Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà khoa học Việt Nam, Italia, Tây Ban Nha đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học; cùng đại biểu đến từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, ngành và các cơ quan điều phối Dự án, đại diện Đại sứ Italia tại Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Dự án “Tăng cường quyền của công nhân và đại diện của công đoàn” do Liên minh Châu Âu tài trợ và trường Đại học Naples I’Orientale (Italia) là cơ quan điều phối. Dự án được thực hiện từ 10/2012 đến 4/2015 trong đó thời gian nghiên cứu từ 12/2013 đến 10/2014 với phương pháp nghiên cứu kết hợp định tính (350 phỏng vấn sâu) và định lượng (1035 bảng hỏi). Mục tiêu của Dự án là nhằm tăng cường năng lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc giám sát và tìm hiểu hoàn cảnh của công nhân thông qua hoạt động nghiên cứu đồng thời tăng cường tư vấn thông tin về pháp luật và quyền của công nhân tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương.
Hội thảo được chia làm 2 phiên với 3 tham luận, tập trung trình bày một số vấn đề chính như sau:
Trong phiên 1, ThS. Đỗ Tá Khánh, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS; TS. Vũ Minh Tiến, Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn trình bày những kết quả nghiên cứu về công nhân công nghiệp trong các khu công nghiệp tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương và công tác tư vấn pháp luật (ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động; chế độ BHXH, BHYT, thai sản; an toàn vệ sinh lao động; định mức lao động và tiền lương, thưởng, làm thêm giờ….). Theo đó có 8 phát hiện chính về đời sống và việc làm của công nhân ở các khu công nghiệp, đó là: Thế hệ công nhân trẻ; Công nhân nữ và hình thức lao động giản đơn; Việc làm bấp bênh tạm thời, điều kiện làm việc nặng nhọc và tính dễ tổn thương cao; Di cư theo chu trình - từ nông thôn đến các vùng cận đô thị và ngược lại; Các mạng lưới phi chính thức - nguồn hỗ trợ chính đối với công nhân (về thông tin việc làm, chỗ ở); Vai trò công đoàn cơ sở và doanh nghiệp; Dự định tương lai làm việc lâu dài của công nhân ở doanh nghiệp.
|
Phiên 2, TS. Michela Cerimele, Đại học Naples I’Orientale (Italia) phân tích một số hậu quả đối với đời sống và việc làm của công nhân do chế độ lao động thuần túy (lương, hợp đồng, tái sản xuất sức lao động) dựa trên chế độ tư bản và sự bảo vệ quyền lợi của công nhân còn yếu kém gây ra; Nhận diện những vấn đề nhạy cảm trong các phát hiện của dự án (tính linh hoạt và dễ bị tổn thương, tính bấp bênh, nghèo và di cư); Đề xuất chính sách từ kết quả nghiên cứu của Dự án, tăng cường vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu chính của Tổng Liên đoàn trong các hoạt động: (1) Tự chủ tiến hành nghiên cứu xã hội phục vụ hoạch định chính sách; (2) Củng cố quan hệ lao động; (3) Định hướng chính sách công nghiệp và giảm nghèo.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham luận, phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu đã đánh giá cao các tham luận và cho rằng những báo cáo của Dự án sẽ gợi mở thêm nhiều lĩnh vực cần hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với đối tác chiến lược Liên minh Châu Âu thời gian tới.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp và đưa ra nhận định rằng Dự án “Tăng cường quyền của công nhân và đại diện của công đoàn” của Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu sẽ mở ra nhiều triển vọng hợp tác nghiên cứu khoa học nhằm cải cách thể chế, năng lực quản lý chính sách liên quan đến công nhân và nâng cao vị thế Công đoàn Việt Nam, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay./.
Nguyễn Thu Trang