Hội thảo quốc tế “Tư tưởng các nước Đông Á thế kỷ XIX”

17:00 21/04/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 22 tháng 4 năm 2015, tại Hội trường tầng 6, trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tư tưởng các nước Đông Á thế kỷ XIX”.
PGS.TS. Lê Thị Lan, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo là một trong những hoạt động của đề tài nghiên cứu “Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” do PGS.TS. Lê Thị Lan, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH làm chủ nhiệm và được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học quốc tế đến từ Hàn Quốc: GS. Kim Sea Jeong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nho học Hàn Quốc; TS. Jung Suhwan, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học; TS. Kim Seong Beom, Đại học Quốc gia Chon Nam. Về phía Việt Nam có các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Thế giới đã bước sang thế kỷ XXI gần 2 thập kỷ với rất nhiều biến động, cuộc cách mạng công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đã đem lại một diện mạo hoàn toàn mới cho sự phát triển của thế giới. Văn minh nhân loại đã tiến những bước vượt bậc so với những thế kỷ trước, tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn nạn nhân sinh do xung đột lợi ích, xã hội, tôn giáo, dân tộc, môi trường… như cách đây hơn một thế kỷ, khi làn sóng chủ nghĩa tư bản phương Tây tràn sang phương Đông kiếm tìm thuộc địa, thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung cấp nguyên, nhiên liệu.  

Các nước Đông Á trong ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo đều có những bước phát triển tư tưởng khá tương đồng và việc so sánh sự vận động, phát triển tư tưởng của các nước này trong giai đoạn thế kỷ XIX là rất thú vị và đem lại nhiều nhận thức chung có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng mỗi nước và cho cả khu vực. Đồng thời, sự trao đổi, so sánh nền học thuật, tư tưởng các nước Đông Á giai đoạn này cũng sẽ cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm và gợi ý cho học giả mỗi nước có cái nhìn sáng tỏ hơn về sự vận động, phát triển tư tưởng của dân tộc mình cũng như xác định xu hướng nghiên cứu tư tưởng hiện tại hữu dụng hơn.

Ban tổ chức đã nhận được 3 tham luận của các học giả Hàn Quốc và 11 tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước, trong đó có 4 bài về tư tưởng Việt Nam, 2 bài về tư tưởng Nhật Bản và 1 bài về tư tưởng Trung Quốc. Trong hai phiên của Hội thảo, có 6 tham luận được trình bày, tập trung vào các vấn đề như: Nho học Hàn Quốc, một số biến đổi của Phật giáo Nhật Bản từ Minh Trị Duy Tân, tình trạng thống nhất và phân ly trong xã hội Hàn Quốc thế kỷ XIX, một số đặc trưng của tư tưởng triết học Việt Nam thế kỷ XIX, ảnh hưởng của Nho giáo đến sách lược ngoại giao, quân sự các thời trước và ý nghĩa đối với hiện nay…

Toàn cảnh Hội thảo  

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các tham luận về tư tưởng Hàn Quốc đều xoay quanh những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống tư tưởng như thực trạng sưu tầm, nghiên cứu tư liệu cổ văn của Hàn Quốc, việc nhận thức và giải quyết vấn đề môi trường, sinh thái qua các học giả Nho giáo Hàn Quốc từ thế kỷ XVI-XX và đến nay. Các tham luận về tư tưởng Việt Nam cho thấy sự tương đồng rõ rệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc về mức độ quan tâm tới các vấn đề tư tưởng trọng tâm của thế kỷ XIX. Đó là các vấn đề phát triển Nho giáo theo hướng chính trị - xã hội trong xây dựng đất nước, đó là vấn đề giải quyết các mối quan hệ truyền thống – hiện đại lấy chủ nghĩa dân tộc làm trụ cột. Trong tất cả các nước Đông Á chỉ có Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở thế kỷ XIX đã thành công khi giải bài toán mối quan hệ truyền thống – hiện đại phục vụ xây dựng và phát triển dân tộc.

Các tham luận được trình bày tại Hội thảo không chỉ đem lại những hiểu biết đầy đủ hơn, phong phú hơn, thuyết phục hơn về các vấn đề tư tưởng chung và riêng mà các nước Đông Á đã trải qua trong thế kỷ XIX, mà hơn nữa, còn đem lại những gợi ý và bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc cho nhận thức về quá trình vận động, phát triển tư tưởng hiện đại của mỗi nước trong sự giao lưu, liên đới với bối cảnh vận động, phát triển lịch sử chung, đặc biệt là trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập thế giới sâu rộng hiện nay. Thành công của Hội thảo không chỉ dừng ở những kết quả nghiên cứu được công bố mà còn góp phần mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học Hàn Quốc và Viện Thông tin KHXH./.

Nguyễn Thu Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác