GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
|
|
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đại biểu đến từ các ban chức năng và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, các trường đại học trên địa bàn thủ đô Hà Nội; các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Về phía khách quốc tế có các đại biểu đến từ Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc và Đài Loan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội, có vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ trong sự phát triển và hạnh phúc của cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình là nhân tố đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 1994, năm “Quốc tế về Gia đình”, các hoạt động nghiên cứu về gia đình ở Việt Nam đã được đẩy mạnh. Cùng với các tổ chức nghiên cứu khác của đất nước, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cơ quan nghiên cứu quốc gia chuyên ngành đầu tiên và là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu về vấn đề này ở Việt Nam hiện nay đã tiến hành nhiều nghiên cứu ở các quy mô và phạm vi khác nhau về gia đình. Kết quả của các nghiên cứu này đã góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề mới xuất hiện của gia đình, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới: xu hướng giảm quy mô gia đình; tăng độ tuổi kết hôn; thay đổi mô hình lựa chọn hôn nhân; tăng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi; thay đổi các cách thức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong môi trường gia đình; xuất hiện ngày càng nhiều những hình thức gia đình mới; thay đổi mô hình phân công lao động, quan hệ quyền lực trong gia đình Việt Nam ở các vùng miền khác nhau; sự đa dạng của các hành vi bạo lực gia đình và vai trò quan trọng của Nhà nước, các tổ chức xã hội, gia đình trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, v.v… Các kết quả nghiên cứu đó là cơ sở để hình thành nên những luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật, các nghị định, các chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong việc bảo đảm hạnh phúc và phát triển cho các thành viên gia đình cũng như cho sự ổn định và phát triển xã hội.
Đảng và Nhà nước Việt Nam ý thức sâu sắc tầm quan trọng và vị trí của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và đã ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách và triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Tuy nhiên, hoạt động triển khai và thực thi chính sách gia đình vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và gặp không ít khó khăn. Việt Nam chỉ mới bước vào thời kỳ đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực đã chuyển sang thời kỳ hậu hiện đại hóa. Trong các quá trình đó, thiết chế gia đình ở mỗi nước, mỗi giai đoạn phát triển cũng không ngừng thay đổi. Tuy nhiên, cho dù diễn ra trong những bối cảnh khác nhau, sự biến đổi của gia đình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ có nhiều điểm chung, nhiều đặc trưng mang tính phổ quát.
Một số vấn đề nghiên cứu cần đặt ra là: (1) Liệu có phải những gì đang diễn ra đối với gia đình ở các nước phát triển sẽ là hình ảnh tương lai của gia đình Việt Nam nhìn từ góc độ lý thuyết hiện đại hóa về gia đình? (2) Biến đổi gia đình Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại có những đặc thù gì so với các nước? (3) Liệu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có làm mất đi những giá trị mang bản sắc của gia đình Việt Nam? (4) Đâu là những giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế? Đây là những câu hỏi lớn đối với việc nghiên cứu gia đình Việt Nam hiện nay, việc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu gia đình từ những nước đi trước là đặc biệt cần thiết.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày tham luận tại Hội thảo
|
|
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các học giả quốc tế. Sự có mặt của các học giả quốc tế đến từ các nước phát triển cũng như đang phát triển, từ các nước và vùng lãnh thổ gần gũi trong khu vực Châu Á đến các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ sẽ là cơ hội để các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhận diện và phân tích làm rõ đặc điểm và xu hướng biến đổi gia đình Việt Nam trong quá trình Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng là cơ hội mở rộng sự hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài phiên họp chung, Hội thảo chia ra 4 phiên chuyên đề. Phiên họp chung do GS.TS. Trịnh Duy Luân, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS.TS. Emilko Ochiai, Đại học Kyoto, Nhật Bản chủ trì. Phiên này có 3 tham luận: “Gia đình Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra hiện nay” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới); “Biến đổi gia đình ở các xã hội phương Tây: Hướng đến bình đẳng giới ?” (GS.TS. Pfefferkorn Roland, Đại học Strasbourg, Pháp); “Phân hóa chức năng giáo dục gia đình trong quá trình biến đổi cấu trúc xã hội ở Việt Nam hiện nay” (GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).
Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Cấu trúc và chức năng gia đình” do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Phiên này có 4 tham luận: “Sự thay đổi về chức năng của gia đình nông thôn ven đô trong bối cảnh đô thị hóa ở Nam Bộ” (PGS.TS. Trần Thị Kim Xuyến, Đại học Bình Dương); “Những trở ngại đối với duy trì giống nòi: HIV, nguy cơ sinh sản, phân tầng về tái sinh sản và chất lượng dân số ở Hà Nội” (PGS.TS. Harriet Phirnay và đồng nghiệp, Đại học Seattle, Hoa Kỳ); Quan hệ cha mẹ - con cái vị thành niên ở Việt Nam hiện nay: mức độ gắn kết và vấn đề đặt ra” (ThS. Đặng Bích Thủy, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới); ”Một số vấn đề về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình hiện nay – trường hợp Hà Nội” (ThS. Lê Ngọc Lân, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới).
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
|
|
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Giá trị gia đình” do PGS.TS. Loes Schenk-Sandbergen, Đại học Amsterdam, Hà Lan và PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Phiên này có 4 tham luận: “Lựa chọn giới tính ở Việt Nam và Hàn Quốc: Nghiên cứu so sánh” (do PGS.TS. Ki-Soo Eun, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc); “ “Hạnh phúc” và “hạnh phúc gia đình” qua một số nghiên cứu trong và ngoài nước” (ThS. Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới); “So sánh thái độ đối với gia đình phi truyền thống ở Đông Á: chênh lệch tuổi vợ-chồng, chung sống không kết hôn và hôn nhân không con cái” (GS.TS. Chin Chu Yi, Học viện Khoa học xã hội Đài Loan và Yu Han Jao, Đại học Tây Bắc, Đài Loan); “Kết hôn sớm – Một vấn đề xã hội ở Việt Nam” (PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia).
Phiên thảo luận thứ ba với chủ đề “Tính đa dạng của gia đình” do PGS.TS. Ki-Soo Eun, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc và TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chủ trì. Phiên này có 5 tham luận: “Biến đổi cơ cấu gia đình đồng bằng Bắc Bộ và vấn đề đói nghèo” (PGS.TS. Vũ Tuấn Huy, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng); “Sự trao đổi liên thế hệ về chăm sóc và hỗ trợ: So sánh giữa gia đình Malaysia và Việt Nam” (TS. Jopei Tan, Đại học London Royal Holloway, Vương quốc Anh); “Quan hệ giới trong gia đình cư dân ven đô Thành phố Hồ Chí Minh” (TS. Nguyễn Thị Hồng Xoan và ThS. Trần Thị Anh Thư, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh); “Mở rộng giáo dục trình độ cao đối với phụ nữ và tác động đến giá trị cuộc sống gia đình ở các xã hội Châu Á: nghiên cứu so sánh dựa trên số liệu khảo sát ở Đông Á năm 2006 và Khảo sát gia đình ở Thái Lan và Việt Nam 2010” (GS.TS. Hachiro Iwai, Đại học Kyoto, Nhật Bản); “Một số đặc điểm gia đình dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển” (TS. Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới).
Phiên thảo luận thứ tư với chủ đề “Chính sách và hành động đối với sự phát triển Gia đình” do Bà Trần Tuyết Ánh, Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch và GS.TS. Pfefferkorn Roland, Đại học Strasbourg, Pháp chủ trì. Phiên này có 5 tham luận: “Gia đình và Nhà nước phúc lợi: Những thay đổi về xu hướng và thách thức trong chăm sóc người già và trẻ em ở Hà Lan” (PGS.TS. Loes Schenk-Sandbergen, Đại học Amsterdam, Hà Lan); “Vấn đề xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập đất nước” (GS. Lê Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới); “Dấu ấn chủ nghĩa xã hội trong các chính sách gia đình và giới” (GS.TS. Emilko Ochiai, Đại học Kyoto, Nhật Bản và TS. Trần Thị Minh Thi, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Gia đình trong một số văn kiện Liên hợp quốc về quyền con người” (Vũ Ngọc Bình, Viện Dân số Gia đình và Trẻ em); “An sinh gia đình tại nông thôn Nam Bô hiện nay” (ThS. Vũ Thị Thu Thanh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ).
Kết quả của Hội thảo đã góp phần đánh giá đầy đủ hơn những thành tựu và thách thức trong việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam từ khi đổi mới đến nay; phân tích đặc điểm và xu hướng biến đổi gia đình Việt Nam từ các chiều cạnh: cấu trúc, chức năng gia đình, các mối quan hệ gia đình và giá trị gia đình, đồng thời đề xuất những ý tưởng nghiên cứu gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở Việt Nam từ cách tiếp cận so sánh, góp phần nhận diện rõ hơn những xu hướng phát triển mới của gia đình Việt Nam và có đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện chính sách về gia đình. Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở dữ liệu đầu vào quan trọng cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì xây dựng đề án nghiên cứu luận cứ cho việc xây dựng gia đình Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế do Chính phủ giao./.
Nguyễn Thu Hà