Hội thảo do PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; GS. Baudouin Dupret, Giám đốc Trung tâm Jacques Berque, Rabat, Ma Rốc đồng chủ trì.
Khách mời tham dự Hội thảo gồm Ngài EL Houcine Fardani, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ma Rốc tại Việt Nam; Ngài Chirif Chikhi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria tại Việt Nam; Ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam; Bà Anissa Barrak, Trưởng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành như: Vụ Tây Á – Châu Phi (Bộ Ngoại giao), Vụ Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh (Ban Đối ngoại Trung ương) cùng đại diện các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và nhiều cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang cho biết: Trong những năm gần đây, khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã trải qua rất nhiều thay đổi sâu sắc cả về mặt chính trị và xã hội và phong trào mà chúng ta gọi là “Mùa xuân Ả Rập” hay “Ả Rập thức giấc” đã được biết trên toàn thế giới. Đây được coi là “cánh cửa” mới mở ra với người Ả Rập khi tiếng nói của họ được lắng nghe và coi trọng hơn. Trong bối cảnh phát triển mới như vậy ở trong toàn bộ khu vực Trung Đông và Bắc Phi, các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra cho khu vực này cần được xem xét và phân tích từ một góc độ mới có ý nghĩa tầm nhìn toàn khu vực. PGS.TS. Bùi Nhật Quang bày tỏ kỳ vọng Hội thảo sẽ thu hút được nhiều ý kiến trao đổi của các học giả trong và ngoài nước, các ý kiến sẽ có tác dụng hỗ trợ rất nhiều cho các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông trong giai đoạn sắp tới.
Trong phát biểu đề dẫn PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho rằng, phong trào “Mùa xuân Ả Rập” từ cuối năm 2010 đã tạo ra những thay đổi lớn trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Việc tìm hiểu, nghiên cứu những thay đổi cả về mặt tích cực và tiêu cực, các xu hướng vận động tiếp theo ở các quốc gia trong khu vực ở cả 3 cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm mà Hội thảo quan tâm tìm hiểu. Đối với những vấn đề ở cấp quốc gia phó giáo sư hy vọng hội thảo sẽ thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan đến các nguyên nhân cơ bản gây nên biến động chính trị - xã hội ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, tìm hiểu tại sao phong trào “Mùa xuân Ả Rập” không mang lại hiệu quả đồng đều ở các quốc gia và các phong trào diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi ngoài mục tiêu đảm bảo cho người dân có việc làm, điều kiện sống ổn định… còn có mục tiêu chính trị nào khác là phản đối chế độ độc tài, tham nhũng, mở rộng các quyền tự do, dân chủ cho người dân hay không?... Đối với những vấn đề ở cấp khu vực, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiềnnêu câu hỏi: Nên đánh giá như thế nào về sáng kiến của Tổng thống Ai Cập về liên minh giữa 4 nước lớn của khu vực là Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia để giải quyết vấn đề của Syria? Đối với những vấn đề ở cấp quốc tế, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hiền bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đánh giá của các đại biểu về sự can thiệp của Mỹ và các nước phương Tây vào tình hình khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Hội thảo đã thu hút được nhiều tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu trong nước và quốc tế, tập trung vào chia sẻ thông tin, phân tích, đánh giá và nhận định liên quan đến khu vực Trung Đông và Bắc Phi, những thay đổi nào đang diễn ra tại khu vực này, ý nghĩa của các phong trào Hồi giáo ở trong các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi hậu “Mùa xuân Ả Rập”, các mô hình nhà nước mà các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang theo đuổi và những tác động của những thay đổi về chính trị - xã hội của khu vực này… sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào xét từ tầm nhìn toàn khu vực.
Phạm Vĩnh Hà