GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo
|
|
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại học Quốc gia Hà Nội; một số trường đại học, Bộ, Ngành ở Hà Nội; Đại diện Lãnh đạo các địa phương thuộc 8 tỉnh vùng Bắc Bộ…
Hội thảo là một trong các hoạt động của Đề tài cấp Nhà nước “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm người nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam và đề xuất các giải pháp giảm thiểu” mã số BĐKH-21 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu mã số (KHCN-BĐKH/11-15) của Bộ Tài nguyên và Môi trường do TS. Lương Thị Thu Hằng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Phát triển bền vững Vùng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng làm chủ nhiệm.
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, đều nhấn mạnh tầm quan trọng và đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu, đề tài nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) được Đảng và Nhà nước quan tâm. BĐKH tác động đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong năm nước bị tác động nhiều nhất, nó làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là nhóm người nghèo. Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Đánh giá tác động của BĐKH đến nhóm nghèo vùng Bắc Bộ, các mô hình sinh kế thích ứng; (2) Đưa ra công cụ, phương pháp đánh giá tác động của BĐKH; (3) Thách thức trong xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH nói chung và nhóm người nghèo nói riêng.
TS. Lương Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm đề tài trình bày
Báo cáo tại Hội thảo
|
|
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Lương Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm đề tài trình bày khái quát mục tiêu, nội dung của Đề tài hướng tới đánh giá tác động trực tiếp, gián tiếp của BĐKH đến nhóm người nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam theo phương pháp nghiên cứu trường hợp tại 08 tỉnh với 4.000 phiếu khảo sát hộ và 1.020 mẫu phỏng vấn nhóm và cá nhân. Qua cách tiếp cận liên ngành, vùng, cộng đồng và nhóm xã hội, Đề tài nghiên cứu đánh giá các trường hợp điển hình, đại diện về thực trạng tác động và chịu ảnh hưởng của BĐKH đến nhóm người nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam. Qua đó, đề xuất những giải pháp (thể chế, chính sách, nguồn lực, công nghệ…) nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH đến nhóm nghèo và góp phần giảm nghèo bền vững vùng Bắc Bộ.
Hội thảo được nghe các tham luận: “Giới thiệu hệ bản đồ nhóm nghèo vùng Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” do ThS. Võ Trọng Hoàng (Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trình bày. Báo cáo chủ yếu đưa ra bản đồ, atlat địa lý về các chỉ số: rủi ro, tổn thương, nghèo đa chiều của các tỉnh ở vùng Bắc Bộ (Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Lào Cai).
Tham luận “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế nhóm nghèo vùng Bắc Bộ: Kết quả từ số liệu nghiên cứu 08 tỉnh” - bằng phương pháp thống kê mô tả, NCS. Chu Minh Hội (Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm) chỉ rõ bức tranh tổng thể biến đổi khí hậu tác động tới sinh kế của nhóm người nghèo vùng Bắc Bộ và đánh giá chung về mức độ ảnh hưởng của BĐKH đến đất canh tác, nhà ở phân bổ theo hoạt động sinh kế và 4 tiểu vùng (ven biển - hải đảo, đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc).
Trong các tham luận “Mô hình sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu của nhóm nghèo vùng Bắc Bộ Việt Nam”, TS. Bùi Thế Anh (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) và “Mô hình sinh kế ứng phó với BĐKH cho cư dân ven biển Hải Phòng” TS. Nguyễn Văn Thành (Văn phòng Trung ương Đảng) đã dựa vào kết quả nghiên cứu đặc điểm riêng về khí tượng thủy văn và đo lường chỉ số dễ bị tổn thương từng vùng, đưa ra mô hình sinh kế: nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển phía Bắc; trồng hoa kết hợp nuôi ghép cá truyền thống ở trung du miền núi phía Bắc (Phú Thọ); nêu giải pháp tiếp cận, ứng phó với BĐKH (nước biển dâng) giúp cộng đồng dân cư thích ứng với BĐKH.
|
Với tham luận “Giới thiệu bộ tài liệu hướng dẫn Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm nghèo”, PGS.TS. Mai Trọng Thông (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cung cấp cơ sở lý luận, khái niệm cơ bản và phương pháp luận, cách tiếp cận, đánh giá tác động BĐKH đến nhóm cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng và phương pháp thu thập thông tin định tính, định lượng. Việc lồng ghép vấn đề BĐKH vào chương trình kế hoạch phát triển ở một số lĩnh vực (tài nguyên nước; y tế - sức khỏe cộng đồng; phòng chống thiên tai, bão, lụt…) đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro do BĐKH gây ra.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Lê Anh Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu thông qua các kết quả khảo sát thực địa, từng bước xây dựng phương pháp tiếp cận. Những ý kiến, phản biện, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là thông tin quý giá giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện kết quả nghiên cứu.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi sôi nổi của giới học giả và các nhà quản lý, từ các góc độ tiếp cận khác nhau nhưng đã góp phần giúp nhóm nghiên cứu tham khảo, chọn lọc cho việc hoàn thiện các kết quả nghiên cứu của đề tài, qua đó đề xuất các chính sách nhằm tăng cường khả năng thích ứng, kỹ năng phòng tránh rủi ro, thiên tai và nâng cao nhận thức về BĐKH của cộng đồng, đóng góp hữu ích vào chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH trong thời gian tới./.
Thu Hà - Thu Trang