Phát biểu đề dẫn hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng

12:00 01/12/2012
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong 3 ngày 26 đến 28 tháng 11 năm 2012, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức. Sau đây là toàn văn Đề dẫn Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư.

Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,

Thưa các học giả quốc tế và Việt Nam,

Thưa các vị khách quý và các bạn,

Hội thảo quốc tế Việt Nam học là sự kiện văn hóa quan trọng, ngày hội lớn của các nhà nghiên cứu về Việt Nam trong nước và thế giới, nơi hội tụ của tri thức, trí tuệ và tình cảm nồng ấm đối với đất nước và con người Việt Nam.

Tại buổi lễ khai mạc trọng thể này, cho phép tôi thay mặt các quý vị nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người luôn quan tâm lớn đến Việt Nam học, và hôm nay Thủ tướng đã dành thời gian tới dự và phát biểu với hội thảo của chúng ta. Xin trân trọng cám ơn Thủ tướng!

Thay mặt Ban tổ chức và hai cơ quan đồng chủ trì hội thảo là Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi cũng xin nhiệt liệt chào mừng các học giả, các vị khách quý và tất cả các bạn đến từ nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới, cũng như từ mọi miền của đất nước Việt Nam có mặt đông đủ ngày hôm nay.

Kính thưa Thủ tướng,

Thưa các học giả, các vị khách quý và các bạn,

Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức định kỳ 4 năm một lần là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đây là nơi các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những phát hiện khoa học mới, những tư liệu quý giá về Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp đến khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường và quan hệ quốc tế. Đây cũng là dịp để các nhà Việt Nam học từ khắp nơi cùng nhau thảo luận những ý tưởng mới, gợi mở, đề xuất những kiến giải độc đáo, những bước đi, biện pháp hữu ích cho tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc quy tụ đông đảo các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế tại một diễn đàn khoa học lớn, đặc biệt là sự cọ xát các ý tưởng, quan điểm, cách kiến giải khác nhau, tạo động lực quan trọng thúc đẩy việc nghiên cứu Việt Nam học từng bước mở rộng và đi vào chiều sâu, phát triển theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa chuyên ngành, liên ngành và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực sự góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà Việt Nam học đi trước, chúng ta vui mừng nhận thấy, qua mỗi kỳ hội thảo, đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế và trong nước ngày càng đông đảo, phạm vi lan tỏa của ngành Việt Nam học trên thế giới và ở trong nước ngày càng sâu rộng, niềm say mê nghiên cứu về Việt Nam cũng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ngày càng có nhiều học giả trẻ tuổi quan tâm nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư chắc chắn sẽ là bước tiếp nối các thành công của 3 kỳ hội thảo trước đây.

Hội thảo lần này được tổ chức trong bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn ra những biến chuyển to lớn. Nền kinh tế toàn cầu đứng trước thách thức tái cơ cấu sâu sắc sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế; cán cân quyền lực thế giới tiếp tục chuyển dịch mạnh về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; các nguy cơ xung đột về văn hóa, tôn giáo, xã hội, các thách thức về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu đang nổi lên đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh thế giới phức tạp đó, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đề ra, với phương châm xuyên suốt là phát triển bền vững. Vì vậy, chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” của hội thảo lần này không chỉ là sự tiếp nối chủ đề của các hội thảo trước đây, mà còn thực sự bám sát và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo của hai tổ chức khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu Việt Nam là Viện Khoa học xã hộiViệt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội, hội thảo chắc chắn sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trình bày, trao đổi, thảo luận các ý tưởng, kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách của mình. Tôi tin tưởng rằng, hội thảo lần này sẽ đánh dấu một bước tiến mới của ngành Việt Nam học, góp phần xứng đáng vào tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam.     

Sau đây tôi xin khái quát một số chủ đề sẽ được hội thảo của chúng ta tập trung thảo luận. Đây cũng chính là những vấn đề mà thực tiễn phát triển của Việt Nam đang đặt ra đối với ngành Việt Nam học và các nhà Việt Nam học.

Thứ nhất, Chủ đề phát triển bền vững là nội dung trọng tâm xuyên suốt trong các tham luận tại phần lớn các tiểu ban của hội thảo về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, luật pháp, văn hóa, nghệ thuật, dân tộc và tôn giáo, giáo dục và khoa học - công nghệ, đô thị, nông thôn, quan hệ quốc tế, v.v.

Như chúng ta đều biết, công cuộc Đổi mới trong hơn 25 năm qua ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cải thiện căn bản đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao vị thế quốc gia, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, cùng với thời gian, đã và đang xuất hiện những nhân tố không bền vững, cả khách quan và chủ quan, trong nước và quốc tế, gây tác động làm bất ổn vĩ mô, cản trở, thậm chí đe dọa tiến trình phát triển đi lên của Việt Nam. Tại hội thảo này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận nhằm nhận diện đúng những nhân tố không bền vững này, cũng như phân tích làm rõ nguyên nhân và tác động của chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc"[1]. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nâng lên thành quan điểm phát triển bền vững như yêu cầu xuyên suốt giai đoạn tới. Đại hội cũng chỉ rõ, để phát triển bền vững phải thực hiện các đột phá, trước hết là về thể chế kinh tế thị trường, về kết cấu hạ tầng và về chất lượng nguồn nhân lực, nhằm mở đường cho sự phát triển của đất nước vượt qua những điểm nghẽn gây ách tắc, những nhân tố gây mất ổn định, tránh ”bẫy thu nhập trung bình”, vươn lên trình độ phát triển cao hơn. Việt Nam đang tiến vào một giai đoạn phát triển then chốt với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng phát triển theo chiều sâu, bảo vệ và cải thiện môi trường, đồng thời mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm công bằng xã hội; vừa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vừa kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. 

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kể trên, những bài học lịch sử của Việt Nam, cũng như các kinh nghiệm của các nước trên thế giới có ý nghĩa gợi mở rất quý báu. Tại hội thảo này, các học giả trong nước và quốc tế sẽ có điều kiện chia sẻ những cứ liệu và tư liệu lịch sử mới tìm thấy, thảo luận những tìm tòi, phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng nhau tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tụt hậu phát triển, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường, bất ổn chính trị - xã hội, v.v. Đây sẽ là những đóng góp hết sức thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Tôi mong muốn Hội thảo của chúng ta sẽ phát huy tối đa thế mạnh của ngành Việt Nam học với tư cách là một ngành khoa học kết hợp giữa chuyên ngành và liên ngành, giữa phân tích vi mô và vĩ mô, giữa cách tiếp cận đất nước học và khu vực học, từ đó có được cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá vừa cụ thể, chuyên sâu, vừa tổng thể, toàn diện về các vấn đề phát triển của Việt Nam.     

Thứ hai, Chủ đề hội nhập quốc tế là chủ đề bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực phát triển của Việt Nam – đất nước đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các cấp độ. Có thể khẳng định, thành công của tiến trình Đổi mới ở Việt Nam không tách rời thành công của tiến trình hội nhập, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị vào thập niên 70 – đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trở thành “đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ngày nay, Việt Nam không chỉ “làm bạn” với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mà còn là thành viên tích cực của ASEAN, nhân tố quan trọng góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng không còn chỉ là nước tiếp nhận viện trợ phát triển chính thức, mà là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới, trở thành một thị trường mới nổi năng động, thu hút mạnh mẽ các dòng thương mại và đầu tư quốc tế, điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tham gia ngày càng sâu vào phân công lao động quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành những mắt xích quan trọng trong các chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu.

Dưới tác động của hội nhập, các thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên tất cả các cấp độ từ các cá nhân, gia đình, cộng đồng cho đến các giai tầng và toàn xã hội, góp phần nâng cao dân trí, làm thay đổi nhận thức xã hội, tâm lý, tập quán sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống. Hội nhập cũng là nguồn động lực quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh những tác động tích cực kể trên cũng có không ít những tác động tiêu cực. Nền kinh tế phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ bên ngoài, không chỉ mang nguy cơ kìm hãm, mà còn có thể làm chệch hướng quá trình chuyển dịch cơ cấu về phía các ngành khai thác tài nguyên có trình độ công nghệ hạn chế và lao động thiếu kỹ năng. Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc mở cửa cho các tác động tiêu cực từ những biến động bất thường của thị trường thế giới – điều có thể thấy rõ qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Các mối đe dọa phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia như dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm quốc tế, các thế lực thù địch … có thể xâm nhập gây bất ổn chính trị - xã hội trong nước.   

Tôi cho rằng, hội thảo của chúng ta cần thảo luận kỹ và đánh giá sâu sắc tác động nhiều mặt của quá trình hội nhập quốc tế đối với các biến chuyển đa chiều của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Chẳng hạn, cần phân tích thấu đáo sự cọ xát giữa các khía cạnh truyền thống và hiện đại, giữa quá trình xói mòn và bồi đắp bản sắc văn hóa dưới tác động của hội nhập, giữa quá trình tiếp biến hay kháng cự trước sự xâm nhập của những giá trị xã hội ngoại lai, giữa vai trò của nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội trong quá trình hội nhập, v.v. Các nghiên cứu về khoa học xã hội và khoa học nhân văn, từ góc độ khác nhau về đất nước học và khu vực học, chắc chắn sẽ đem đến cho chúng ta những hiểu biết mới, sâu sắc hơn về quá trình hội nhập của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tiến vào những cấp độ hội nhập sâu hơn như hội nhập trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, hội nhập về văn hóa, xã hội, v.v. Đây là những lĩnh vực hội nhập có mức độ nhạy cảm lớn, phức tạp, với những cơ hội và thách thức mới đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ càng về định hướng, chiến lược, lộ trình, bước đi và các giải pháp cụ thể. Điều này đặt ra trước các nhà Việt Nam học chúng ta những vấn đề rất mới, thú vị, nhưng cũng hứa hẹn những phát hiện sáng tạo và thành công khoa học mới.

Thứ ba, tập trung vào việc đẩy mạnh sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng của chính ngành Việt Nam học. Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của cộng đồng các nhà Việt Nam học, mà còn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng như của tất cả những ai yêu mến đất nước và con người Việt Nam.

Nếu tính từ những công trình khảo cứu cổ về đất nước và con người Việt Nam, thì ngành học này có bề dầy lịch sử khá đồ sộ, trải qua nhiều thăng trầm. Sau ngày nước Việt Nam thống nhất và đặc biệt là từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới cho đến nay, ngành Việt Nam học đã có những bước tiến to lớn, vừa mở rộng về chủ đề, nội dung, lĩnh vực nghiên cứu, vừa đổi mới về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, không chỉ tiếp tục đào sâu, làm rõ các vấn đề thuộc về truyền thống, văn hóa, lịch sử, mà còn hướng mạnh vào việc nhận thức và giải quyết các vấn đề xã hội đương đại. Chính vì vậy, Việt Nam học thực sự “trở thành ngành khoa học mới, ngày càng hấp dẫn” đúng như nhận xét của Thủ tướng trong bài phát biểu quan trọng vớihội thảo của chúng ta. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách phải hệ thống hóa lại một cách căn bản ngành Việt Nam học nhằm đạt được sự thống nhất trong đa dạng, biến ngành học này từ tập hợp các ngành học riêng lẻ thực sự trở thành một khoa học đa ngành và liên ngành có nền tảng lý luận và phương pháp luận vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy.

Cùng với sự phát triển đi lên của Việt Nam, thế và lực của đất nước ngày càng nâng cao, ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được mở rộng, nhu cầu hiểu biết về Việt Nam từ bên ngoài cũng ngày càng lớn, lực lượng các nhà nghiên cứu về Việt Nam ngày càng đông đảo. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xuất hiện nhiều trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, các khoa giảng dạy tiếng Việt, các trung tâm giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Ở trong nước đã có ngày càng nhiều trường đại học và cao đẳng thành lập khoa Việt Nam học hoặc đưa ngành học này vào chương trình đào tạo. Thực tế sôi động này đặt ra yêu cầu phải tổ chức lại việc nghiên cứu Việt Nam học, hình thành mạng lưới liên kết các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy, các học giả Việt Nam học trong nước và quốc tế, cho phép chia sẻ thông tin, kết nối các nghiên cứu, hỗ trợ việc giảng dạy, v.v., tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành Việt Nam học ở trong nước và trên thế giới. Sự tham gia đông đảo của đội ngũ trí thức là các nhà nghiên cứu gốc Việt ở các nước cũng là nhân tố quan trọng, góp phần kết nối các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành Việt Nam học nói chung.

Tôi mong rằng, hội thảo của chúng ta sẽ dành thời gian thích đáng để bàn bạc, thảo luận về chủ đề quan trọng này, đề xuất những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng diễn đàn khoa học lớn này trở thành một đầu mối quan trọng trong mạng lưới Việt Nam học trên thế giới, góp phần thúc đẩy ngành Việt Nam học của chúng ta ngày càng phát triển.

Có thể nói, ba chủ đề nêu trên sẽ là những nội dung xuyên suốt Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, đồng thời cũng là những định hướng chung cho hoạt động của các tiểu ban. Căn cứ vào định hướng này, mỗi tiểu ban cần phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo, tổ chức việc thảo luận thực chất, khoa học, từ đó có thể chắt lọc những ý tưởng, kiến nghị thực sự hữu ích, cung cấp những luận cứ khoa học quý báu cho sự nghiệp phát triển đất nước và con người Việt Nam.

Kính thưa Thủ tướng,

Thưa các nhà khoa học, các vị khách quý và các bạn,

Bối cảnh quốc tế và trong nước cũng như thực tiễn cuộc sống đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới đối với tiến trình phát triển của Việt Nam. Với lòng mong muốn đóng góp sức mình vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước và con người Việt Nam, với tinh thần trao đổi học thuật đầy tính xây dựng, thực sự khoa học, và với sự hợp tác thân ái, cởi mở giữa các học giả quốc tế và trong nước, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.   

Cuối cùng, thay mặt Ban tổ chức, xin kính chúc sức khỏe của Thủ tướng. Chúc các nhà khoa học, các vị khách quý và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!          

 

 


[1]Hồ Chí Minh. Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội. Báo Nhân dân, ngày 27/3/1961. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, H.: 1996, tr. 315.

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác