Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh Nghệ An; TS. Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; cùng 140 đại biểu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế; Đại học Khoa học Huế; Đại học Vinh; Đại học Hồng Đức và các sở, ngành ở 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung.
Khu vực Bắc miền Trung là vùng đất có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử, về điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội. Các tỉnh này có một hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên phong phú, đa dạng. Nhiều di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, như quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ… một số di sản được công nhận là Di sản cấp Quốc gia đặc biệt như: Khu Lưu niệm Nguyễn Du, Di tích lịch sử và kiến trúc Nghệ thuật Lam Kinh… và nhiều di sản cấp quốc gia khác.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Hội thảo nhằm mục đích tìm hiểu, đánh giá thực trạng và khẳng định hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên khu vực Bắc miền Trung, từ đó đề xuất với các cơ quan Trung ương có liên quan và các địa phương trong vùng về các giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên khu vực Bắc miền Trung; tạo tiền đề cho việc liên kết các địa phương trong vùng và liên kết giữa vùng Bắc miền Trung với các địa phương trong cả nước nhằm phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cảnh quan, du lịch nghỉ dưỡng và quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam qua góc nhìn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên khu vực Bắc miền Trung. Đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần vào việc phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta hiện nay. Hội thảo đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, thể hiện là mặc dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 60 báo cáo tham luận.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, thay mặt cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An, TS. Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nêu rõ: khu vực Bắc miền Trung là vùng địa linh, nhân kiệt, có bề dày về lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ nhiều di sản về văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu cho sự nghiệp đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc. Trong những năm qua, các tỉnh Bắc miền Trung đã có những chủ trương, chính sách năng động, kịp thời trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Chính vì vậy, nơi đây đã có nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong báo cáo đề dẫn hội thảo khẳng định: không chỉ giàu về di sản văn hóa, khu vực Bắc miền Trung còn phong phú về di sản thiên nhiên, đây là một vùng đất đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, bao gồm vùng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven biển. Nhận rõ ưu thế về các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên trong quá trình phát triển, trong những năm qua các địa phương trong khu vực này đã có nhiều cố gắng và có những biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy các giá trị ấy nhằm góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, nâng cao đời sống người dân cả về vật chất và tinh thần.
Trong tham luận “Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng ở Nghệ An”, TS. Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: Văn hóa xứ Nghệ đã có bề dày phát triển lịch sử bền vững mang một diện mạo, bản sắc riêng độc đáo không trộn lẫn với các tiểu vùng văn hóa khác. Tác giả đã nêu rõ thực trạng và các giải pháp nhằm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng ở Nghệ An.
Ngoài phiên khai mạc và phiên bế mạc, Hội thảo được chia làm 2 phiên, phiên thứ nhất: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên; phiên thứ hai: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các báo cáo tham luận đi sâu vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Thực trạng hệ thống Di sản văn hóa và di sản nhiên nhiên Bắc miền Trung: Tính thống nhất và những sắc thái riêng.
2. Việc bảo tồn Di sản ở các địa phương thuộc khu vực Bắc miền Trung.
3. Các giá trị văn hóa và kinh tế của các di sản Bắc miền Trung và việc phát huy giá trị nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước nâng cao đời sống người dân.
4. Các vấn đề về lễ hội dân gian, phong tục tập quán, các hình thức diễn xướng, văn hóa ẩm thực, văn hóa gia đình và dòng họ… ở khu vực Bắc miền Trung: giá trị và phương thức phát huy.
5. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử và văn hóa ở khu vực Bắc miền Trung.
6. Sự liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên khu vực Bắc miền Trung.
Trong báo cáo tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Cường nhấn mạnh: các ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm nổi bật tính đa dạng và độc đáo của hệ sinh thái Bắc miền Trung, những giá trị văn hóa đặc biệt của khu vực Bắc miền Trung như văn hóa dòng họ (dòng họ có truyền thống hiếu học, khoa bảng, đỗ đạt trong hàng thế kỷ), âm nhạc với các điệu hò sông Mã, hát dân ca ví dặm, hò mái nhì mái đẩy, và nhã nhạc Cung đình Huế hay lễ hội dân gian… Từ việc khảo sát thực trạng các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, các tham luận đã đưa ra nhận xét về thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị này trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên và di sản văn hóa dựa vào Luật Di sản, kết hợp hài hòa giữa yêu cầu của bảo tồn với phát triển, cần dựa vào người dân trong việc thực hiện công việc bảo tồn trên cơ sở quan tâm thật sự đến lợi ích chính đáng của người dân mới động viên được họ tham gia vào công tác này, phải trang bị cho người dân và cả những người được trao nhiệm vụ bảo tồn các kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn, phải kết hợp giữa các quy định về bảo tồn với kiểm tra, thanh tra thường xuyên. Trong công tác bảo tồn cần giải quyết việc phát huy các giá trị thiên nhiên, giá trị văn hóa với các lợi ích kinh tế, khai thác các giá trị ấy nhằm phục vụ và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân và giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nhưng không phải bằng mọi giá, mà phải bảo đảm được việc bảo tồn lâu dài các di sản của đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Một nội dung rất quan trọng đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đặt ra trong Hội thảo, đó là vấn đề liên kết vùng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng Bắc miền Trung. Báo cáo tổng kết Hội thảo cũng chỉ ra những yêu cầu và thách thức đặt ra đối với vấn đề này mà để giải quyết được cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách.
Thay mặt hai cơ quan đồng chủ trì Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu cám ơn sự tham gia Hội thảo của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sự quan tâm, hưởng ứng của các đại biểu cho thấy việc lựa chọn chủ đề Hội thảo là đúng đắn. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng, đây là chủ đề hết sức rộng, cần phải tiếp tục thảo luận ở các vấn đề riêng biệt, chuyên sâu, từ đó mới tạo ra sự liên kết vùng thực sự. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm đã khẳng định, bên cạnh những thành công, 6 tỉnh Bắc miền Trung còn nhiều việc phải làm, trong đó cần chú ý vai trò quản lý nhà nước để xây dựng các chính sách và giải pháp phù hợp. Giáo sư cũng nhấn mạnh đến yêu cầu sự liên kết vùng, chẳng những trong nội vùng Bắc miền Trung mà còn với miền Bắc, miền Trung, miền Nam, và rộng hơn là với khu vực Đông Nam Á và Tiểu vùng sông Mêkông. Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, sau Hội thảo, Ban Tổ chức cần có báo cáo kiến nghị cụ thể về quản lý nhà nước, về phát huy cộng đồng, về vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà trong đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được chú trọng hơn nữa.
Cũng trong chương trình Hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham quan Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An./.
Nguyễn Thu Hà