ninh Bình) từ năm 1829 đến năm 1945; Nxb Khoa học xã hội, 1997; Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 2001; Đỗ Quang Hưng chủ biên, Nhà nước và giáo hội, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2003; Nguyễn Hồng Dương, Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2004; Nguyễn Duy Hinh, Một số bài viết về tôn giáo học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007; Đỗ Quang Hưng, Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008; Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Quốc Tuấn, Phật giáo với văn hóa - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008; Nguyễn Đức Sự, Nho giáo và khía cạnh tôn giáo của Nho giáo, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, 2011; Nguyễn Quốc Tuấn, Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Từ điển Bách khoa, 2012;  Nguyễn Quốc Tuấn, Chùa Bối Khê nhìn từ khảo cổ học Phật Giáo, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012; Nguyễn Hồng Dương - P.Hoffman chủ biên, Đa dạng tôn giáo: so sánh Pháp - Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2011; Nguyễn Hồng Dương, Một số vấn đề cơ bản của Công giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012; Nguyễn Hồng Dương, Quan điểm đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012; v.v…

3. Về công tác đào tạo sau đại học

Viện Nghiên cứu Tôn giáo không chỉ là một cơ quan nghiên cứu khoa học, mà còn là một cơ sở đào tạo sau đại học chuyên ngành tôn giáo học có uy tín trong cả nước. Kể từ khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học theo Quyết định số 1468/QĐ-BDG&ĐT-SĐH ngày 26/3/2001 đến năm 2013, cơ sở đào tạo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tuyển được 13 khóa nghiên cứu sinh và đào tạo được trên 20 tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học. Từ năm 2010, cơ sở đào tạo của Viện chuyển thành Khoa Tôn giáo học, trực thuộc Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo trước đây, của Khoa Tôn giáo học thuộc Học viện Khoa học xã hội hiện nay khá đa dạng, trong đó bên cạnh các nhà nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo, các nhà quản lý nhà nước về tôn giáo, còn là nhiều vị tu hành của các tôn giáo, nhất là Phật giáo. Sau khi đạt được học vị tiến sĩ, họ chính là một nguồn bổ sung đáng kể cho việc phát triển, mở rộng nghiên cứu, đào tạo về tôn giáo học ở Việt Nam.

4. Về hợp tác trong nước

Để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhằm tăng cường sự ảnh hưởng ra ngoài xã hội, những năm qua, Viện Nghiên cứu Tôn giáo luôn chú trọng hợp tác với nhiều đối tác nghiên cứu và đào tạo trong nước.

Bên cạnh các đơn vị trực tiếp hoặc gián tiếp nghiên cứu và đào tạo về tôn giáo học như Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Viện Chủ nghĩa xã hội Khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ môn Tôn giáo học thuộc Khoa Triết học và Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 3 (Đà Nẵng); Học viện Biên phòng,… việc hợp tác với một số tỉnh thành địa phương cũng là một trong những hướng mà Viện Nghiên cứu Tôn giáo quan tâm.

Năm 2000, Viện Nghiên cứu Tôn giáo hoàn thành đề tài Vai trò của tôn giáo trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thủ đô, trong hệ đề tài Kỷ niệm 990 năm Thăng Long, tiến tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, do Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hà Nội đặt hàng. Năm 2001, Viện triển khai đề tài Những vấn đề cấp bách của tôn giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, và đề tài Nghiên cứu đánh giá tình hình tôn giáo, công tác tôn giáo ở Hải Phòng hiện nay và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm tăng cường công tác tôn giáo đến năm 2010 với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hải Phòng. Năm 2006, Viện phối hợp với Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh thực hiện đề tài Nghiên cứu đạo Phật Việt Nam thời nhà Trần tại Quảng Ninh và đề xuất các giải pháp quản lý đối với vấn đề tôn giáo hiện nay.    

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Tôn giáo còn đã và đang có quan hệ hợp tác với một số cá nhân và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam,v.v… Kết quả của sự hợp tác này thể hiện chủ yếu qua các cuộc hội thảo khoa học được phối hợp tổ chức, tiêu biểu như: Tôn kính tổ tiên nơi người Công giáo (phối hợp với Tòa Tổng Giám mục Huế và Ủy ban Giáo dân, Hội đồng Giám mục Việt Nam, tháng 10/1999); Một số vấn đề văn hóa Kitô giáo từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX (phối hợp với Ủy ban Giáo dân, Hội đồng Giám mục Việt Nam, tháng 10/2000); Sống đạo theo cung cách dân tộc (phối hợp với Ủy ban Giáo dân, Hội đồng Giám mục Việt Nam, tháng 5/2004); Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông: cuộc đời và sự nghiệp (phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, tháng 11/2008); Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước (phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, tháng 6/2010); Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, tháng 7/2010); 30 năm Thư chung 1980 Hội đồng Giám mục Việt Nam (phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, tháng 7/2010); Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai (phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, tháng 8/2012),v.v…

5. Về  hợp tác quốc tế

Viện Nghiên cứu Tôn giáo luôn coi trọng công tác hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng cường nghiên cứu về tôn giáo trên thế giới, đồng thời nhằm đào tạo cán bộ trẻ và phát triển ngành tôn giáo học ở Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Viện đã có quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo về tôn giáo trên thế giới, tiêu biểu như: Khoa Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Cao học Thực hành Paris (EPHE), Đại học Sorbonne, Pháp; Viện Nghiên cứu Tôn giáo Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc; Viện Nghiên cứu Tôn giáo So sánh, Khoa Triết học, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc; Viện Liên kết Toàn cầu (IGE), Hoa Kỳ; Viện Nghiên cứu Văn hóa Khánh Nam, Đại học Khánh Thượng, Hàn Quốc, v.v… Các cơ quan nghiên cứu và đào tạo của nước ngoài nói trên đã tiến hành trao đổi tài liệu khoa học và các nhà khoa học thỉnh giảng với Viện về những vấn đề lý luận tôn giáo, lịch sử tôn giáo, xã hội học tôn giáo, tôn giáo học so sánh, các phương pháp và cách tiếp cận tôn giáo học hiện đại, pháp luật tôn giáo,v.v…

Một trong những kết quả cụ thể sự hợp tác quốc tế của Viện Nghiên cứu Tôn giáo là các cuộc hội thảo khoa học được tổ chức thời gian gần đây, tiêu biểu như: Nghiên cứu tôn giáo Pháp và Việt Nam (phối hợp với Trường Cao học Thực hành Paris, Đại học Sorbonne, Pháp, tháng 7/1999); Đa dạng tôn giáo: so sánh Pháp - Việt (phối hợp với Trường Cao học Thực hành Paris, Đại học Sorbonne, Pháp, tháng 10/2007); Tín ngưỡng, tôn giáo và xã hội dân gian (phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo So sánh, Khoa Triết học, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc, tháng 12/2007); Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á (phối hợp với Viện Liên kết Toàn cầu, Hoa Kỳ, lần thứ nhất vào tháng 9/2006, lần thứ hai vào tháng 11/2007, lần thứ 3 vào tháng 11/2011); Đời sống tôn giáo trong sự biến đổi xã hội: bàn từ góc độ lý luận và điều tra điền dã (phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo So sánh, Khoa Triết học, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc, tháng 4/2010); Quá trình phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam (phối hợp với Viện Liên kết Toàn cầu, Hoa Kỳ, lần thứ nhất vào tháng 12/2010, lần thứ hai vào tháng 6/2011, lần thứ 3 vào tháng 11/2012),v.v…

Với những thành tựu đạt được, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động Hạng Ba (2001), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010), Huân chương Lao động Hạng Nhì (2011), Cờ thi đua cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2011, 2012); Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2011, 2012).

Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo cũng nhận được nhiều phần thưởng như: Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2008, 2010, 2012), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2011), Cờ thi đua cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2010), v.v…

Các cá nhân của Viện cũng vinh dự nhận được những danh hiệu cao quý như GS. Đặng Nghiêm Vạn nhận được Giải thưởng Nhà nước (2005) và Huân Chương Độc lập hạng Ba, PGS. Nguyễn Duy Hinh nhận được Giải thưởng Nhà nước (2005), PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2011),v.v…

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

1.Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện theo Quyết định số 249/QĐ-KHXH ngày 27 tháng 2 năm 2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cụ thể, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

+ Nghiên cứu những vấn đề lí luận về tôn giáo học; những vấn đề lý luận và thực tiễn tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới; đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong lịch sử và hiện nay; lịch sử hình thành, phát triển và quá trình du nhập, tiếp biến của các tín ngưỡng, tôn giáo trong nước, xác định và đánh giá vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong văn hoá và phát triển ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến 2020, Viện Nghiên cứu Tôn giáo sẽ tập trung làm rõ những vấn đề sau:

- Các vấn đề lý luận cơ bản của tôn giáo học.

- Xu hướng, bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến tôn giáo ở Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

- Đánh giá tác động của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội, đến chiến lược phát triển nhanh và bền vững.

- Nhận định xu hướng của tôn giáo trên thế giới và Việt Nam.

- Nghiên cứu các biến đổi của tín ngưỡng, tôn giáo tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

- Tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, pháp luật tôn giáo trong thời gian từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến các thập kỷ tiếp theo.

+ Kết hợp nghiên cứu với đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực tôn giáo học. Gắn nghiên cứu của các đề tài cấp cơ sở, cấp bộ, cấp Nhà nước, v.v.. với việc đào tạo cán bộ của Viện, gắn với chuyên môn sâu của từng phòng nghiên cứu và của từng cá nhân.

+ Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.

+ Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài nhằm thông tin kịp thời về những công trình nghiên cứu và các hoạt động thực tiễn của tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới và Việt Nam; Thực hiện và đẩy mạnh công tác thông tin, xuất bản các nghiên cứu và công trình nghiên cứu nhằm phổ biến các kết quả nghiên cứu, truyền bá các kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo tới quảng đại quần chúng.

+ Hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước và các viện trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tôn giáo.

- Đẩy mạnh giao lưu, trao đổi học thuật với các cơ quan, tổ chức quốc tế đã có mối quan hệ chặt chẽ với Viện trong nhiều năm qua như: Trường Cao học Thực hành Paris (Pháp), Viện Nghiên cứu Văn hóa Khánh Nam, Đại học Khánh Thượng, Trường Đại học Thuận Thiên (Hàn Quốc), Trường Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Mahidol (Thái Lan), Trường Đại học OTANI (Nhật Bản), Trường Đại học Tín Châu (Nhật Bản), Trường Đại học Hoa Phạm (Đài Loan), v.v…

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong nước có liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý nhà nước về tôn giáo như Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo các Tỉnh, thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến các tỉnh thành phố, v.v…

Phấn đấu trở thành một cơ quan hàng đầu trong cả nước về nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; là địa chỉ đáng tin cậy trong việc tư vấn, cung cấp các cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như giải quyết những vấn đề nổi cộm, đột xuất liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, năng lực nghiên cứu, trình độ của đội ngũ cán bộ, v.v… Cụ thể như sau:

- Thành lập thêm ít nhất là 02 phòng nghiên cứu: Phòng nghiên cứu Islam giáo, Phòng Nghiên cứu chính sách và pháp luật tôn giáo;

- Tổng số cán bộ trong biên chế từ 50 - 55 người;

- Tăng số lượng Tiến sĩ lên 15 người (hiện nay là 8 người);

- Tăng số lượng thạc sỹ lên 20 người (hiện nay là 12 người);

- Tăng số lượng chức danh khoa học từ Phó giáo sư trở lên là 5 người (so với hiện nay là 01 người).

3. Tiếp tục nâng cao và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu. Phấn đấu mỗi cán bộ đều có 01 máy tính, tăng cường các trang thiết bị của hệ thống thông tin, thư viện, v.v…

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng số lượng phát hành của Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo bản tiếng Việt cũng như bản tiếng Anh. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo tiếp tục trở thành diễn đàn có uy tín của giới nghiên cứu tôn giáo học cũng như bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.

5. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, giảng dạy tại khoa Tôn giáo học, thuộc Học viện Khoa học xã hội; xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo thạc sỹ chuyên ngành tôn giáo học, phấn đấu trong vài năm tới có thể mở khóa đào tạo thạc sỹ tôn giáo học đầu tiên tại Học viện KHXH.

6. Phương châm hoạt động và Khẩu hiệu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo là:

“Chất lượng - Kỷ cương - Công bằng - Minh bạch - Đoàn kết”

Chất lượng: của các công trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; chất lượng của đội ngũ cán bộ; chất lượng đào tạo, giảng dạy tại khoa Tôn giáo học. Đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu.

Kỷ cương: đảm bảo đúng tiến độ, hoàn thành đúng thời gian của các công trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; kỷ cương về giờ giấc làm việc, kỷ luật lao động, về chấp hành các quy định, quy chế, v.v… của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Công bằng: công bằng trong phân công, giao nhiệm vụ. Ai có khả năng gì được giao việc đó, có khả năng đến đâu được giao việc đến đó; ai đóng góp đến đâu được thụ hưởng đến đó. Không có chuyện có khả năng mà không được sử dụng; cũng không có chuyện đóng góp nhiều mà thụ hưởng ít hoặc không đóng góp gì vẫn được thụ hưởng.

Minh bạch: Khẩu hiệu công bằng đi đôi với minh bạch. Minh bạch trong phân công giao nhiệm vụ, minh bạch trong phân phối thành quả lao động, minh bạch trong bình xét các danh hiệu, minh bạch trong các hoạt động tài chính, kế toán, v.v... Minh bạch và công bằng là biểu hiện của dân chủ.

Đoàn kết: đây là truyền thống của Viện những năm qua, cũng là nhân tố quan trọng, không thể thiếu để giúp Viện ổn định và phát triển.

 

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

In trang Chia sẻ

Tin khác