Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thông qua tăng trưởng xanh ở Lào, Campuchia và Việt Nam”

12:00 29/10/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 29/10/2013, tại huyện Thakhek, tỉnh Khăm Muộn, Lào, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào (LASS), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI) và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thông qua tăng trưởng xanh ở Lào, Campuchia và Việt Nam”.

Chủ tọa hội thảo

 

Tham dự hội thảo, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Về phía Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia có: TS. Khrốt Thị Đa, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; GS.TS. Chăn Sổm Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.

Về phía Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào có: PGS.TS. Thong Sa Lít Măng No Mệk, Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; TS. Khăm Phon Bun Nạ Đi, Phó Chủ tịch Viện; TS. Sỉ La Mun Tha La Vông, Phó Chủ tịch Viện; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào. Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, Ngành của Lào. Về phía tỉnh Khăm Muộn có sự tham dự của Ông Khăm Bay Đăm Lắt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn.

Về phía Hàn Quốc có TS. Byung-Wook Lee, Chủ tịch Viện Môi trường Hàn Quốc; Ông Joo Sueb Lee, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam và Campuchia, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu; các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Viện Môi trường Hàn Quốc, Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc. Ngoài ra còn có hai diễn giả khách mời là TS. Jenny Gronwall, Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI, Thụy Điển), và Ông Anand Upadhyay, Viện Năng lượng và Tài nguyên (TERI, Ấn Độ).

Chủ trì phiên khai mạc hội thảo có: PGS.TS. Thong Sa Lít Măng No Mệk, Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Ông Khăm Bay Đăm Lắt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Khrốt Thị Đa, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; TS. Byung-Wook Lee, Chủ tịch Viện Môi trường Hàn Quốc; Ông Joo Sueb Lee, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam và Campuchia, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu.

Hội thảo đã nghe các bài phát biểu chào mừng của Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn. Phát biểu đề dẫn hội thảo,  TS. Byung-Wook Lee,  Chủ tịch Viện Môi trường Hàn Quốc nhấn mạnh: chủ đề hội thảo năm nay tập trung vào mối quan hệ giữa thực phẩm, nước và năng lượng đối với phát triển bền vững. Thông qua việc trình bày những kết quả nghiên cứu cập nhật nhất về các chủ đề liên quan đến sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, hội thảo sẽ thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp ở Lào, Campuchia và Việt Nam.

Ngoài 2 phiên khai mạc và bế mạc, hội thảo với 18 bài tham luận chia ra 4 phiên thảo luận:

Phiên toàn thể: Thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua phát triển bền vững ở tiểu vùng MêKông, do TS. Young Joon Lee, Viện Môi trường Hàn Quốc chủ trì, gồm 4 bài tham luận: 1) Xu thế tăng trưởng xanh toàn cầu  (Ông Joo Sueb Lee, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu trình bày); 2) Cơ hội và thách thức đối với phát triển bền vững ở Lào (Ông Feuangsy Laofung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị, LASS); 3) Nhân tố căn bản đằng sau những thách thức và cơ hội đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam (TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, VASS); 4) Tăng trưởng xanh đối với phát triển bền vững ở tiểu vùng MêKông (GS.TS. Eap Ponna, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, RAC).

Phiên thứ 1: Biện pháp chiến lược đối với tăng trưởng xanh bền vững ở tiểu vùng MêKông, do Ông Joo Sueb Lee, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu chủ trì, gồm 4 bài tham luận: 1) Cơ sở của mối quan hệ Nước – Năng lượng – Thực phẩm, nghiên cứu trường hợp và xu hướng (TS. Jenny Gronwall, Viện Nước quốc tế Stockholm); 2) Triển vọng và chính sách của Chính phủ Lào đối với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh (PGS.TS. Thong Sa Lít Măng No Mệk, Quyền Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào); 3) Tăng trưởng xanh bền vững ở Campuchia: chính sách, chiến lược và sự đa dạng ở cấp Trung ương và địa phương (TS. Nouth Sambath, Trưởng ban Ban Thực vật học và Sinh vật học, RAC); 4) Việt Nam tại đường giao giữa tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Phiên thứ 2: Mối quan hệ giữa nông nghiệp – nước – năng lượng trên nền tảng của phát triển kinh tế xanh, do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì, gồm 3 bài tham luận: 1) Vấn đề năng lượng đối với nền kinh tế xanh (Ông Anand Upadhyay, Viện Năng lượng và Tài nguyên); 2) Nước và nông nghiệp (TS. Mong Seang Ngim, RAC); 3) Ý tưởng hệ thống đối với nông nghiệp bền vững (TS. Seungjun Lee, KEI); 4) Sử dụng năng lượng trong khu vực nông nghiệp và nông thôn ở Hàn Quốc (TS. Si Hyun Park, Giám đốc khoa học, Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc); 5) Sử dụng nước từ đập thủy điện Numtern 2 cho trồng trọt nông nghiệp (Ông Sichad Boutsakitilath, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh doanh và Năng lượng, Bộ Năng lượng và Mỏ, Lào).

Phiên thứ 3: Tác động của phát triển kinh tế xã hội và môi trường đến nông nghiệp xanh, do TS. Chăn Sổm Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia chủ trì, gồm 5 bài tham luận: 1) Khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam (TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, VASS); 2) Đô thị hóa nông thôn và rào cản sự phục hồi của chất lượng môi trường xã hội (GS. Dongsoon Lim, Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc); 3) Vấn đề luật môi trường trong hoạt động nông nghiệp (TS. Sangyun Lee, KEI); 4) Nông nghiệp hữu cơ như triển vọng đối với phát triển nông nghiệp bền vững, và một bước tiến đối với tăng trưởng xanh (TS. Vanthong Pengvichith, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Lâm nghiệp Quốc gia, Lào); 5) Chia sẻ kinh nghiệm tăng trưởng xanh (Bà Sangjung Ha, GGGI).

Thông qua các bài tham luận, các ý kiến thảo luận, chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về thực trạng tiến trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, nền kinh tế xanh trong chiến lược phát triển bền vững ở Lào, Campuchia và Việt Nam, về vấn đề khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước và năng lượng trong mối quan hệ giữa thực phẩm – nước – năng lượng ở mỗi nước, cũng như kinh nghiệm của Hàn Quốc, Thụy Điển, Ấn Độ trong các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh, trong xử lý mối quan hệ thực phẩm – nước – năng lượng trong phát triển nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững. Các đại biểu đã đề xuất nhiều chủ đề chương trình, dự án nghiên cứu chung giữa các viện khoa học xã hội ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam với Viện Môi trường Hàn Quốc, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, cũng như với các tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc, của khu vực và của quốc tế quan tâm đến những vấn đề chung của tiểu vùng MêKông./.

 

TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác