Tọa đàm khoa học Tổng kết 30 năm Đổi mới về "Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"

12:00 26/01/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 25/1/2014, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học Tổng kết 30 năm Đổi mới về "Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm nêu rõ: để đảm bảo cho Báo cáo Tổng kết 30 năm Đổi mới về vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đầy đủ, đi đúng và trúng vào các vấn đề, các thảo luận tại tọa đàm cần đi thẳng vào những vấn đề cụ thể; cần thống nhất quan điểm “bối cảnh” nghiên cứu được xác định là nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là luận giải, “gọi tên” một cách chính xác vấn đề cần bàn luận và tìm được các hướng giải quyết khả thi và phù hợp.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, trưởng nhóm nghiên cứu đã trình bày khái quát đề cương Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới về vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó trao đổi nhiều vấn đề nổi lên và cho rằng: nhận thức chính là nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại. Thay đổi nhận thức là thay đổi tư duy, là “chìa khóa” để thay đổi cách làm. Với 30 năm qua là khoảng thời gian chưa dài, song những bài học từ quá khứ đã cho thấy tư duy trong nhận thức của đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách còn nhiều điều chưa phù hợp. Điều đó dẫn đến nền kinh tế không có nhiều đột phá nổi bật trong 30 năm qua, nhất là chưa ý thức được rằng nền kinh tế thị trường chính là nền kinh tế mà ở đó doanh nghiệp tư nhân là lực lượng nòng cốt; vai trò của Nhà nước trong vấn đề định hướng được thực hiện chưa “tròn vai” và còn thiếu, yếu về lý luận.

Nhiều ý kiến cho rằng do chưa nhận thức được tầm quan trọng của nhân tài, chưa trọng dụng và có cơ chế phân bổ nguồn lực (đầu vào/đầu ra) phù hợp nên đã dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”... PGS.TSKH. Võ Đại Lược cho rằng: thực trạng tư duy coi tư bản chủ nghĩa là “đối đầu” với xã hội chủ nghĩa vẫn còn khá phổ biến. Cần thay đổi và nhìn nhận vấn đề theo chiều cạnh tích cực, có nghĩa là lấy lợi ích kinh tế là động lực thúc đẩy xã hội, không phân biệt đâu là tư duy của tư bản chủ nghĩa, đâu là tư duy của xã hội chủ nghĩa, khi ấy các chính sách, nghị quyết mới đi vào cuộc sống, trở thành cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển đúng hướng như nó “vốn có thể có”.

 

Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác