Viện Văn học

17:00 19/03/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Từ Ban Văn Sử Địa đến Viện Văn học

Viện Văn học chính thức được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/2/1960, nhưng những chuẩn bị cho sự ra đời của Viện phải tính từ 2/12/1953 khi Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra Quyết định về việc thành lập Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học.

Trong Quyết định của Ban Bí thư tháng 12/1953, Ban Văn Sử Địa được đặt dưới sự quản lý của Ban Tuyên huấn Trung ương - trực thuộc Trung ương Đảng. Sau khi Ban Văn Sử Địa không còn (1957), nhu cầu tổ chức lại các cơ quan nghiên cứu đã được đặt ra nhưng phải đến năm 1959, khi Uỷ ban Khoa học Nhà nước ra đời với hai bộ phận hợp thành là Ban Khoa học xã hội và Ban Khoa học tự nhiên thì mới có hướng giải quyết: bộ phận sử học chuyển thành Viện Sử học; bộ phận Địa lý chuyển sang Đại học; bộ phận Văn học chuyển thành Sở Nghiên cứu văn học (tên gọi ban đầu của Viện Văn học).

Từ đầu năm 1959 bắt đầu công việc chuẩn bị cho một tổ chức chuyên nghiên cứu về văn học thuộc Uỷ ban khoa học Nhà nước - có trụ sở ở 20 Lý Thái Tổ. Viện trưởng Viện Văn học đầu tiên là GS. Đặng Thai Mai và Phó Viện trưởng là nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Trong Quyết định số 038-TTg ngày 6/2/1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Văn học đã quy định nhiệm vụ của Viện như sau:

Căn cứ vào đường lối văn học của Đảng và Chính phủ, tiến hành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong và ngoài nước, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, cơ cấu tổ chức ban đầu của Viện được hình thành 4 Tổ chuyên môn và Nhà xuất bản Văn hóa(*). Đó là Cổ - Cận - Dân, Hiện đại và Lý luận, Văn học thế giới và Ngôn ngữ. Toà soạn Tạp chí được tách ra khỏi các Tổ chuyên môn. Tổ Thế giới hình thành muộn hơn, do Hồ Tôn Trinh phụ trách; về sau, do Cao Huy Đỉnh phụ trách cho đến đầu năm 1970. Nhà thơ Nam Trân phụ trách Phòng Tư liệu - Thư viện (lúc này có cả chức năng dịch thuật trên hai thứ tiếng Trung Quốc và Nga).

Từ khoảng năm 1968 đến năm 1972, tổ chức Viện ổn định trên cơ sở sự phân chia các khu vực chuyên môn như trên. Chỉ riêng tên gọi thì có thay đổi: đơn vị Tổ thay bằng đơn vị Ban. Viện chỉ còn 3 Ban: Ban Văn học Việt Nam, Ban Lý luận văn học, Ban Văn học thế giới. Từ năm 1978, Ban Văn học Việt Nam lại tách ra thành 3 Ban là Ban Văn học dân gian, Ban Văn học Cổ - Cận đại và Ban Văn học Hiện đại. Từ đây trở đi, các đơn vị chuyên môn có tên gọi ổn định cho đến năm 2003. Từ năm 2003, đơn vị Ban chuyển thành Phòng, với 9 đơn vị Phòng là: văn học đương đại, văn học cận đại, văn học trung đại, văn học dân gian, văn học các dân tộc thiểu số, văn học thế giới, lý luận văn học, xã hội học văn học, và văn học so sánh. Từ 2012 thu gọn lại còn 7 đơn vị Phòng, sau khi đưa phòng văn học các dân tộc thiểu số và xã hội học văn học nhập vào các phòng khác nhưng vẫn giữ vững và mở rộng hướng nghiên cứu.

Sự phát triển tổ chức của Viện - ngoài việc ổn định các khu vực chuyên môn như trên, còn là nơi tạo nguồn để dần hình thành một số viện nghiên cứu khác như Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Sau ngày miền Nam giải phóng, khi Viện Khoa học xã hội được thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Văn học phải chia sẻ một số cán bộ cốt cán cho Ban Văn ở trong đó, và một số nhà nghiên cứu đã thành danh chuyển sang các cơ quan khác như Bộ Văn hóa, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ, Viện Từ điển Bách khoa, Viện Thông tin KHXH... Cho đến nay,  số cán bộ  định biên của Viện là trên dưới 65 người.

Ngày 26/12/2012, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đổi thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Với tư cách là một Viện nghiên cứu trực thuộc, Viện Văn học được giao chức năng và nhiệm vụ mới theo Quyết định số 248/QĐ-KHXH ngày 27/2/2013: Viện Văn học là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận, lịch sử và phê bình văn học; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển toàn diện nền văn học Việt Nam; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về văn học; tham gia phát triển tiềm lực về ngành văn học cả nước.

Chức năng, nhiệm vụ mới đặt ra cho Viện Văn học những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi tất cả các cán bộ của Viện phải nỗ lực phấn đấu để tiếp tục khẳng định Viện Văn học là trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Sự ra đời Tạp chí Văn học - cơ quan ngôn luận của Viện

Ngay năm đầu tiên ra đời, Viện đã có một cơ quan ngôn luận là Tập san Nghiên cứu văn học. Đến 7/1963, đổi thành Tạp chí Văn học. Từ đây, Tạp chí Văn học không còn là cơ quan ngôn luận riêng của Viện và của giới nghiên cứu, mà trở thành diễn đàn rộng rãi của các giới nghiên cứu, lý luận, phê bình và sáng tác văn học. Số bản in - chỉ riêng cho miền Bắc ngay trong thời chiến có lúc lên đến hơn một vạn bản cho mỗi số.

Tạp chí Văn học đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Viện trưởng Hoài Thanh. Nội dung Tạp chí gắn với hoạt động lý luận phê bình - là phần việc quan trọng của hai Tổ Lý luận và Hiện đại nên phần lớn cán bộ trẻ ở hai tổ này đều sớm trở thành cán bộ biên tập Tạp chí.

Từ năm 1970, Tạp chí chuyển sang hai tháng một kỳ, khi Viện chuyển hướng hoạt động vào quỹ đạo nghiên cứu lịch sử và lý luận, còn chức năng phê bình thì được Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam chuyển giao sang Đảng đoàn Văn hoá - văn nghệ.

Ra 2 tháng 1 kỳ, nhưng Tạp chí vẫn là nơi tập trung giới thiệu các thành tựu của giới nghiên cứu và lý luận văn học trong cả nước. Nhiều hội thảo lớn của Viện, hoặc do Viện chủ trì trong phối hợp với các cơ quan bạn đã được thể hiện trên Tạp chí. Nhiều đặc san về các danh nhân văn học trong nước và thế giới đều tìm được phương thức ra mắt kịp thời trên Tạp chí Văn học... Từ 1993, Tạp chí Văn học trở lại mỗi tháng một kỳ. Cho đến 2003, Tạp chí Văn học đổi thành Nghiên cứu Văn học. Ngoài chức năng công bố những kết quả nghiên cứu về văn học Việt Nam và thế giới, nghiên cứu lý luận văn học, Tạp chí còn chú ý giới thiệu các công trình phê bình văn học theo sự định hướng khoa học chung của Viện nhằm tiếp cận nhanh hơn, trực diện hơn diễn trình sôi động của đời sống văn học đương đại.

Có thể nói, trong suốt 60 năm tồn tại, Tạp chí Văn học, giờ đây là Tạp chí Nghiên cứu văn học, qua các thời Chủ nhiệm, Tổng biên tập như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trinh, Phong Lê, Hà Minh Đức, Phan Trọng Thưởng thực sự là diễn đàn khoa học có uy tín, có chất lượng học thuật cao của Viện và của giới nghiên cứu, phê bình, lý luận cả nước.

3. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên - dịch và ấn hành tác phẩm Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các công việc chuẩn bị cho việc dịch Ngục trung nhật ký đã được khởi động khá sớm vào giữa năm 1959, khi Viện nhận được văn bản Ngục trung nhật ký từ Bảo tàng Cách mạng, và nhận trách nhiệm của các cấp trên giao. Người bận rộn nhất và có công nhất trong việc này là nhà thơ Nam Trân. Tổ chức được việc dịch 114 bài trong tổng số 135 bài mà số rất lớn là do Nam Trân dịch - những bản dịch nhìn chung là sống được trong tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc cho đến nay; cùng với việc chuẩn bị cho tập thơ ra đời kịp vào dịp sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã góp vào sự mở đầu Viện Văn học năm 1960 một kỷ niệm rất khó quên. Nhật ký trong tù ra đời, với hàng vạn bản in, thật sự là một sự kiện văn học lớn không chỉ trong đời sống văn học mà là cả đời sống chính trị, văn hoá, xã hội; không chỉ của năm 1960 mà cả nhiều thập niên về sau.

Từ bản in cả Hán và Việt năm 1960 mà có các bản dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, như bản dịch ra tiếng Nga của nhà thơ Xô viết Antôcônxki, bản dịch ra tiếng Pháp của Phan Nhuận, cùng rất nhiều bản dịch ra các thứ tiếng khác... Rồi chính từ các bản dịch đó mà tổ chức UNESCO có căn cứ để tôn vinh Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hoá thế giới vào năm 1990 - năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

II. CÁC THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam

Nhiệm vụ biên soạn lịch sử văn học Việt Nam được đặt ra cho Viện ngay từ năm đầu thành lập. Nhưng phải đến 1960, Viện Văn học mới tiếp tục công việc đã được triển khai trước đó từ thời Ban Văn - Sử - Địa với 2 cuốn Sơ thảo mới là Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIXSơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945. Trong buổi đầu mới thành lập, Viện phải triển khai rất nhiều mặt công việc - lại chưa có đủ chuyên gia lịch sử văn học, nên vẫn phải để trống giai đoạn 1900-1930; còn sau 1945, thì chưa tính đến...

Tháng 8/1964 Mỹ mở chiến tranh đặc biệt dùng không quân leo thang đánh ra miền Bắc. Thời cuộc mới khiến cho việc viết lịch sử văn học phải ngừng lại cho đến sau 1975.

Trong giai đoạn tạm thời ngưng tiếng súng (1968-1972), Viện đã khởi động lại những cuộc thảo luận về lịch sử văn học với sự tham gia góp ý kiến của nhiều giới nghiên cứu, sáng tác và giảng dạy văn học; và đặt sự chỉ đạo viết văn học sử lên một tầng cao hơn - đó là Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam và Đảng đoàn Văn hoá - văn nghệ; với Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn, Bí thư Đảng đoàn Văn hoá - văn nghệ Hà Huy Giáp, và Viện trưởng Viện Văn học - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam Đặng Thai Mai... Nhưng cũng phải chờ đến năm 1980, mới có thể ra mắt bộ Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I, 400 trang. Kể từ đây khi đất nước chuyển vào công cuộc đổi mới khiến cho nhiều vấn đề của lịch sử và lịch sử văn học phải nhận thức lại, đánh giá lại, thì việc viết văn học sử, dẫu muốn hoặc không cũng phải dừng lại một thời gian cho đến cuối thập niên 1990, sau kết quả của nhiều chục hội thảo khoa học, do Viện chủ trì. Phải từ sau 2001, với sự đầu tư của Nhà nước, đề tài Lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XX mới được triển khai, nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân, bộ sách này vẫn chưa được xuất bản.

Trên hành trình tiến tới những công trình bề thế về lịch sử văn học dân tộc, ngay trong những năm đầu hoạt động, Viện đã tập trung công sức vào việc sưu tập, phiên âm, phiên dịch kho tàng văn học cổ - vốn đã được triển khai từ thời Văn - Sử - Địa, và bây giờ phải nhằm vào một định hướng tập trung hơn. Đó là 5 thế kỷ văn học thời Lý - Trần, một thời kỳ văn học phát triển rực rỡ gắn với kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc sau 10 thế kỷ Bắc thuộc nhưng bị cuộc xâm lược của Minh Thành Tổ tàn phá nặng nề, khiến cho 5 thế kỷ văn hoá Đại Việt để lại không còn được bao nhiêu... Và bây giờ lần theo dấu ấn và chỉ dẫn của người xưa, Viện Văn học - qua sự chỉ đạo của Đặng Thai Mai đã ngay từ đầu có ý thức về sự sưu tập này. Và công việc đó đã được giao cho các bậc thầy rất hiếm hoi của nền Hán học là Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Hà Văn Đại, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đức Vân... và về sau là Đào Phương Bình, Nguyễn Văn Phát, Đỗ Văn Hỷ. Chính bộ phận thâm hậu về Hán học này đã đặt những viên đá tảng đầu tiên cho việc dựng lại gương mặt 5 thế kỷ văn học Lý Trần. Tất cả những kết quả sưu tập, phiên âm, phiên dịch, biên soạn trong hàng chục năm của họ sẽ được một thế hệ trẻ được đào tạo ở bậc đại học trong nước và ngoài nước như Nguyễn Huệ Chi, Trần Nghĩa, Trần Thị Băng Thanh, Phạm Tú Châu, Hoàng Lê, Ngô Thế Long, Trần Lê Sáng, Đào Thái Tôn... cùng nhiều người khác, hệ thống hoá và biên soạn. Bộ Thơ văn Lý - Trần, đồ sộ, gồm nhiều tập, với Tập I, 630 trang, được ấn hành năm 1977, Tập II (quyển I), 822 trang ấn hành năm 1989; Tập III, 966 trang, ấn hành năm 1978 đã lần lượt ra đời. Và từ năm 1989 trở đi, sau ngót 25 năm vẫn còn để trống quyển II của Tập II. Đó là khối công việc còn đang được tiếp tục cho đến nay...

2. Nghiên cứu văn học dân gian

Lịch sử văn học dân tộc, trong ý thức quan tâm của lãnh đạo Viện Văn học không chỉ là sự bù đắp khoảng trống thiếu của 5 thế kỷ văn học viết, mà còn là sự tồn tại với tầm quan trọng của văn học dân gian. Do văn học dân gian tồn tại chủ yếu bằng phương thức truyền miệng, nên công việc sưu tầm, biên soạn, cố định hoá trên văn bản Quốc ngữ - phải được đặt ở hàng đầu; và công việc đó đã được triển khai với các kết quả đáng kể trong bước đầu tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc vào ba thập niên đầu thế kỷ XX. Công việc sưu tập đó được tiếp tục vào thời Văn Sử Địa, với đóng góp của Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi. Ý thức về công việc sưu tập, hệ thống hoá, phân loại, biên soạn văn học dân gian trên hai thể loại chính là truyện cổ và tục ngữ - ca dao - dân ca rồi sẽ được đặt ra trong hoạt động của Tổ Cổ Cận Dân, và về sau là Tổ Dân gian của Viện. Công việc này càng được đẩy mạnh và mở rộng quy mô hoạt động từ 1966 - khi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thành lập, với cương vị Chủ tịch Hội là Hoài Thanh và Tổng thư ký Hội là Vũ Ngọc Phan. Và từ 1979, khi Ban Văn học dân gian trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam thành lập - để chuẩn bị cho việc thành lập Viện Văn hoá dân gian năm 1983, và bây giờ là Viện Nghiên cứu Văn hóa. Như vậy là do tầm quan trọng của nó nên hoạt động sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu văn học dân gian đã rất sớm vượt ra khỏi khuôn khổ của Viện Văn học mà trở thành một hoạt động  mang tính xã hội rộng rãi. Sau các công trình sưu tập và biên soạn về truyện cổ tích và tục ngữ - ca dao - dân ca của Vũ Ngọc Phan tái bản đến dăm bảy lần vào những năm 60 là hai công trình nghiên cứu có giá trị phát hiện về nội dung và phương pháp luận nghiên cứu: đó là Người anh hùng làng Dóng (1968) và Tìm hiểu tiến trình văn nghệ dân gian Việt Nam (1974) của Cao Huy Đỉnh. Cuốn trước Cao Huy Đỉnh viết khi ông còn ở Viện Văn học - tạm thay Vũ Ngọc Phan phụ trách Tổ Văn học dân gian. Cuốn sau được ấn hành khi ông đã là Trưởng ban Ban Đông Nam Á, một năm trước khi ông qua đời.

Sau Cao Huy Đỉnh, còn phải kể các công trình của PGS. Đặng Văn Lung. Đó là Quan họ - nguồn gốc và quá trình phát triển (1978), Lễ hội - truyền thống và hiện đại (1985), Giông bão Loa thành (1990), Tam toà Thánh mẫu (1995), Mẫu Liễu - đời và đạo (1995); của TS. Trần Đức Các: Tục ngữ với các thể loại văn học (1992); của PGS.TS. Nguyễn Thị Huế, trong các công trình hợp tác với các đồng nghiệp trong và ngoài Viện như Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn hoá Luy Lâu và Kinh Dương Vương, Kho tàng thần thoại Việt Nam...

3. Nghiên cứu văn học trung đại

Hầu hết (nếu không nói là tất cả) các tác gia lớn và quan trọng của 10 thế kỷ văn học Trung đại đều được nghiên cứu công phu, trên nhiều phương diện, nhiều khía cạnh, qua một số hội thảo, và qua các công trình lớn - nhỏ, của tập thể và cá nhân. Cần phải kể trước hết là Nguyễn Trãi với hai lần kỷ niệm, lần nào cũng có sách lưu lại. Kỷ niệm 520 năm mất vào năm 1962, và kỷ niệm 600 năm sinh, vào năm 1980. Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi được tổ chức với quy mô một Hội thảo quốc tế, nhằm xác nhận tầm vóc một Danh nhân văn hoá thế giới như sự tôn vinh của UNESCO. Và đó là đóng góp đặc sắc của chuyên luận Nguyễn Trãi – tinh hoa và khí phách dân tộc (1980). Bộ sách là tổng hợp trí tuệ của nhiều học giả lớn trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn... Kế đó là Nguyễn Du với Kỷ yếu kỷ niệm 200 năm sinh vào năm 1965. Gọi là Kỷ yếu, nhưng cuốn sách cũng đạt tầm cao về học thuật, ở thời điểm 1965, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ nổ ra trên phạm vi cả nước, cũng là năm Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới tôn vinh Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới cùng với Dante, Lomonosov...

Sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là nhiều tác giả quan trọng khác, kể từ Chu Văn An, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sỹ... là Hồ Xuân Hương với phát hiện đầu tiên của Trần Thanh Mại về tập thơ chữ Hán Lưu hương ký của bà... là Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự... là Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... Đặt tất cả các tác gia được nghiên cứu như trên trong yêu cầu một hội thảo hay trong phạm vi một chuyên đề vào một tổng thể xuyên suốt lịch sử 1000 năm tự chủ, có thể giúp ta hình dung diện mạo và tiến trình văn học dân tộc trong bối cảnh xã hội phong kiến phương Đông - với những đặc trưng và dấu ấn riêng trong quy định lịch sử của nó, và với những manh nha của sự vượt thoát ra khỏi nó, tuy còn rất chậm chạp.

Tính theo số công trình thì khu vực văn học Trung đại, là khu vực có nhiều công trình tập thể khá đồ sộ. Sau bộ Thơ văn Lý - Trần còn là các bộ: Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược (1981), Gương mặt văn học Thăng Long (1994); là bộ Truyền kỳ Việt Nam 3 tập 6 quyển, đã ra mắt 2 tập 4 quyển (1999); một số công trình khác tập trung vào một tác giả như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh nhân văn hóa (1991), Nguyễn Quang Bích - nhà yêu nước, nhà thơ (1993), Thi hào Nguyễn Khuyến - đời và thơ (1994), Nguyễn Gia Thiều, tiếng khóc nhân loại (1996), Nguyễn Huy Tự và Hoa tiên” (1997), Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn (1999), Huyền Quang - cuộc đời, thơ và đạo (2001)... là các công trình dịch so sánh Tiễn đăng tân thoạiTruyền kỳ mạn lục...

Khẳng định một số gương mặt chuyên gia lĩnh vực văn học trung đại của Viện còn phải kể đến các tập tiểu luận và chuyên khảo bắt đầu từ Một số vẻ mặt thi ca Việt Nam (1983) của Nguyễn Huệ Chi, và kế đó ít lâu là các tập Văn học - dân tộc và thời đại (1999) của Nguyễn Văn Hoàn, Ngô Thì Sỹ - những chặng đường thơ văn (1992), Những nghĩ suy từ văn học Trung đại (1999) của Trần Thị Băng Thanh, Đi giữa đôi dòng (1999) của Phạm Tú Châu, Văn học trung đại Việt Nam - Quan niệm con người và tiến trình phát triển (2005) của Nguyễn Hữu Sơn...

4. Nghiên cứu văn học hiện đại

Cuộc chuyển giao từ văn học trung đại sang văn học hiện đại diễn ra gấp rút vào nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh xã hội thuộc địa. Sau chuyển động của buổi giao thời hai thế kỷ là con đường cách mạng hoá và hiện đại hoá - đặt ra cho dân tộc và văn học dân tộc suốt thế kỷ XX. Và người tiên phong, người thoả mãn cả hai yêu cầu đó là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trên suốt hành trình từ những năm 1920 đến 1945, kể từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Tuyên ngôn độc lập (1945). Sự nghiệp nghiên cứu văn thơ Hồ Chí Minh được khởi đầu bằng việc dịch và ấn hành Ngục trung nhật ký năm 1960, đã nói ở phần trên. Chung quanh Nhật ký trong tù là nhiều trăm bài bình luận và hàng nghìn cuộc nói chuyện ở thời điểm ra đời. Và quá trình thâm nhập vào thế giới nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh còn tiếp tục trong suốt 60 năm sau, qua chuyên đề tuyển chọn Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh (1979), qua Hội thảo Hồ Chí Minh danh nhân văn hoá (1990) mà Viện có trách nhiệm tổ chức theo sự phân công của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Và qua các chuyên đề của Hà Minh Đức, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc (1979), Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1997), Sự nghiệp văn học và báo chí Hồ Chí Minh (2000); và Phong Lê, với Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại (1986), Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh - hành trình thơ văn, hành trình dân tộc (2000) và Thơ văn Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh cửu (2012). Cần phải thêm vào đây đóng góp của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi - người chủ biên tập chuyên luận Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù”,  ấn hành năm 1990, và được tái bản nhiều lần trong các năm sau.

Về nghiên cứu văn học trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong khoảng thời gian ngót 20 năm trước thời kỳ Đổi mới - đó là đóng góp của Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945 (1964) và Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam 1930-1954 (1971) của Vũ Đức Phúc, Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam (1968) của Nguyễn Đức Đàn - và rất nhiều bài trên Tạp chí Văn học. Nếu có một nhận xét tổng quát thành tựu nghiên cứu về giai đoạn này thì đó là sự khẳng định và đề cao giá trị của trào lưu văn học cách mạng qua các công trình và tiểu luận về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, về Tố Hữu, Sóng Hồng, về Thơ ca cách mạng 1925-1945 (1973)... Trào lưu văn học hiện thực cũng được khẳng định qua sự nghiệp của một số tác giả: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan... Văn học lãng mạn gồm cả Phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn - kể cả Nguyễn Tuân trước 1945 đều phải chịu một sự phê phán nghiêm khắc, đôi khi khá nặng lời. Ngay cả Vũ Trọng Phụng cũng bị quy vào chủ nghĩa tự nhiên. Các kiện tướng của trào lưu lãng mạn trước 1945 như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Tuân cũng rất gay gắt trong tự phê phán mình. Ngay cả Hoài Thanh - người lãnh đạo Viện Văn học cũng nhiều lần trở đi trở lại sự phê phán Thơ mới và Thi nhân Việt Nam.

Tất cả tình hình như trên kéo dài đến thời kỳ Đổi mới. Từ sau 1987 là quá trình nhận thức lại, đánh giá lại những gì gọi là tiêu cực và có hại trong trào lưu văn học lãng mạn như đã nói trên, qua hàng chục hội thảo và công trình được tổ chức khá dồn dập - có năm vài ba cuộc - trong khoảng thời gian từ 1988 đến 1995. Đó là các hội thảo về Tự lực văn đoàn và Thơ mới, về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Thạch Lam, Hoài Thanh, Hải Triều, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai... Kết quả của số lớn các hội thảo này đã được chuyển vào các công trình của Viện như Nghĩ tiếp về Nam Cao (1992), Nguyễn Huy Tưởng, một sự nghiệp chưa kết thúc (1992), Dương Quảng Hàm, nhà giáo yêu nước Việt Nam (1993), Thạch Lam - văn chương và cái đẹp (1994), Đặng Thai Mai và văn học (1995), Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam” (1995), Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1995), Hải Triều - nhà lý luận tiên phong... (1996).

Về nghiên cứu và phê bình văn học sau 1945, trước hết phải kể đến hai bộ tuyển ba tập của Đặng Thai Mai: Trên đường học tập và nghiên cứu (1969, 1970, 1973); Hoài Thanh: Phê bình và tiểu luận (1961, 1965, 1972); và một số công trình tập thể của Ban lý luận: Tác gia lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1945 - 1975 (1986); Tác gia kịch Việt Nam hiện đại (1990); của Ban văn học Việt Nam hiện đại về Tác gia văn xuôi Việt Nam hiện đại (1976) và Nhà thơ Việt Nam hiện đại (1984); về Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1986) cùng 3 tập hồi ký: Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945 - 1954, Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước (1979); về Văn học về đề tài công nhân, 2 tập (1983 và 1985); về Tác gia văn học các dân tộc thiểu số (1988)...

Việc khái quát để có những chuyên luận tổng hợp cho cả thời kỳ văn học sau 1945, hoặc cho riêng từng thể loại, từng tác giả quả là khó hơn. Tuy vậy một vài cố gắng theo phương hướng này cũng đã được ghi nhận qua các chuyên luận như Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945 - 1970 (1972), Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa (1980) của Phong Lê; Về hình tượng con người mới trong kịch (1981) của Tất Thắng; Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan (1979), Mấy vấn đề trong văn học Việt Nam hiện đại (1999) của Lê Thị Đức Hạnh; Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới (1982), Phác thảo văn học cho thiếu nhi (1999) của Vân Thanh...

Từ nửa sau những năm 90 trở đi, khi các điều kiện về kinh phí và in ấn có dễ dàng hơn, Ban hiện đại đã có thể triển khai những công trình tương đối quy mô về số trang, nhằm giải quyết yêu cầu về tư liệu, hoặc là công cụ cho công việc nghiên cứu như ba bộ Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, hơn 3000 trang; do Vũ Tuấn Anh, Bích Thu, Mai Hương chủ biên, in vào các năm 2006 và 2010. Tiếp đó là công trình sưu tập Những sự kiện văn học Việt Nam (từ 1865 đến 1945) của Vũ Tuấn Anh - in 2012.

Một số công trình có độ sâu về ý tưởng và có tầm bao quát rộng, trên cơ sở viết mới, hoặc là tổng hợp những gì đã được viết trong một thời dài, cả trước và sau Đổi mới, cũng đã có hoàn cảnh để biên soạn và ấn hành kể từ nửa sau những năm 90 trở đi. Đó là Tuyển tập văn học (1998) của Hoàng Trinh; Bàn về văn học (2001) của Vũ Đức Phúc; Về lý luận, phê bình văn học (2002) của Nam Mộc; Một thời đại trong thi ca (1997), Nam Cao - đời văn và tác phẩm (1997), Đi tìm chân lý nghệ thuật (1998), Khảo luận văn chương (1998), Văn chương - tài năng và phong cách (2001), Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú (2005), Tự lực văn đoàn - trào lưu và tác phẩm (2007), Văn chương và thời cuộc (2009), Một thế kỷ thơ Việt Nam (2012)... cùng các tập trò chuyện - ghi chép về Chế Lan Viên, Huy Cận, Anh Thơ, Tế Hanh, Tô Hoài, Tố Hữu, Xuân Diệu... của Hà Minh Đức; Nam Cao - phác thảo sự nghiệp và chân dung (1997), Văn học trên hành trình thế kỷ XX (1997), Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lý luận (2003), Về văn học Việt Nam hiện đại - nghĩ tiếp (2006), Hiện đại hóa và đổi mới văn học Việt Nam thế kỷ XX (2009), Đến với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại (2009), Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại (2013) của Phong Lê...

5. Nghiên cứu văn học thế giới

Trong Quyết định thành lập Ban Văn - Sử - Địa năm 1953 có ghi nhiệm vụ của Ban là giới thiệu “văn học các nước bạn”.

“Nước bạn” trong theo đuổi của Viện vào mấy năm đầu thành lập - chưa thể là văn học thế giới, cũng không phải là các nước láng giềng trong cùng khu vực, mà chỉ là những nước cùng trong phe xã hội chủ nghĩa. Sự quan tâm đầu tiên của Viện phải là xây dựng cho được một Tổ văn học nước ngoài - với trụ cột là hai nền văn học lớn Liên Xô, Trung Quốc.

Văn học Nga - Xô viết  được giao cho một lực lượng trẻ, được đào tạo ở Liên Xô về, với lần lượt Lê Sơn, Lưu Văn Bổng, Hồ Sĩ Vịnh... Một số công trình phục vụ cho thời sự được viết khá nhanh như Về hình tượng nhân vật anh hùng (qua một số tiểu thuyết Xô viết) (1967) của Lưu Liên và Lê Sơn. Và 20 năm sau là Đạo đức nhân vật trong văn học Xô viết và Việt Nam hiện đại (1987) của Lưu Liên. Thập niên cuối thế kỷ - việc nghiên cứu văn học Nga có dấu hiệu trở lại một ít khởi sắc trong hoạt động dịch và giới thiệu của PGS. Phạm Vĩnh Cư và PGS. Đào Tuấn Ảnh. Phạm Vĩnh Cư, với nhiều bài nghiên cứu và bản dịch xuất sắc trên Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam cùng với công trình Sáng tạo và giao lưu văn học (2007). Và Đào Tuấn Ảnh, trong việc giới thiệu và dịch Truyện ngắn đương đại Nga (2003), đồng chủ biên công trình dịch Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX.

Nếu có một nền văn học có liên quan mật thiết và có ảnh hưởng sâu sắc đối với văn học Việt Nam hiện đại - đặc biệt là trong nửa đầu thế kỷ XX, thì đó là văn học Pháp. Nó gần như là sự tiếp tục và thay thế dần ảnh hưởng của văn học Trung Hoa trong một gấp khúc của lịch sử. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu am hiểu và thông thuộc văn học Phương Tây như Hoàng Ngọc Phách, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Đỗ Đức Dục... và sau này là Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh... đều theo sự phân công mà đi vào các khu vực khác nhau của văn học Việt Nam. Rất ít người có dịp trở lại văn học Pháp. Nhưng Vũ Đức Phúc vẫn cố gắng dịch và giới thiệu Vonte (1963), dựng truyện chân dung về Điđơrô (1986).

Người được phụ trách từ đầu cho văn học Pháp sau khi ở Bộ Văn hóa chuyển sang, đó là Đỗ Đức Dục (tức Trọng Đức). Ông đã mở một đột phá khẩu vào Bandắc, và sớm cho ra mắt công trình Hônôrê đơ Bandắc, một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực (1966), và 15 năm sau viết tiếp Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương Tây (1981). Cùng với hai chuyên luận là các bản dịch về văn học hiện thực Pháp thế kỷ XIX như Nông dân, Miếng da lừa, Bà Bôvari...

Từ văn học Pháp mà mở ra văn học phương Tây - rồi sẽ có bộ sách quan trọng gồm hai tập của Hoàng Trinh có tên Phương Tây - văn học và con người (1969-1971). Tiếp tục việc nghiên cứu văn học Pháp, sau Đỗ Đức Dục sẽ có hai người. Đó là Lộc Phương Thủy, tác giả của bộ sách giới thiệu và dịch thuật Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX (1995); và chuyên luận A. Gide - đời văn và tác phẩm (2001), Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX - truyền thống và cách tân (2005). Tiếp đó là bộ sách dịch 2 tập, hơn 1500 trang: Lý luận - phê bình văn học thế giới thế kỷ XX do Lộc Phương Thủy chủ biên, in năm 2007. Cùng với phương hướng này, PGS. Lê Phong Tuyết tìm đến Alain Robbe Grillet và sự đổi mới tiểu thuyết (1995) và bản dịch Vì một nền tiểu thuyết mới (1997)...

Bên cạnh văn học Pháp thì việc nghiên cứu các nền văn học phương Tây khác như Anh, Mỹ, Đức, Ý, do thiếu chuyên gia nên có vận mệnh mỏng manh hơn. Nhưng  ở khu vực văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhà văn, dịch giả Nguyễn Trung Đức, vốn được đào tạo ở Cuba về đã có nhiều đóng góp quý báu. Trong hơn 25 năm ở Viện, trước khi qua đời (2001), Nguyễn Trung Đức đã cho ấn hành ngót 30 đầu sách về văn học Mỹ Latinh, trong đó có hai tác gia Nobel là G.G.Mackét và A.Cacpenchiê.

6. Nghiên cứu lý luận văn học

Từ rất sớm, Tổ lý luận được giao việc chuẩn bị soạn thảo một vài bộ sách cơ bản về lý luận văn học, không theo lối giáo khoa, mà theo lối chuyên đề. Nhưng do nhiều điều kiện khó khăn phải đến 10 năm sau, Viện mới cho ấn hành được công trình đầu tiên là Mấy vấn đề lý luận văn học (1970), và 6 năm sau là cuốn Văn học - cuộc sống - nhà văn (1976).

Cùng với hai công trình đó, là các tập tiểu luận: Trên mặt trận văn học (1972) của Vũ Đức Phúc; Noi theo đường lối văn nghệ Mác - Lênin của Đảng (1968) và Luyện thêm chất thép cho ngòi bút (1978) của Nam Mộc; Dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng (1974) của Phan Nhân; Văn học - ngọn nguồn và sáng tạo (1980) của Hoàng Trinh; Về tính dân tộc trong văn học (1982) của Thành Duy... Và các công trình tập thể: Ra sức phấn đấu để có những thành tựu mới trong văn nghệ (1980), và Phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng (1986).

Ngoài nghiên cứu lý luận mang tính định hướng như trên, vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn học cũng được đặt ra trong Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học (1973) của Vũ Đức Phúc; những tìm tòi theo hướng đi sâu vào thi pháp thể loại được bắt đầu chú ý với Bùi Công Hùng: Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca (1983), Quá trình sáng tạo thơ (1988); Hoàng Trinh: Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học (1980), Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (1980); Từ ký hiệu học đến thi pháp học (1992).

Những vấn đề Hoàng Trinh nêu ra vào nửa đầu những năm 80 này rồi sẽ không còn là mới, và cần một sự nhìn nhận và đánh giá lại, không chỉ là cởi mở, mà còn là thỏa đáng và chân xác hơn, vào thập niên cuối thế kỷ. Công việc đó PGS. TS. Trương Đăng Dung sẽ làm trong bản dịch Lâu đài của F. Kafka và các công trình Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (2004).

Từ 1987, sau khởi động của công cuộc Đổi mới, công tác lý luận có một chuyển hướng rõ rệt về nhận thức, về quan niệm, về cách thức tiếp cận, mà biểu hiện là hai hội thảo về Văn học và hiện thực và về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, do Viện chủ trì.

Kết quả của các hội thảo đó đã được chuyển vào hai công trình của Viện, được ấn hành trong cùng một năm 1990. Đó là Văn học và hiện thực, do Phong Lê chủ biên, và Các vấn đề khoa học của văn học do Trương Đăng Dung và Nguyễn Cương chủ biên.

Từ nửa sau những năm 90, Ban Lý luận, thông qua một số công trình sưu tập lớn, đã có định hướng đáp ứng cho yêu cầu biên soạn lịch sử văn học dân tộc, trong đó có chính lịch sử của lý luận. Ban Lý luận, với một số thành viên ít ỏi, dưới sự điều hành của Chủ biên PGS. Nguyễn Ngọc Thiện đã triển khai một loạt các công trình sưu tập, biên soạn, trong đó có các cuốn: Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939 (1996), Hải Triều - nhà lý luận tiên phong (1996), Tuyển tập phê bình - nghiên cứu văn học - 5 tập (1997), Hoài Thanh bình luận văn chương (1998), Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX - 2 tập (2002)... Năm 2013, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh, Ban Lý luận cho xuất bản công trình: Lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam vốn xuất phát từ một công trình cấp Bộ.

III. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ; HỢP TÁC QUỐC TẾ; XUẤT BẢN CÔNG TRÌNH; XÂY DỰNG THƯ VIỆN - TƯ LIỆU VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

1. Đào tạo cán bộ

Năm đầu thành lập Viện đúng vào năm diễn ra Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) - Đại hội định ra hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Những chuyến đi thực tế đầu tiên về vùng công nghiệp Hải Phòng; về Quảng Ninh để nghe công nhân phát biểu về Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm; và về Hưng Yên nơi có phong trào thủy lợi... đã mở ra sự gắn bó giữa công tác nghiên cứu văn học với đời sống, và truyền thống đó luôn được tiếp tục cho đến thời kỳ Đổi mới.

Sự giao lưu, trao đổi khoa học giữa Viện Văn học với Hội Nhà văn Việt Nam được kết nối và được duy trì đã tạo ra một quan hệ ấm áp giữa hai giới sáng tác và lý luận phê bình.

Bước vào thời chống Mỹ, trước và trong khi cơ quan sơ tán lên Hiệp Hòa, Hà Bắc từ 1965 đến 1968, Viện đã tổ chức hai đoàn công tác vào tuyến lửa khu Bốn - một ở Nghệ An, một ở Hà Tĩnh, vào hè 1965.

Gắn với thực tiễn chiến đấu của dân tộc, Viện đã nhiều lần tiễn những thành viên ưu tú vào chiến trường B (tức miền Nam) - mà người khai mở là Ngọc Anh. Trước khi vào Nam Ngọc Anh đã cho công bố trường ca Đăm di trên Nghiên cứu văn học, và sau khi vào Nam đã sớm xuất hiện dưới tên Người sưu tầm những bài thơ về Tây Nguyên nổi tiếng như Dưới bóng cây kơ-nia, Mong anh về ngay buôn rẫy... Sau Ngọc Anh là Bùi Hữu Hồng... Tiếp đó ở địa điểm sơ tán đã có các cuộc tiễn đưa Diệp Minh Tuyền, Y Tim, Nguyễn Hồng Sinh, Nguyễn Ngọc Lượng... trở về chiến trường B.

Những cuộc tiễn quân cũng đã diễn ra với Ngô Thảo, Lê Thành Nghị, Nguyễn Ngọc Thiện... Nguyễn Ngọc Thiện trở lại Viện rồi được cử du học ở Cộng hòa dân chủ Đức, còn Ngô Thảo và Lê Thành Nghị chuyển sang cơ quan khác.

Ngoài việc đào tạo cán bộ trong thực tế, Viện Văn học ngay từ khi mới thành lập đã hết sức chú ý việc đào tạo chuyên môn, nhằm nâng cao trình độ tri thức và thao tác nghề nghiệp cho các thế hệ cán bộ nghiên cứu trong Viện. Từ năm 1961, Viện đã mở một lớp học, mỗi tuần 2 buổi, cho tất cả các cán bộ trong và ngoài Viện tham dự về tất cả những vấn đề thuộc lý luận và văn học sử, kể cả các tác gia đỉnh cao của văn học nước ngoài. Song song với lớp học này, Viện còn cho tổ chức một lớp học chữ Hán do GS. Cao Xuân Huy phụ trách và năm 1965, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viện được tổ chức thi tuyển một lớp Đại học Hán học chính quy gồm khoảng 25 người. Lớp học do GS. Đặng Thai Mai làm chủ nhiệm và các GS. Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, nhà thơ Nam Trân, và các nhà Nho Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình... làm giảng viên. Đội ngũ các nhà Hán học trẻ này sau khi được đào tạo cơ bản, vừa cung cấp đội ngũ nòng cốt cho Viện Hán Nôm sau này; vừa cung cấp những chuyên gia đầu ngành cho Ban Văn học Cổ Cận đại của Viện như GS. Nguyễn Huệ Chi, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, PGS.TS. Phạm Tú Châu... Tiếp tục các kết quả đã có, vào năm 1986, Viện lại cho tổ chức lớp Đại học Hán Nôm cho lớp cán bộ trẻ của Ban Văn học Cổ Cận đại được tuyển từ sau 1980 và đã tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu văn học cổ cận đại của Viện có khả năng tiếp xúc thẳng với văn bản chữ Hán.

Từ khi có chế độ đào tạo Nghiên cứu sinh ở trong nước sau 1965, lực lượng trẻ đã tốt nghiệp (thường là thuộc loại ưu) ở các đại học về Viện đều phải trải các khóa học về triết học, về ngoại ngữ và về các chuyên môn hẹp do các chuyên gia nước ngoài - cùng với các chuyên gia trong Viện và trong Ủy ban Khoa học xã hội giảng. Chức danh Nghiên cứu viên được phong rất sớm cho lớp cán bộ nguồn - cốt cán của Viện như Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Minh Tấn, Hoàng Phê, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Văn Hoàn... Muộn hơn một chút - là khóa Nghiên cứu viên cho đội ngũ trẻ thuộc lớp đầu tiên về Viện, trong đó có 2 người rồi sớm được tham gia vào Hội đồng khoa học Viện, là Phong Lê và Nguyễn Huệ Chi.

Từ các khóa Nghiên cứu viên đầu tiên này cho đến lần phong GS - PGS đợt 2, vào năm 1980 (đợt 1 vào khoảng nửa sau thập niên 1950) phải trên 10 năm. Đợt 2 vào năm 1980 Viện có 1 người được phong GS là Hồ Tôn Trinh và 2 người được phong PGS là Vũ Đức Phúc và Nam Mộc (lúc này đã chuyển sang Viện Thông tin KHXH). Năm 1984 - cũng trong đợt 2, Viện có 6 người được phong PGS là Nguyễn Đức Đàn (lúc này đã chuyển sang Bộ Văn hóa), Nguyễn Văn Hoàn, Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Văn Hỷ, Lê Sơn (lúc này đã chuyển sang Viện Thông tin KHXH). Trong số này, đến năm 1991, 2 người được nhận chức danh GS là Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi.

Ngoài những người được đào tạo học vị PTS ở nước ngoài về Viện, theo nhiều con đường, trải dài trong hai chục năm, từ đầu những năm 70 đến đầu những năm 90 như Lưu Văn Bổng, Phan Hồng Giang, Hồ Sĩ Vịnh, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Vân, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Đỗ Nam Liên, Mai Hương, Nguyễn Ngọc Thiện, Đoàn Hương, Bích Thu, Vũ Thanh, Tôn Thảo Miên, Trương Đăng Dung... tất cả những ai tốt nghiệp ở các đại học trong nước hoặc nước ngoài đều phải trải qua trường đào tạo PTS, mà thế hệ đầu tiên do Viện đào tạo là vào nửa đầu những năm 80, gồm có: Nguyễn Thị Thanh Vân (Vân Thanh), Lê Thị Đức Hạnh, Đặng Văn Lung, Bùi Công Hùng, Trần Thị Băng Thanh, Phạm Tú Châu...

Từ nửa đầu những năm 90, công việc đào tạo PTS càng được đẩy mạnh cho tất cả cán bộ nghiên cứu trẻ công tác ở Viện, và lớp mở đầu đó là Vũ Tuấn Anh, Phan Trọng Thưởng, Tôn Phương Lan, Vũ Văn Sĩ, Phan Diễm Phương, Lưu Khánh Thơ, Lê Dục Tú, Đinh Minh Hằng, Lê Phong Tuyết, Hà Công Tài, Trần Đức Các, Lã Duy Lan... Nửa sau những năm 90 có Nguyễn Thị Huế, Lại Văn Hùng, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Đức Mậu, Trần Thị An, Nguyễn Đăng Điệp, Trần Hải Yến, Đặng Thị Hảo, Phạm Ngọc Lan, Phạm Thị Thu Hương... rồi tiếp nối là Nguyễn Huy Bỉnh, Phạm Thị Phương Chi, Đỗ Hải Ninh, Cao Thị Kim Lan, Hoàng Tố Mai, Đỗ Thị Thu Huyền, Lê Hương Thủy...

Trong số này Lộc Phương Thủy đã nhận chức danh Giáo sư, và nhiều người được nhận chức danh Phó Giáo sư.

Tháng 6/1978, Viện được công nhận là cơ sở đào tạo sau Đại học. Trong khoảng 7 năm (1978-1985), đã có 6 người bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ). Trong khoảng thời gian 1986 đến 2010, số lượng nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Văn học là 90 người. Bắt đầu từ 2011, công việc đào tạo được chuyển giao cho Học viện Khoa học xã hội, và nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học trở thành nòng cốt của Khoa Văn học thuộc Học viện. Đến nay đã có 30 người bảo vệ thành công luận án tại Học viện, nâng số lượng tiến sĩ do Viện Văn học trực tiếp tham gia đào tạo lên 120 người. Đây là một thành tích hết sức quan trọng trong sự nghiệp đào tạo cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học. 

Mấy năm cuối thế kỷ XX trên chặng đường đến với tuổi 60 của Viện, nhiều luận án đã được chỉnh sửa, nâng cao và trở thành các chuyên luận khoa học như:  Những vấn đề lịch sử văn học kịch Việt Nam (nửa đầu thế kỷ XX) của Phan Trọng Thưởng, Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945 - 1995 (Nhìn từ phương diện sự vận động của cái tôi trữ tình) của Vũ Tuấn Anh, Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945 - 1975 của Vũ Văn Sỹ, Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu của Tôn Phương Lan, Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của Lê Dục Tú, Lê Quý Đôn trên tiến trình ý thức văn học dân tộc của Đinh Thị Minh Hằng, Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích của Nguyễn Thị Huế, Giọng điệu trong thơ trữ tình của Nguyễn Đăng Điệp, Loại hình tác phầm Thiền uyển tập anh” của Nguyễn Hữu Sơn, Ẩn dụ và thơ ca của Hà Công Tài, Thể lục  bát và song thất lục bát của Phan Diễm Phương, Văn xuôi viết về nông thôn của Lã Duy Lan, Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu của Lại Văn Hùng, Truyện ngắn trữ tình Việt Nam (1932-1945) của Phạm Thị Thu Hương...

2. Hợp tác quốc tế

Trước hết là Liên Xô trước đây - nơi đã có công đào tạo nhiều thế hệ Nghiên cứu sinh và Thực tập sinh cho Viện. Kê cho đủ số người được đào tạo ở Liên Xô về là cả một danh sách dài. Một may mắn lớn là ở Viện Văn học thế giới mang tên Gorki (IMLI) có một chuyên gia về văn học Việt Nam là GS.TS. Niculin - Trưởng Ban văn học Á Phi. GS. Niculin có tình bạn thân thiết với nhiều người trong Hội Nhà văn Việt Nam, và trong Viện Văn học. Ông qua lại rất nhiều lần, nơi trụ sở 20 Lý Thái Tổ. Qua Niculin, nhiều NCS của Viện đã được đào tạo ở IMLI. Ông cũng tham gia chấm gần như tất cả các Luận án Tiến sĩ về Ngữ văn của NCS Việt Nam ở Liên Xô.

Với Sở nghiên cứu văn học Trung Quốc - kể từ thời Sở trưởng Hà Kỳ Phương đầu những năm 1960 đến Sở trưởng Trương Quýnh - cuối những năm 1990 - mối quan hệ giữa Viện và Sở không phải lúc nào cũng chặt chẽ, do những biến động về chính trị. Từ nửa sau thập niên 1990 khi mối quan hệ giữa hai phía được nối lại thì nhiều đoàn cán bộ của Viện đã có dịp qua Trung Quốc; và mỗi dịp như vậy họ đều tranh thủ đến thăm cả hai nơi - Sở nghiên cứu văn học Trung Quốc và Sở nghiên cứu văn học thế giới để học hỏi kinh nghiệm.

Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) trước đây là nơi có nhiều gắn bó mật thiết với Việt Nam. Các Tiến sĩ Huỳnh Vân, Mai Hương, Nguyễn Ngọc Thiện, và Nghiên cứu viên Lê Ngọc Châu đều được đào tạo từ DDR. GS. Phong Lê cũng có dịp thực tập ở Viện Hàn lâm trong hơn 1 năm. Nhiều đoàn cán bộ Viện đã sang thăm DDR; và về phía DDR - lãnh đạo Viện bạn cũng đã 3 lần sang thăm Hà Nội...

Từ Hunggari, PGS. Trương Đăng Dung đã được đào tạo để có học vị PTS; cũng là người đã chuyển dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung. Mối quan hệ giữa hai Viện đã được xây dựng kể từ chuyến thăm đầu tiên của GS. Hoàng Trinh những năm 60, để từ địa chỉ này ông được nhận danh hiệu Viện sĩ… và tiếp nối bởi các chuyến thăm Viện của Viện trưởng Viện Văn học Hunggari năm 2002.

Từ cuối thập  niên 90 đến nay, Viện tiếp tục cử nhiều đoàn công tác sang Mỹ, Ý, Pháp, Nga, Ôxtrâylia, Cuba và Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Ấn Độ, Canada… và đón các đoàn đến từ Nga, Trung Quốc, Hunggari…

Những hội thảo trong sự liên kết với các tổ chức khoa học một số nước trên thế giới cũng được tổ chức vào thập niên đầu thế kỷ mới. Phối hợp với Viện Harvard Yenching - Hoa Kỳ - đó là hội thảo Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu với khu vực và quốc tế (2006), Hội nghị khoa học quốc tế các nhà nghiên cứu văn học trẻ (2008), Tiếp cận văn học châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội (2011). Phối hợp với Cộng hòa Liên bang Nga trong việc tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh L. Tônxtôi (2010)…

3. Xuất bản công trình

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi thành lập Viện đến 2003 đã có gần năm trăm đầu sách của tập thể và cá nhân trong Viện thuộc tất cả các chuyên ngành được xuất bản. Từ 2003 đến nay, có thêm vài trăm đầu sách nữa. Trong thời gian GS Hà Minh Đức làm Viện trưởng, có năm lượng sách xuất bản lên đến 42 cuốn. Đó là thành tựu nghiên cứu quan trọng ghi nhận đóng góp của Viện vào sự trưởng thành của khoa nghiên cứu văn học. Trong thành tựu đó có đóng góp của công tác nghiên cứu lý luận, phê bình, sưu tầm, biên soạn, khảo cứu, dịch thuật và sáng tác văn học. Ở mảng sách nào cũng có dấu ấn riêng, giá trị riêng được xã hội thừa nhận. Nhiều tiểu luận ra đời trên cơ sở chọn lọc, tập hợp từ các bài viết của các nhà khoa học đã được xuất bản như các tập Vẫn chuyện văn và người, Người trong văn, Viết từ Hà Nội, Cảm thức tân xuân của Phong Lê; Văn học Việt Nam hiện đại - nhận thức và thẩm định của Vũ Tuấn Anh; Giao lưu văn học và sân khấu, Văn chương - tiến trình - tác giả và tác phẩm, Thẩm định các giá trị văn chương của Phan Trọng Thưởng; Vọng từ con chữ của Nguyễn Đăng Điệp; Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt Pháp của Lộc Phương Thủy; Văn chương và tác giả, Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ của Nguyễn Ngọc Thiện; Theo dòng văn học của Bích Thu; Văn học - một cách nhìn của Mai Hương; Văn chương và cảm nhận của Tôn Phương Lan; Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại của Lưu Khánh Thơ; Phê bình văn học Việt Nam hiện đại của Trịnh Bá Đĩnh; Luận bình văn chương của Nguyễn Hữu Sơn,... Một số nhà khoa học đầu ngành, sau hàng chục năm nghiên cứu miệt mài đã cho xuất bản các công trình dày dặn mang ý nghĩa tuyển tập, tuyển chọn như Tuyển tập Hà Minh Đức (3 tập với 3000 trang), Phong Lê tuyển chọn (với 800 trang), Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi (với gần 1200 trang)...

Những năm cuối thế kỷ, cũng chứng kiến sự ra mắt rất nhiều công trình tư liệu có tên chung: Về tác giả và tác phẩm trên sự phối hợp giữa Viện Văn học và Nhà xuất bản Giáo dục mà tuyệt đa số là do cán bộ của Viện đảm nhiệm, với năng lực và uy tín của sự làm nhanh và cẩn thận. Gần như với nỗ lực để hoàn thành bộ sách này - Viện Văn học đã góp phần giải quyết một cách cơ bản về tư liệu cho số lớn những tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam - từ trung đại đến hiện đại; kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ...

Về khu vực tư liệu sống, nhiều năm qua Viện đã triển khai công việc Điều tra văn học thế kỷ XX. Những gì ghi được từ các nhân chứng sống - chắc sẽ giúp cho sự nhận thức một thế kỷ văn học được sâu hơn, đúng hơn, cả trong những nẻo khuất của nó, để đến gần với chính lịch sử của nó hơn.

Trong các công trình tập thể mang tên Viện Văn học, còn phải nói đến 3 bộ sách: Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, 762 trang, ấn hành năm 1999, Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, 1088 trang, ấn hành năm 2002 và Lý luận và phê bình văn học - Đổi mới và phát triển, 1085 trang, 2005. Đây là sự góp mặt của các thế hệ nghiên cứu trong Viện cùng một số cộng tác viên ngoài Viện, trên một chủ đề rộng, một phạm vi bao quát rộng, để ai cũng có thể tham gia. Không có yêu cầu chặt chẽ về chủ đề, không đòi hỏi nghiêm khắc về cấu trúc, theo lối một chuyên khảo khoa học, đây là một cuộc họp mặt nhân kết thúc một thế kỷ văn học. Chắc chắn đó sẽ là các bộ sách có giá trị tham khảo cho việc nhìn nhận thành tựu một thế kỷ văn chương - học thuật; đồng thời là sự ghi nhận dấu ấn của chính thời điểm nó ra đời, đó là cuộc chuyển giao giữa hai thế kỷ.

Gần đây, vào năm 2012, từ hai hội thảo do Viện chủ trì đã xuất hiện 2 công trình mới về những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học đương đại là: Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, và Lịch sử và văn hóa - Cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh.

4. Xây dựng thư viện - tư liệu và cơ sở vật chất

Thư viện Viện Văn học có lẽ là thư viện lớn thứ 2 sau thư viện của Viện Thông tin khoa học xã hội, trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Từ ban đầu chỉ là vài tủ sách với 2 phòng đọc và mượn (kiêm luôn kho sách), đến nay Thư viện đã là một khối nhà 2 tầng ở phía phải, với tổng diện tích là 200 mét vuông, gồm 4 kho mượn và 1 phòng đọc rộng rãi được trang bị hệ thống máy móc, giá kệ, bàn ghế… tương đối văn minh.

Thư viện với khối lượng sách khổng lồ gồm nhiều sách hiếm và quý, chủ yếu là sách văn học và một số khoa học liên quan như văn hóa, sử, triết… trên các thứ tiếng: Việt, Nga, Trung, Hán Nôm, Anh, Pháp, và một số tiếng khác như Đức, Tiệp, Ý, Nhật. Thư viện cũng lưu trữ được nhiều loại báo, tạp chí quý và cổ như Nam Phong, Phong hóa, Ngày nay, Tri tân, Phụ nữ tân văn, Trung Bắc tân văn… Báo tiếng Việt có 431 loại, Trung 32 loại, Nga 48 loại, Anh Pháp 92 loại…

Để phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu của độc giả trong và ngoài Viện, Thư viện đã tiến hành tin học hóa toàn bộ kho sách tiếng Việt và một số tiếng như La tinh, Anh, Pháp trên máy tính. Hiện nay, Thư viện có cơ sở dữ liệu sách Việt gồm 36.568 cuốn và bài đăng trên Tạp chí Văn học từ 1960 đến nay.

Hàng năm Thư viện vẫn tiếp tục bổ sung và trao đổi sách báo không chỉ trong nước mà với nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Hiện Thư viện đã sưu tập và dịch trên 3.100 tài liệu Hán Nôm, Anh, Pháp, Nga.

Về xây dựng cơ sở vật chất, ở trụ sở 20 Lý Thái Tổ, qua 60 năm, sự thay đổi không có gì lớn lắm; bởi đây là khu trung tâm với sự tồn tại của những khu phố cổ, những cảnh quan quen thuộc của Hà Nội 36 phố phường. Đến cuối thế kỷ XX, được sự đầu tư của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong nhiệm kỳ PGS.TS. Phan Trọng Thưởng làm Viện trưởng, cơ sở vật chất đã được nâng cấp, tôn tạo lại, mỗi phòng, ban đều được trang bị bàn ghế mới, máy điều hòa nhiệt độ, máy vi tính... Chưa thể nói là thật khang trang, dễ chịu, nhưng cơ sở vật chất của Viện hiện nay có thể là tạm đủ cho cán bộ có chỗ để làm việc.

IV. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN VĂN HỌC TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển

- Quan điểm chủ đạo là nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa và nghiên cứu khoa học, vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

- Lấy thực tiễn và nhu cầu phát triển nền văn học dân tộc đặt trong bối cảnh dân tộc và khu vực làm đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất.

- Tăng cường năng lực nội sinh của Viện Văn học, của từng phòng ban chuyên môn và đội ngũ chuyên gia. Từng bước hình thành các mũi nhọn nghiên cứu, gắn nghiên cứu văn học với nghiên cứu văn hóa, với quan điểm phát triển bền vững.

- Đẩy mạnh đổi mới, thực hành dân chủ, phát huy năng lực sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu phát huy và cống hiến khả năng trí tuệ, nhiệt huyết, góp phần phát triển nghiên cứu văn học về cả số lượng và chất lượng.

2. Mục tiêu chiến lược

Chiến lược phát triển Viện Văn học giai đoạn 2013 - 2020 tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau đây:

- Phát triển Viện Văn học trở thành một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển nền văn học Việt Nam; tạo dựng được uy tín cao trong giới nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, có vị thế vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước trên phương diện nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành các mũi nhọn nghiên cứu, xây dựng đội ngũ chuyên gia mạnh. Xác định các hướng nghiên cứu cơ bản làm cơ sở quy hoạch phòng ban, nhân sự, giải quyết tốt mối quan hệ giữa định hướng nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu.

- Công bố những công trình nghiên cứu trọng điểm có chất lượng khoa học, khuyến khích và tăng cường quan tâm đến chất lượng công việc bằng thước đo xuất bản và hiệu quả xã hội.

- Gắn kết nghiên cứu với đào tạo và hợp tác với các đơn vị, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế.

- Tiếp tục củng cố phát huy vai trò chủ đạo, nòng cốt, là trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020 đưa một số hướng nghiên cứu khoa học chủ chốt vốn là thế mạnh của Viện Văn học đạt được những thành tựu mới, có tầm ảnh hưởng quốc gia và khu vực, trọng tâm là nghiên cứu văn học sử, lý luận và phê bình.

V. KẾT LUẬN

Bản tổng hợp 60 năm Viện Văn học này chỉ mong gợi được một số ý lớn, phác một vài đường nét lớn, qua những hoạt động phong phú của nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có những tên tuổi rất sáng giá đứng ở hàng đầu nền học thuật Việt Nam; những thế hệ giàu tâm huyết mà cả cuộc đời nghề nghiệp là dành trọn cho Viện; những thế hệ trẻ tiếp nối nhau và gần gũi nhau ở các ước nguyện chọn cho mình cái nghề không mấy nhàn hạ này, và quyết chung thủy với nó...

Với những cống hiến thầm lặng nhưng xuất sắc, ghi dấu ấn thực sự vào sự phát triển của khoa học văn học suốt 60 năm qua, năm 1999, Viện Văn học đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện. Trước đó, vào năm 1990, Tạp chí Văn học được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đến nay, nhiều nhà khoa học của Viện đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước như Hoàng Trung Thông, Hà Minh Đức (2001), Phong Lê, Trần Thị Băng Thanh (2005).  Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996 đã được trao cho các nhà khoa học xuất sắc như Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hồ Tôn Trinh, Cao Huy Đỉnh. Nhà phê bình Hoài Thanh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001 và nhà nghiên cứu Hà Minh Đức nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. Đây là những phần thưởng cao quý, xứng đáng mà Đảng và Nhà nước ta đã dành cho các nhà khoa học ưu tú của Viện trong hành trình 60 năm lao động và sáng tạo không mệt mỏi.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhà khoa học được tôn vinh, vẫn còn biết bao tấm gương lao động khác của những người từng gắn bó đời mình với Viện. Họ cũng để lại những thành quả đáng ghi nhận, thậm chí có mặt còn xuất sắc, trên các phương diện nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo. Số lớn trong họ có người đã qua đời, nhiều người đã về hưu hoặc chuyển cơ quan khác; nhưng nếu vắng họ, nếu không tính đến những đóng góp của họ thì sự hình dung về Viện Văn học sẽ là không trọn vẹn, không đầy đủ./.

 

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

In trang Chia sẻ

Tin khác