Xã hội Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi: những nghiên cứu từ tiếp cận xã hội học

10:58 10/01/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong mấy thập kỷ qua, xã hội Việt Nam đã trải qua những biến đổi sâu sắc cùng với quá trình thúc đẩy CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Việt Nam từ một quốc gia nông nghiệp kém phát triển với nền kinh tế bao cấp đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xã hội ngày càng phát triển theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh… Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu về vấn đề này, tháng 10/2024, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Xã hội Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi: những nghiên cứu từ tiếp cận xã hội học”. Đây là ấn phẩm được Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) triển khai thực hiện nhằm cung cấp cho bạn đọc bức tranh khái quát về thực trạng, sự chuyển biến, những khác biệt, vấn đề và những lý giải…về thực tiễn xã hội Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trong mấy thập kỷ qua.

Tại Lời Ngỏ của cuốn sách, thay mặt nhóm tác giả, Viện trưởng Viện Xã hội học, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: Các bài viết được tập hợp giới thiệu trong cuốn sách này là kết quả của các đề tài nghiên cứu về thực tiễn biến đổi xã hội Việt Nam được Viện Xã hội học thực hiện trong nhiều năm được đăng tải trên Tạp chí Xã hội học trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2023.

Theo đó, các bài viết trong cuốn sách được chia thành 5 phần tương ứng với 5 nhóm chủ đề lớn hay hướng nghiên cứu chính của Viện Xã hội học, có tính bao trùm hầu hết các khía cạnh xã hội được quan tâm cụ thể là:

Phần 1: Cấu trúc và phân tầng xã hội, bao gồm 8 bài viết có liên quan đến: những vấn đề biến đổi xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trịnh Duy Luân); Về phân tầng xã hội và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay (Trịnh Duy Luân, Bùi Thế Cường); Một số chiều cạnh trong biến đổi cấu trúc xã hội ở Việt Nam hiện nay (Trịnh Duy Luân); Phân tầng xã hội dựa trên nghề và phân bố nguồn lực kinh tế - chính trị ở Đông Nam Bộ hẹp (Bùi Thế Cường); Tình trạng phân tầng xã hội hai cực ở Việt Nam hiện nay (Đỗ Thiên Kính); Lao động, việc làm ở Việt Nam sau 30 Đổi mới (Vũ Mạnh Lợi); Các tổ chức xã hội ở Việt Nam: một nhận diện (Phạm Bích San); Thực trạng các tổ chức xã hội Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay (Nguyễn Đức Vinh).

Phần 2: Dân số, sức khỏe, gia đình, gồm 9 bài viết: Nhìn lại 10 năm nghiên cứu di cư ở Việt Nam hiện nay: hiện trạng, nguyên nhân và tác động (Đặng Nguyên Anh); Mức sinh trong bối cảnh già hóa dân số và mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam (Nguyễn Đức Vinh); Biến đổi mô hình phong tục hôn nhân ở châu thổ sông Hồng qua mấy thập niên gần đây (Mai Văn Hai, Ngô Ngọc Thắng); Những vấn đề của gia đình Việt Nam trong quá trình biến đổi xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa (Vũ Tuấn Huy); Một số vấn đề gia đình Việt Nam sau 30 năm Đổi mới (Nguyễn Hữu Minh); Hệ giá trị gia đình Việt Nam: Truyền thống và đổi mới (Lê Ngọc Văn); Biến đổi của hệ thống y tế và bất bình đẳng y tế ở Việt Nam (Nguyễn Xuân Mai); Những yếu tố quyết định tình trạng mức sinh thấp tại vùng Đông Nam Bộ và gợi mở chính sách dân số ở Việt Nam (Nguyễn Đức Vinh).

Phần 3: Nông thôn và đô thị bao gồm 6 bài viết: Nghiên cứu làng Việt: các vấn đề và triển vọng (Bùi Quang Dũng); Một số vấn đề xã hội nan giải trong quá trình đổi mới tam nông ở Việt Nam (Tô Duy Hợp); Góp phần tìm hiểu người nông dân Việt Nam thời Đổi mới (Mai Bích Hợp); Hương ước và mấy vấn đề quản lý xã hội nông thôn hiện nay (Bùi Quang Dũng); Nhận diện nhóm nông dân mới trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 (Nguyễn Đức Chiện); Các chiều cạnh xã hội của phát triển bền vững đô thị trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam (Đoàn Kim Thắng).

Phần 4: An sinh xã hội gồm 7 bài viết: An sinh xã hội ở Việt Nam sau 30 Đổi  mới và định hướng đến năm 2030 (Đặng Nguyên Anh); Vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam (Đặng Thị Việt Phương, Nguyễn Thanh Thủy); Từ thiện xã hội cấp cộng đồng ở Việt Nam hiện nay (Nghiêm Thị Thủy, Đặng Nguyên Anh); Thực trạng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi neo đơn ở Việt Nam hiện nay (Hồ Ngọc Châm, Phan Đức Nam, Nguyễn Thị Huyền Giang); Thực trạng và xu hướng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lực lượng lao động đang có việc làm ở Việt Nam giai đoạn 2016-2019 (Phạm Ngọc Tân, Phạm Hồng Bắc, Tô Thị Hồng); Đánh giá một số nhóm chính sách quan trọng dành cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay (Nguyễn Thanh Thủy); Một số yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng tự an ninh của người lao động phi chính thức ở đô thị (Hồ Ngọc Châm).

Phần 5: Văn hóa, giáo dục, tôn giáo gồm 9 bài viết: Tìm hiểu văn hóa làng vùng châu thổ sông Hồng qua sự biến đổi đường bán kính kết hôn hôn nửa thế kỷ qua (Mai Văn Hai); Công nghiệp hóa, hiện đại hoa và logic chuyển tiếp từ văn hóa đơn phong cách sang văn hóa đa phong cách (Mai Văn Hai); Đô thị hóa và sự phát triển nông thôn ở Việt Nam: một số vấn đề cần quan tâm nghiên cứu (Nguyễn Hữu Minh); Khác biệt xã hội trong tiếp cận giáo dục ở Việt Nam thời Đổi mới: Thực trạng và gợi ý chính sách (Nguyễn Đức Chiện); Tác động của biến đổi cấu trúc dân số và giáo dục – đào tạo đến chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của dân số trẻ (Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn Thị Thơm); Sử dụng vốn xã hội trong giải quyết xung đột cộng đồng: phát hiện từ nghiên cứu định tính ở hai địa phương ven đô thuộc đồng bằng sông Hồng (Nguyễn Đức Chiện); Một số vấn đề lý luận về tiếp cận nghiên cứu văn hóa cộng đồng trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay (Trương Xuân Trường); Tìm hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong quá trình hình thành những giá trị mới (Trần Nguyệt Minh Thu); Đời sống tôn giáo tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Nguyễn Thị Minh Ngọc)

Có thể thấy, bên cạnh việc phổ biến các kết quả nghiên cứu có tính chất thực chứng, nội dung các phần trình bày trong cuốn sách cũng phản ánh với bạn đọc gần xa quá trình hoạt động, trưởng thành, phát triển và hội nhập của Viện Xã hội học trong thời gian qua với đa dạng các chủ đề, các chiều cạnh nghiên cứu, các hướng tiếp cận… với sự đa dạng về phương pháp nghiên cứu, nguồn tư liệu và bề dày kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu nhiều thế hệ. Cuốn sách ra đời cũng đánh dấu chặng đường nghiên cứu của Viện Xã hội học và hướng đến những mục tiêu phát triên rmới trong thời gian tới.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tác Giả: Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác