Phát biểu của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du (Hà Nội, ngày 8-8-2015)

17:00 12/08/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Kính thưa đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,

Kính thưa đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành ở Trung ương, các địa phương và tỉnh Hà Tĩnh.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam,

Thưa tất cả các bạn,

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chí đại diện lãnh đạo các, Ban, Bộ, ngành của Trung ương, các địa phương và tỉnh Hà Tĩnh, các nhà khoa học, các vị khách quý đã về họp mặt tại thủ đô Hà Nội để tham dự Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1765-2015), tác giả kiệt tác Truyện Kiều và nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng khác.

Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 16/9/1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), sinh ở kinh thành Thăng Long và lớn lên giữa một thời tao loạn, chứng kiến biết bao cuộc đổi thay. Ngay chính gia đình ông cũng là cả một tấn bi kịch với những sự phân hóa quyết liệt, người mang tâm sự hoài Lê, người nhập cuộc với Tây Sơn, có người chống đối hoặc theo về với nhà Nguyễn. Bản thân ông cũng bị xô đẩy, vừa mới được giữ một chức quan nhỏ dưới thời Lê mạt thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên và buộc phải làm cánh bèo trôi dạt, khi ở quê vợ Thái Bình, khi về lại núi Hồng sông Lam. Đến ngày ra làm quan với tân chúa nhà Nguyễn và được trọng dùng thì tuổi đã sang chiều… Ở chặng đường tiếp nối hai thế kỷ, thơ Nguyễn Du là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn, đồng hành với những thăng trầm lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, có cả thơ chữ Hán và thơ tiếng Việt (chữ Nôm), có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Với 55 năm trên cõi đời, Nguyễn Du đã để lại di sản thi ca đồ sộ với những bài ca đối đáp đậm chất phiêu du của một thời tuổi trẻ (Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu); với ba tập thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục), tổng cộng 250 bài; với Văn tế thập loại chúng sinh sâu thẳm tình người và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng khắp thế giới.

            Thưa các vị khách quý, các nhà khoa học và các bạn,

Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định được vị trí số một của mình trong nền văn học dân tộc Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới.

Trên thực tế, ngay từ cuối thế kỷ XIX, vào năm 1884-1885, Truyện Kiều đã được Abel des Michel dịch ra tiếng Pháp. Cho đến nay đã có tới trên ba mươi bản dịch Truyện Kiều ra hơn hai mươi thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Nhật, Trung, Nga, Hàn Quốc, Hunggari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan, Ả Rập, Đức, Bungari, Rumani, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Lào, Thái Lan... Có thể nói, trên phương diện văn bản, Truyện Kiều đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng phổ cập nhất và đã đến được với đông đảo công chúng bạn đọc ở tất cả các nền văn hóa lớn trên toàn thế giới. Sở dĩ Truyện Kiều có được sức sống mãnh liệt và khả năng lan tỏa sâu rộng như vậy bởi chính những giá trị tự thân của tác phẩm về nội dung nhân đạo và nghệ thuật sáng tạo thi ca bậc thầy của Nguyễn Du. Năng lượng câu thơ Truyện Kiều thật vô cùng vô tận. Càng đi sâu khám phá Truyện Kiều người ta càng phát hiện thêm những chiều kích văn hóa mới và càng thêm khâm phục, yêu mến Nguyễn Du. Trên tất cả, thi hào Nguyễn Du đã cất lên tiếng nói nhân văn cao cả về thân phận con người, niềm cảm thông sâu sắc với mọi kiếp chúng sinh thuộc mọi thời đại, ở khắp mọi chân trời góc biển: Trăm năm trong cõi người ta...

Việc dịch thơ ca nói chung, Truyện Kiều nói riêng, quả thật là thiên nan vạn nan. Biết bao thế hệ các nhà Việt học, các học giả và thi nhân đã dụng công tìm hiểu, thâm nhập Truyện Kiều và tìm cách chuyển tải thi phẩm sang một ngôn ngữ mới. Trên đường hội nhập, dù rằng hồn quê lục bát Việt với âm điệu du dương, câu chữ gợi tình, gợi cảnh có phôi pha phần nào nhưng hồn cốt nỗi lòng Nguyễn Du vẫn còn nguyên đó, đủ sức cuốn hút bao nhiêu trái tim bè bạn. Từ nhiều phương trời khác nhau, các nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình chuyên sâu, ghi nhận Truyện Kiều đã đúc kết được "tinh thần Á Đông và giá trị nhân văn của khu vực", "Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những áng văn kiệt tác của bất cứ đời nào nước nào cũng không thua vậy" (Nhà nghiên cứu Pháp R. Crayxắc) và Nguyễn Du là "nhà thơ nhân đạo lỗi lạc" (Nhà nghiên cứu Nga N. Niculin), "nhà thơ kiệt xuất Việt Nam" (Nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Thế Đức - Lý Tu Chương)...  Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các nhà Việt học không chỉ thâm nhập, giải mã, phẩm bình ngôn từ nghệ thuật Truyện Kiều mà còn tiến tới đối chiếu, so sánh thi phẩm với nguyên tác tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện (Trung Quốc) và mở rộng so sánh với các kiệt tác Thần khúc của nhà văn Italia Đantê (Thế kỷ XIV), tác phẩm Truyện Xuân Hương của Hàn Quốc và Fauxt của nhà văn Đức Gơt (Thế kỷ XVIII-XIX), Kim Ngư truyện của nhà văn Nhật Bản Khúc Đình Mã Cầm và Epghênhi Ônhêghin của thi hào Nga Puskin (Thế kỷ XIX), v.v... Hơn thế nữa, xúc cảm từ Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhiều nhà thơ thế giới đã biết đến Thúy Kiều, làm thơ về Nguyễn Du và Việt Nam với tất cả niềm trân trọng, yêu mến. Đơn cử mấy câu thơ trong bài Từ những điều Nguyễn Du dạy của nhà thơ Hunggari H. Andrasơ: Anh đừng nói: Trời cao/ Xin hãy nói: Màn xanh trùm bể khổ/... Anh đừng nói: Suối vàng/ Xin hãy nói: Tơ đời không thể dứt...

Trên thực tế, trong suốt hơn hai trăm năm qua, vượt qua không gian và thời gian, tên tuổi Nguyễn Du ngày càng tỏa sáng, lan xa từ Việt Nam đến nhiều quốc gia, châu lục trên khắp thế giới. Vào năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới và Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du nhân 200 năm sinh của ông. Từ đó đến nay, vừa tròn nửa thế kỷ qua đi, kiệt tác Truyện Kiều Nguyễn Du vẫn tiếp tục được dịch nghiên cứu, giảng dạy, giới thiệu và quảng bá rộng rãi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Vào ngày 25/10/2013, tại phiên họp lần thứ 37, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã có Nghị quyết về việc tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Nguyễn Du vào năm 2015. Đến ngày 15/8/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính thức có ý kiến chỉ đạo, đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2015. Trong bối cảnh chung của thời kỳ hội nhập và phát triển, từ nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục quan tâm và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về đại thi hào Nguyễn Du trên tất cả các lĩnh vực lịch sử tư tưởng, văn hóa - văn học, Hán Nôm, ngôn ngữ, giáo dục, dịch thuật, xuất bản, v.v…

            Thưa các vị khách quý, các nhà khoa học và các bạn,

Ngày xưa Nguyễn Du từng đi sứ và sáng tác cả tập thơ Bắc hành tạp lục với 131 bài. Ngày nay, tiếng thơ Nguyễn Du vẫn được sử dụng trong văn hóa ngoại giao ở một tầm quan hệ đặc biệt hơn, cao hơn, xa hơn, sâu rộng hơn. Nguyên Tổng thống Hòa Kỳ Bill Clinton khi sang thăm Việt Nam vào tháng 11/ 2000 và ngài Phó Tổng thống Joe Biden khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 vừa mới đây đều có lẩy Kiều (tức là vận dụng câu thơ trong Truyện Kiều để nói về quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước): Sen tàn cúc lại nở hoa,/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân, và hai câu: Trời còn để có hôm nay,/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời... Điều đó cho thấy tính sinh động, khả năng đúc kết cô đọng, hàm súc và năng lượng vượt thời gian ở nghĩa câu thơ trong mỗi văn cảnh cụ thể.

            Thưa các vị khách quý, các nhà khoa học và các bạn,

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: Đến bây giờ mới thấy đây,/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai… Từ bao nhiêu năm rồi, chúng tôi vẫn hằng yêu quý đại thi hào Nguyễn Du của mình và mong muốn các tác phẩm của ông tiếp tục tỏa sáng, đến được với bè bạn khắp năm châu. Có thể nói hội thảo khoa học quốc tế “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du và các giá trị xuyên thời đại” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức lần này chính là nơi gặp gỡ của các nhà Kiều học và Nguyễn Du học, nơi thể hiện những tiếng nói đồng cảm, đồng lòng, đồng vọng về những giá trị tinh thần mà Nguyễn Du trao gửi lại cho hậu thế.

Xin chúc các nhà khoa học, các vị khách quý và các bạn sức khỏe, hạnh phúc!

Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn./.

In trang Chia sẻ

Tin khác