|
Đến dự Hội thảo có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường thực Thành ủy Hà Nội. Đến dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, các đồng chí lão thành cách mạng và những nhân chứng lịch sử như: đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Lê Xuân Tùng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội; Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Thượng tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Lê Đức Vân (đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tham gia giành chính quyền tại Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám năm 1945); GS. Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam; GS. Lê Thi, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (một trong hai người kéo lá cờ trong ngày Lễ độc lập 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử)…
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu là các đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo và các cán bộ Thành uỷ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các đại biểu, các nhà khoa học đến từ các cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường đại học ở Trung ương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đăk Lăk, Phú Yên, Đồng Tháp…
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các tác giả là các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà hoạch định và thực thi chính sách. Tại phiên khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh đã phát biểu chỉ đạo, mang tính định hướng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chào mừng và GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã có bài phát biểu đề dẫn Hội thảo. Trong hai phiên hội thảo đã có 9 bài tham luận trình bày trực tiếp và 7 ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường. Các bài tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường đã tập trung vào hai chủ đề khoa học chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, coi đó là yêu cầu cấp bách của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thiết tha nhất của các tầng lớp nhân dân đến quá trình khẩn trương xây dựng lực lượng về mọi mặt (lực lượng quần chúng, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, các chiến khu…), đặc biệt là vai trò quan trọng của Mặt trận Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng rãi, thu hút đông đảo mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, tôn giáo…, tạo thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, đã lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa -Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã tạo ra những nền tảng cơ sở đầu tiên và sức mạnh tinh thần to lớn đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).
|
|
|
|
Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự kiện thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 đã có ảnh hưởng quốc tế to lớn, phá tan một mắt xích trọng yếu trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Thứ hai, khẳng định ý nghĩa to lớn và giá trị thực tiễn lớn lao của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong suốt 70 năm qua. Những bài học của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần chủ động tạo nội lực, tranh thủ và nắm bắt thời cơ; xây dựng hệ thống chính trị, nền quốc phòng toàn dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Hội thảo “70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển (1945-2015)” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước nhằm phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo thành động lực tinh thần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, kiên quyết đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.
PGS.TS. Đinh Quang Hải