Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi các thông tin liên quan đến tình hình cư trú và đăng ký hộ khẩu của người dân; tình hình tiếp cận các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội), việc làm, tình trạng nhà ở, tài sản và thu nhập/chi tiêu của người di cư so với người dân sở tại; tình trạng đăng ký hộ khẩu và số người thực tế tạm trú ở các thành phố lớn; điểm lại các luật, chính sách liên quan tới hộ khẩu trong những năm gần đây; hiểu được các nguyện vọng của người dân liên quan tới quy định về hộ khẩu; đánh giá ảnh hưởng của hộ khẩu tới thu – chi ngân sách địa phương và việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho người nhập cư… qua nghiên cứu 5.000 hộ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Sandeep Mahajan, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (WB) cho biết, vấn đề tiếp cận của nhóm người nhập cư tại các thành phố lớn của Việt Nam về việc đăng ký hộ khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại như việc cho con em các hộ tạm trú theo học các trường công (không thể học đúng tuyến) hoặc các vấn đề khác liên quan đến việc tiếp cận y tế, bảo trợ, tiếp cận dịch vụ công, việc làm… gây ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển xã hội chung của Việt Nam. Ông Sandeep hy vọng, các tham luận và trao đổi tại Hội thảo sẽ là những mở đầu quan trọng, góp phần xây dựng được cơ sở lý luận, thúc đẩy nghiên cứu về hộ khẩu đạt được hiệu quả tích cực, đi vào đời sống của người dân hơn trong những năm tiếp theo.
|
|
Hội thảo được nghe 5 tham luận: (1) Giới thiệu nghiên cứu về hệ thống đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam do diễn giả Vũ Hoàng Linh (WB) trình bày; (2) Những phát hiện chính từ khảo sát tình hình cư trú và hộ khẩu (diễn giả Phùng Đức Tùng, MDRI); (3) Những kết quả chủ yếu từ nghiên cứu định tính về hộ khẩu (PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, IOS); (4) Hộ khẩu trên các phương tiện truyền thông (Nguyễn Khắc Giang, VEPR); (5) Kinh nghiệm của Trung Quốc về đổi mới hệ thống đăng ký hộ khẩu (Dewen Wang, WB).
|
Các tham luận đã cùng nhau tạo lên một bức tranh tương đối toàn cảnh về thực trạng tồn tại của hệ thống hộ khẩu trong thực tế của người dân. Đa phần các ý kiến đều cho rằng quy định về hộ khẩu còn gặp nhiều rào cản về các điều kiện như: phải có chỗ ở hợp pháp, thời gian tạm trú liên tục, nhà ở đảm bảo diện tích sàn bình quân đầu người; Sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng (nhiều giao dịch dân sự yêu cầu hộ khẩu mặc dù không có trong quy định của pháp luật như lắp đặt điện thoại, công tơ điện, nước…); Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng được giao phụ trách công tác này (công an) và các ngành liên quan chưa kịp thời, hiệu quả, có nhiều biểu hiện tuỳ tiện, sách nhiễu, tiêu cực, thậm trí sai phạm khi giải quyết hộ khẩu; Các thành phố lớn có khu vực mở rộng như Hà Nội thậm trí còn có một số người dân tạm trú không có hộ khẩu, hoặc chưa được đăng ký hộ khẩu tạm trú… vô hình chung đã khiến cho cuộc sống của người dân chịu nhiều thiệt thòi: con em đi học mất thêm phí vì trái tuyến, khó xin học vào trường tốt, khó khăn trong đền bù, giải toả đất đai, không làm được giấy tờ, gặp nhiều phức tạp khi thực hiện các thủ hành chính công… Các chuyên gia khuyến nghị giai đoạn trước mắt cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao tính khoa học, tiện ích cho người dân khi đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam; Việc cấp hộ khẩu cần nhanh gọn để ngăn ngừa việc lạm dụng, gây phiền hà trong công tác đăng ký, quản lý cư trú; Tổ chức tuyên truyền rộng rãi và niêm yết công khai các điều kiện đăng ký đảm bảo tính minh bạch trong giải quyết các thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền cư trú theo luật định nhằm đơn giản hoá hệ thống hộ khẩu, tiến tới thay thế hộ khẩu bằng thẻ công dân…
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng IOS cho rằng các số liệu và trao đổi thu được sẽ là những tham vấn quan trọng giúp 3 đơn vị là IOS, WB và MDRI có thêm cơ sở lý luận khoa học để tiếp tục triển khai sâu hơn nghiên cứu về hệ thống hộ khẩu và đề xuất được các ý kiến giúp đổi mới hệ thống này một cách khả thi trong thời gian tới.
Phạm Vĩnh Hà