PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo |
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh: Hội thảo là một trong các hoạt động thuộc đề tài cấp Nhà nước KHCN-33.08/11-15 nhằm nghiên cứu tìm ra cơ sở pháp lý yêu cầu yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất của Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam. Hiện nay, vấn đề vẫn chưa tìm được hướng giải triệt để trong khi môi trường và con người Việt Nam vẫn đang ngày ngày phải đối mặt với nhiều hậu quả do chiến tranh mang lại. Phó giáo sư, Viện trưởng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ thảo luận thẳng vào các vấn đề cụ thể, tìm ra được cơ sở pháp lý phù hợp để tìm lại sự công bằng, đấu tranh cho những gì thuộc về quyền lợi của người Việt Nam do phải chịu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi về vấn đề cơ sở pháp lý của mối quan hệ nhân quả giữa chất da cam/dioxin đối với các loại bệnh phát sinh trên cơ thể các nạn nhân Việt Nam; thảo luận những vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm của các công ty hóa chất Hoa Kỳ, trách nhiệm pháp lý của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng chất diệt cỏ/vũ khí hóa học trong chiến tranh Việt Nam theo pháp luật quốc tế…
Theo PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): “Pháp luật của tất cả các nước, trong đó có pháp luật Hoa Kỳ về trách nhiệm đối với sản phẩm quy định trách nhiệm của nhà sản xuất phải ghi rõ lên nhãn mác hàng hóa tất cả các hợp chất, cách sử dụng an toàn, tác hại, hiệu ứng gặp phải khi sử dụng… Tuy nhiên các công ty hóa chất của Hoa Kỳ đã không thực hiện các quy định này đối với sản phẩm của họ khi họ bán cho quân đội Hoa Kỳ vào những năm 1961-1971 để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam dài ngày nhất, trên phạm vi rộng lớn chưa từng có trong lịch sử các cuộc chiến tranh hóa học trên thế giới. Điều này vi phạm không chỉ pháp luật Hoa Kỳ mà còn vi phạm những quy phạm và nguyên tác được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế. Trước hết là vi phạm Nghị định thư năm 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, độc trong chiến tranh và công ước Geneva năm 1949 về bảo hộ dân thường trong chiến tranh”.
|
TS. Trần Ngọc Tâm (Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam) cho rằng: Tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường, sinh thái và con người Việt Nam là thực tế khách quan không thể phủ nhận. Bằng chứng nhân quả giữa chất da cam/dioxin liên quan đến bệnh tật con người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin được các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội trên thế giới làm rõ ngày càng nhiều và đạt độ tin cậy cao.
Giáo sư Nông Văn Hải, Viện Công nghệ Gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu khi đưa vụ kiện này lên tòa án Mỹ. Tuy nhiên vẫn chưa đạt được các yêu cầu như mong muốn bởi lẽ các công trình nghiên cứu của Việt Nam về vấn đề này chưa được công bố quốc tế nên không được sử dụng. Bởi vậy, Việt Nam cần xem lại cơ chế công bố quốc tế cho các công trình khoa học.
Tổng kết Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Như Phát khẳng định, các ý kiến tham luận sẽ là những cứ liệu bổ sung thêm cho các quan điểm và hướng tiếp cận của đề tài và trở thành cơ sở lý luận quan trọng giúp đề tài cấp Nhà nước KHCN-33.08/11-15 triển khai các hướng nghiên cứu sâu hơn; qua đó góp phần tìm ra được cơ sở pháp lý khoa học trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất da cam/dioxin ở Việt Nam.
Phạm Vĩnh Hà