Tham dự Hội thảo về phía khách quốc tế có các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Philippines, Singapore và nhiều cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; về phía Việt Nam, có các nhà khoa học, các đại biểu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Hiroshi Fukada nhấn mạnh, thúc đẩy xây dựng lòng tin có vai trò rất quan trọng để đạt được hòa bình, thịnh vượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – hiện là trung tâm thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế, trong đó có môi trường an ninh khu vực bao quanh Nhật Bản và Việt Nam đang có những thay đổi to lớn, đây chính là lúc cần nhìn lại việc xây dựng lòng tin ở Châu Á ngày nay. Để thúc đẩy xây dựng lòng tin trong khu vực mà ASEAN là trung tâm - là vấn đề hết sức quan trọng. Việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới là tiền đề để đảm bảo sự thịnh vượng trong toàn khu vực và xa hơn thế. Để đạt được mục tiêu này với phương châm chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình dựa vào nguyên tắc của hợp tác quốc tế, Nhật Bản sẵn sàng đóng góp ngày càng tích cực hơn đối với hòa bình thế giới trong đó có việc hợp tác để đẩy mạnh hơn nữa năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam và các quốc gia ASEAN.
|
|
|
|
|
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, Châu Á, trong đó có khu vực Đông Bắc Á chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ địa – chính trị và là trung tâm phát triển năng động của thế giới. Đây là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, tập trung nhiều tuyến đường vận tải huyết mạch trên biển, đồng thời cũng là nơi diễn ra những quá trình liên kết kinh tế nhanh chóng, thúc đẩy sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia. Hiện nay môi trường an ninh khu vực vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro bởi xu hướng chạy đua vũ trang gia tăng, tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, đặc biệt chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa đơn phương và thái độ chính trị cường quyền nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phương hại đến hòa bình, an ninh và môi trường sống của nhân loại, có xu hướng trỗi dậy. Sự chia rẽ lợi ích và thiếu vắng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia khiến Châu Á vẫn chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các thách thức đang nổi lên.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận hai nội dung chủ yếu: Một là, xây dựng lòng tin từ quan điểm kiến trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm; hai là, xây dựng lòng tin từ quan điểm đảm bảo an ninh trên biển.
GS. TS. Kawashima Shin (Đại học Tokyo, Nhật Bản), trong tham luận “Quan hệ Trung – Nhật hiện nay và ảnh hưởng của nó đối với kiến trúc khu vực” cho biết, Nhật Bản đã nỗ lực và cố gắng khởi động lại và xúc tiến cơ chế đàm phán thông tin hàng hải và thỏa thuận phòng ngừa tai nạn hàng hải, cũng như nỗ lực để mở rộng kiến trúc đa phương. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Nhật Bản có ý định khám phá khả năng mới, thì họ cần củng cố dư luận trong nước về Trung Quốc và xây dựng cơ chế xây dựng lòng tin giữa hai nước Trung – Nhật bằng nhiều cách.
Trên thực tế Nhật Bản và Trung Quốc đều tăng cường sáng kiến ASEAN và các khái niệm của ASEAN với tư cách là người chèo lái, vì vậy Nhật Bản và Trung Quốc có thể hợp tác để làm cho vai trò quan trọng của ASEAN trong khu vực này trở nên rõ ràng và tiến hành một số dự án chung cho sự phát triển và các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, cho một số dự án Tiểu vùng sông Mê Kông. Ở một mức độ nào đó, quan hệ Trung – Nhật đã cạnh tranh với nhau trong việc tạo ra các sáng kiến tại Đông Nam Á. Tình huống như vậy không thể thay đổi, nhưng vẫn có thể khai thác một số khả năng mà hai bên đều thắng để giữ hòa bình và phát triển ở Đông Á, tạo nền tảng cho hoạt động kinh tế cho cả hai nước và tất cả các nước trong khu vực này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, khu vực đang tạo những thuận lợi song cũng đặt ra nhiều thách thức tác động đến mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ. Sự thay đổi cấu trúc mới của khu vực cũng đòi hỏi ASEAN phải thể hiện hơn vai trò “trung tâm” của mình, nhất là trong quan hệ với các nước lớn ở khu vực. Tuy nhiên, để thể hiện được vai trò đó bản thân ASEAN phải vượt qua chính mình khi phải đối mặt với khá nhiều vấn đề thể chế, xu hướng ly tâm… cần phải nhất quán chính sách, hành động khi xử lí các vấn đề chung, trong đó có an ninh. Xây dựng lòng tin, vì lợi ích của khối và góp phần tạo lập một cấu trúc mới vì hòa bình ổn định và hợp tác phát triển của khu vực đang và sẽ là những thử thách lớn đối với vai trò “trung tâm” của ASEAN hiện nay và trong thời gian tới. Để hoàn thành được “sứ mệnh” của mình ASEAN rất cần sự tin cậy và hợp tác thực sự của các nước lớn, nhất là từ Nhật Bản.
|
|
|
|
|
GS.TS. Đỗ Tiến Sâm (Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS) và TS. Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng) nêu lên một số giải pháp để xây dựng lòng tin: Hợp tác tuần tra chung; giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương; tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực ít nhạy cảm; thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và các thỏa thuận khu vực; thành lập các khu trung tâm chia sẻ thông tin; thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải của khu vực; thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc; các bên có liên quan cần kí kết một văn bản cam kết không quân sự hóa Biển Đông.
|
Tham luận của GS.TS. Mie Oba (Đại học Khoa học Tự nhiên Tokyo, Nhật Bản), đã đề cập tới những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, sự tham gia của ASEAN và các nước lớn, liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể giải quyết được những vấn đề của ASEAN mà không có sự tham gia của ASEAN hay không. Giáo sư cho rằng viễn cảnh để xây dựng niềm tin của khu vực là cần đưa ra quy tắc ứng xử (DOC), xây dựng cơ chế ngăn ngừa đụng độ/tai nạn trên biển, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, lấy ASEAN làm trung tâm.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Ngài Jimbo Satoshi, Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản, khẳng định, xây dựng được lòng tin sẽ đem đến được sự ổn định. Hội thảo có được sự đồng thuận chung đó là không muốn có chiến tranh lạnh mới ở khu vực và không muốn có sự can thiệp của một hoặc hai siêu cường vào khu vực. Nhật Bản là một cường quốc yêu chuộng hòa bình, muốn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia vừa và nhỏ, sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN. Nhật Bản sẵn sàng chủ động trực tiếp hợp tác với Trung Quốc để Trung Quốc thực sự tuân thủ luật pháp. Tăng cường hợp tác với từng thành viên ASEAN góp phần đẩy mạnh an ninh, giúp các nước có đầy đủ trang thiết bị và nâng cao đào tạo và năng lực. Hỗ trợ và đẩy mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trên mọi lĩnh vực.
Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của cộng đồng khu vực; trách nhiệm của các nước, nhất là những nước lớn trong việc xử lí những vấn đề chung và xây dựng các cấu trúc kinh tế, an ninh – chính trị phù hợp; và phát huy vai trò của những nước nhỏ và vừa ở khu vực, trong đó có vai trò trung tâm của cộng đồng ASEAN trong các cơ chế hợp tác mới hình thành. Đây cũng là diễn đàn mở để các học giả, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất một tầm nhìn tương lai cùng với những giải pháp và bước đi thích hợp để các quốc gia Châu Á xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau thông qua những cơ chế hợp tác bền vững trong bối cảnh mới đầy biến động của khu vực./.
Nguyễn Thu Hà