Tọa đàm khoa học: “Góp ý Báo cáo rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030”

12:00 21/04/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 19 tháng 4 năm 2014, tại Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đồng tổ chức tọa đàm khoa học: “Góp ý Báo cáo rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ông Bùi Văn Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chủ trì tọa đàm

 

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang. Tọa đàm chia làm 4 phiên. Phiên thứ nhất với chủ đề: “Các vấn đề kinh tế của tỉnh Bắc Giang trong mối liên hệ vùng và liên vùng” và phiên thứ hai: “Các giải pháp về cơ chế, chính sách, kinh tế, văn hóa, xã hội và định hướng phát triển tỉnh Bắc Giang tầm nhìn 2030”do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ông Bùi Văn Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì. Phiên thứ ba: “Các vấn đề văn hóa của tỉnh Bắc Giang” và phiên thứ tư: “Các vấn đề xã hội của tỉnh Bắc Giang” do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì.

Báo cáo rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Báo cáo) gồm 3 phần. Phần thứ nhất tập trung phân tích, đánh giá nguồn lực, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đến năm 2020. Trong phần này Báo cáo đề cập tới những nội dung: Phân tích, đánh giá nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2013; Vị trí kinh tế, xã hội Bắc Giang so với vùng trung du và miền núi phía bắc và cả nước; Tác động quốc tế, trong nước đến phát triển kinh tế- xã hội Bắc Giang thời kỳ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; Cơ hội, thách thức điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;  Nội dung cơ bản điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Tòa đàm

 

Phần thứ hai đề cập phương hướng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang và nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đến năm 2030. Phần này gồm các nội dung: Phương hướng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Bắc Giang đến năm 2020; Mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế- xã hội Bắc Giang đến năm 2020. 

Phần thứ ba là giải pháp chủ yếu thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong phần này Báo cáo đề cập tới các giải pháp: Vốn đầu tư; Cơ chế, chính sách và cải cách hành chính đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Giải pháp khoa học và công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Giải pháp phát triển nhân lực và chuyển lao động nông nghiệp sang ngành nghề khác; Giải pháp kết nối liên vùng để khai thác tiềm năng, lợi thế, hiệu quả bền vững; Tổ chức thực hiện, rà soát, bổ sung quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý cho Báo cáo từ các tham luận là: “Một số vấn đề về kinh tế của tỉnh Bắc Giang và định hướng phát triển” (PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Góp ý cho Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang, một số vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn” (TS. Vũ Quốc Huy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Góp ý cho Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang” (TS. Lê Anh Vũ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang trong mối liên hệ vùng” (Ông Phạm Văn Hùng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang); “Định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang trong mối liên hệ vùng” (Ông  Vũ Đình Phượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang); “Các giải pháp và định hướng phát triển tỉnh Bắc Giang” (PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Các vấn đề cơ chế chính sách và giải pháp phát triển” (TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Một số thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang” (PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Về định hướng phát triển giao thông vận tải trong mối liên hệ vùng” (Ông Nguyễn Việt Oanh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang); “Nhận xét Báo cáo rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Về Báo cáo kinh tế-xã hội và các vấn đề văn hóa của tỉnh Bắc Giang” (PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Góp ý cho Báo cáo rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (PGS.TS. Trần Thị An, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam);“Nhận xét Báo cáo rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (TS. Phí Vĩnh Tường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Phương hướng phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang” (Ông Nguyễn Thế Chính, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang); “Một số góp ý cho Báo cáo rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (TS. Trần Thị Minh Thi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Góp ý cho Báo cáo phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Một số góp ý cho Báo cáo rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang” (ThS. Lê Văn Hùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Kết luận buổi Tọa đàm, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Qua các ý kiến của các đại biểu, có thể nhận thấy, có hai cách tiếp cận để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang, cách thứ nhất như Báo cáo của tỉnh Bắc Giang, xây dựng quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2030. Cách tiếp cận thứ hai là: Cân nhắc xây dựng quy hoạch tổng thể theo cách tiếp cận mới toàn diện và tổng thể hơn với chiến lược phát triển bền vững, có một tầm nhìn dài hơn đến 2050. Trong mục tiêu phát triển kinh tế và thu nhập, đặc biệt là mục tiêu phát triển con người – là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Quy hoạch cần dựa trên lợi ích và mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng của người dân chứ không từ quan điểm của nhà lãnh đạo, quản lý bởi đó chính là sự quy hoạch đi vào cuộc sống. Theo Giáo sư Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, quy hoạch phải làm sáng tỏ được bối cảnh, đặc điểm, đặc thù của Bắc Giang là khu vực chuyển tiếp, đặc thù về văn hóa - đó chính là nguồn lực của Bắc Giang, đánh giá được nguồn lực vốn có của Bắc Giang, nhất là nguồn lực phi vật chất. Khái quát mô hình phát triển của Bắc Giang phải tổng hợp toàn diện các lĩnh vực, không chỉ có kinh tế mà có cả văn hóa, xã hội, giáo dục…

Tiếp lời GS.TS. Võ Khánh Vinh, Ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh: Với tính chất chia sẻ, động viên thẳng thắn, những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại Tọa đàm là hết sức quan trọng;  không chỉ góp phần làm rõ hơn những nội dung cần rà soát mà còn giúp cho Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có sự thay đổi trong chỉ đạo thực hiện, có nhận thức mới hơn trong cách tiếp cận, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội; có cái nhìn rõ hơn về thực trạng, cơ hội và thách thức của Bắc Giang trong phát triển. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu giúp cho Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có cơ hội nhìn nhận và đánh giá lại, từ đó chắt lọc, tiếp nhận, bổ sung để làm cho Quy hoạch được tốt hơn nhằm phát triển toàn diện tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới./.

 

Nguyễn Thu Hà

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác