Tham dự Diễn đàn, về phía tổ chức UNESCO có: Bà Angela Melo, Tổng thư ký Chương trình Quản lý biến đổi xã hội, Ủy ban Khoa học xã hội và Nhân văn, UNESCO; Bà Katherine Muller-Marin, đại diện thường trú của UNESCO tại Hà Nội. Về phía các đại biểu quốc tế từ các nước ASEAN có: Ngài Haji Mohd Rozan Dato Paduka Haji Mohd Yunos, Tổng Thư ký - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Brunei; Ngài Roslan Yacub, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Brunei tại Việt Nam; Bà Su Su Hlaing, Thứ trưởng Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar; GS. Suhasil Nazara, Trưởng ban Ủy ban Quốc gia về giảm nghèo, Indonesia; GS. Emil Salim, nguyên Bộ trưởng Bộ Môi trường, Indonesia; Ngài Jorge Trindade Neves De Camőes, Đại sứ Đông Timor tại Việt Nam; Bà Azra Firzadh Asangany, Tham tán Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có các đại biểu: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; TSKH. Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam; Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; cùng các chuyên gia, học giả quốc tế đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học của một số nước như Malaysia, Hà Lan, Anh, Ngân hàng phát triển Châu Á... và sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý thuộc Trung ương và Hà Nội; các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các trường đại học, các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức phi chính phủ khác....
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu Khai mạc Diễn đàn
|
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết: Diễn đàn “Tính dễ bị tổn thương xã hội: Những thách thức hòa nhập xã hội trong bối cảnh biến đổi môi trường” là một chủ đề mang tính nhân văn rất sâu sắc, đồng thời, cũng đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức thiết hiện nay về việc đảm bảo những quyền cơ bản của con người: quyền được sống trong an toàn, quyền được bảo vệ khi những hiểm họa do tác động của biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Bởi thời đại ngày nay, nhịp độ của các biến đổi trở nên nhanh, mạnh và phức tạp đến khó lường ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, biến đổi xã hội cũng diễn ra theo chiều hướng ngày càng đa dạng cần được quản lý trên cơ sở các kiến thức khoa học. Biến đổi xã hội do biến đổi khí hậu gây ra lại rất bất thường, khó dự báo, dẫn đến những những hậu quả xã hội khôn lường.
Các quốc gia ASEAN cũng là những nước nằm trong khu vực rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, bởi tỷ lệ lớn dân số và các hoạt động kinh tế tập trung ở ven biển; sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; phụ thuộc chặt chẽ vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên và rừng và mức độ đói nghèo cao. Vì vậy, sẽ có nhiều nhóm xã hội (dễ bị tổn thương) có thể bị rơi vào tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, vừa không được hưởng lợi một cách công bằng từ phát triển kinh tế, vừa bị tách rời khỏi cộng đồng xã hội về nhiều phương diện như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ hội tham gia, sự dân chủ, tiếng nói trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của các quốc gia, các chính phủ là phải thông qua các chính sách xã hội dài hạn và ngắn hạn của mình để khắc phục tình trạng này, tránh cho các nhóm dễ bị tổn thương khỏi nguy cơ bị loại trừ xã hội, thay vào đó, để họ được hòa nhập đầy đủ vào cộng đồng xã hội của mình.
Đảng và Chính phủ Việt Nam từ lâu đã theo đuổi những chính sách xã hội nhằm giảm thiểu sự phân hóa xã hội thông qua việc hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế và dễ bị tổn thương, thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của họ. Điển hình là những thành công to lớn trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận: sau gần 3 thập niên Đổi mới, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 9,64% năm 2012, và là một thành tựu quan trọng nhất trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của đất nước. Nhiều chính sách xã hội khác trong các lĩnh vực như lao động việc làm, giáo dục và y tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,… đều có những tác động tích cực đến các tầng lớp dân cư, trong đó các nhóm xã hội dễ bị tổn thương là một nhóm mục tiêu quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong đó có các chính sách bảo trợ xã hội đã kịp thời hỗ trợ hàng vạn gia đình và cá nhân, tạo điều kiện và cơ hội để họ không bị loại trừ và tiếp tục hòa nhập vào cộng đồng xã hội của mình.
Việt Nam đã xây dựng được các Chiến lược, Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhằm ứng phó, thích nghi và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, và đang được triển khai tại các địa phương, vùng miền, đặc biệt ở các cộng đồng địa phương dễ bị tổn thương. Sự tham gia của người dân và của các cộng đồng đã được khuyến khích và vận dụng trong các Chương trình này. Tuy nhiên, cần có nhiều hoạt động hợp tác, phối hợp hành động có hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các nhóm mục tiêu dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi môi trường hiện nay.
Các đại biểu quốc tế chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức Diễn đàn
|
|
Giáo sư Phó Chủ tịch khẳng định, để thực hiện được các mục tiêu chiến lược và nguyên tắc nói trên, không thể thiếu sự gắn kết giữa công tác hoạch định chính sách và các hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội. Các bộ môn khoa học xã hội Việt Nam vẫn thường xuyên triển khai các hoạt động nghiên cứu mang tính “định hướng chính sách”. Những kết quả nghiên cứu gần đây về các đặc điểm của biến đổi xã hội, của phân hóa xã hội và phân tầng xã hội, tập trung nghiên cứu các nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương trong bối cảnh của biến đổi khí hậu đã cung cấp các cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách xã hội, hướng tới mục tiêu tăng cường hòa nhập xã hội, giảm thiểu loại trừ xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hoạch định và thực thi chính sách cũng như trong mối liên kết chính sách và các nghiên cứu khoa học xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, khi đồng thời phải giải quyết nhiều vấn đề trong ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, lại phải tích cực chuẩn bị đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng theo hướng bất lợi cho cộng đồng xã hội.
Trong lĩnh vực này, các quốc gia thành viên ASEAN chắc chắn sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm thành công, nhiều cách tiếp cận thích hợp và có hiệu quả có thể và cần được chia sẻ, học tập lẫn nhau.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bà Angela Melo, Tổng thư ký Chương trình Quản lý biến đổi xã hội, Ủy ban Khoa học xã hội và Nhân văn, UNESCO, nhấn mạnh: “Diễn đàn này được tổ chức chứng tỏ Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, các học giả và các đối tác trong khu vực, nhằm giải quyết các thách thức về biến động xã hội do tác động của môi trường. Các cấp Chính phủ, các học giả và các tổ chức quốc tế cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, bởi điều mà chúng ta cần hiện nay là phải có chiến lược chung của quốc gia và cấp khu vực để đối phó với các biến động xã hội, đôi khi rất tiêu cực, nảy sinh do các vấn đề về môi trường. Theo bà Angela Melo, để giải quyết các thách thức về phát triển bền vững mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay cần những đóng góp trong các lĩnh vực khoa học xã hội.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn khuyến nghị, để hướng tới giải quyết tác động của biến đổi môi trường với sự hòa nhập xã hội của các cộng đồng, cần kịp thời đưa ra các chính sách và hành động, tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong tiểu khu vực, nhằm xây dựng một khung chính sách xã hội nhất quán và có sự phối hợp chặt chẽ cho khu vực. Đồng thời, các đại biểu cũng kêu gọi tăng cường vai trò của khoa học xã hội trong việc giải quyết các thách thức hòa nhập xã hội trong bối cảnh biến đổi môi trường. Chính phủ các nước ASEAN cần tăng cường chú ý và làm tốt hơn nữa việc tích hợp khía cạnh xã hội và đạo đức vào các chính sách môi trường cũng như các quy trình hoạch định chính sách và lập các kế hoạch liên quan.
Bên cạnh đó, cần bổ nhiệm hoặc chỉ định các nhà khoa học xã hội từ mọi phân ngành để thiết lập các ban cố vấn khoa học, hội đồng chuyên gia, các nhóm hoạt động với mục đích tham gia ý kiến và tư vấn trên các khía cạnh xã hội của biến đổi môi trường và chính sách phản ứng trước biến đổi đó.
Diễn đàn kết thúc với việc thông qua một tuyên bố chung, kêu gọi Chính phủ các quốc gia ASEAN xem xét lại các khung chính sách đã được thiết lập, nhằm hỗ trợ người dân đối phó tốt hơn trước các biến động về môi trường và thiên tai, tăng cường khả năng phối hợp cấp khu vực và tiểu khu vực để giảm thiểu rủi ro./.
Nguyễn Thu Hà