Tọa đàm đã vinh dự được đón tiếp GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm tới dự và phát biểu khai mạc. Tham dự Tọa đàm, về phía các nhà khoa học Nhật Bản có TS. Tomoda Masahiko, Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Tokyo; GS.TS. Shimuzu Shinichi, Đại học Tokushima Bunri; PGS.TS. Ota Shoichi, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Di sản văn hóa, Viện Công nghệ Kyoto. Về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm NCKT; PGS.TS. Lại Văn Tới, Phó Giám đốc Trung tâm NCKT cùng các đại biểu đến từ các trường đại học, cơ quan và viện nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Kiến trúc là những công trình do con người tạo ra và để lại dấu ấn trong mỗi thời đại, được xem như là hình ảnh phản chiếu trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật cùng những sắc thái văn hóa riêng biệt hay tương đồng của mỗi quốc gia, dân tộc ở thời đại ấy. Nằm trong chiếc nôi của nền văn minh Châu Á, giống như kiến trúc cổ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, kiến trúc cổ Việt Nam đều chủ yếu là loại kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ (kiến trúc gỗ). Các công trình kiến trúc gỗ của Việt Nam còn đến ngày nay phần lớn là các công trình kiến trúc về tôn giáo, tín ngưỡng.
Vào những năm 2002-2004 và 2008-2009, những khám phá của khảo cổ dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy phần còn lại của những tòa nhà kiên cố, thể hiện rõ qua dấu tích nền móng các công trình. Những dấu tích này đã được giới khoa học xác định là dấu tích của những kiến trúc cung điện, lầu gác, hệ thống tường bao… khẳng định giá trị và tầm quan trọng đặc biệt trong việc nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhiều năm qua. Bên cạnh những dấu tích kiến trúc, khu di tích còn tìm thấy khối lượng lớn các loại hình di vật, vật liệu kiến trúc được trang trí cầu kỳ với các đồ án mang tính vương quyền và thần quyền như rồng, phượng, phản ánh trình độ công nghệ và những sắc thái rất riêng biệt của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý – Trần.
Thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng hàng đầu, cấp thiết là phải tiếp tục nghiên cứu so sánh, phân loại chỉnh lý, đánh giá giá trị về di tích, di vật của khu di sản này nhằm phục vụ cho việc đánh giá đầy đủ các giá trị khoa học của từng loại hình di tích kiến trúc và di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, hướng tới xây dựng hệ thống hồ sơ khoa học, góp phần quan trọng cho việc tuyên truyền, quảng bá cũng như công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Bên cạnh đó, Giáo sư Phó Chủ tịch đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu của Trung tâm NCKT trong việc chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước đẩy mạnh công tác nghiên cứu so sánh, trong đó tập trung vào công tác điều tra, khai quật thu thập tư liệu để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu, đánh giá giá trị về di tích, di vật của khu di tích. Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn khẳng định việc đầu tư nghiên cứu để phân định và nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần thông qua mô hình kiến trúc cổ Việt Nam kết hợp với nghiên cứu so sánh với các loại hình kiến trúc đương thời trong và ngoài nước là một hướng tiếp cận nghiên cứu rất quan trọng. Kết quả nghiên cứu của chương trình thể hiện tinh thần hợp tác hiệu quả giữa Trung tâm NCKT và nhóm chuyên gia kiến trúc Nhật Bản trong suốt 5 năm qua (từ 2011 – 2015), đồng thời là món quà rất ý nghĩa chào mừng 5 năm ngày thành lập Trung tâm NCKT.
|
|
|
Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Bùi Minh Trí đã khái quát một số đặc điểm nổi bật về kiến trúc cổ Việt Nam nói chung và kiến trúc thời Lý – Trần nói riêng (kiến trúc gỗ) và nêu rõ mục đích Tọa đàm nhằm bước đầu công bố một số kết quả nghiên cứu mới về kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý – Trần dựa trên khối tư liệu mô hình kiến trúc, kết hợp với những kết quả nghiên cứu, đánh giá trên nhiều phương diện khác, tập trung vào 4 nhóm tham luận chính yếu sau: (1) Công bố những kết quả nghiên cứu mới về mô hình kiến trúc Việt Nam và mối quan hệ với kiến trúc trong khu vực Châu Á; (2) Công bố những kết quả nghiên cứu mới về vật liệu kiến trúc qua loại hình và chức năng sử dụng; (3) Công bố những kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, sử học về kiến trúc, về hành cung thời Lý, Trần, bao gồm kiến trúc cung điện, kiến trúc tôn giáo cũng như mối quan hệ của nó với nghệ thuật Champa trong lịch sử; (4) Công bố những kết quả nghiên cứu mới về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý dưới ánh sáng tư liệu của khảo cổ học. Nội dung của các báo cáo, tham luận chủ yếu đề cập đến những thành tựu nghiên cứu mới liên quan đến kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý – Trần dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu.
|
|
|
Toàn cảnh Tọa đàm
Tọa đàm nhận được 17 bài tham luận tương ứng với 4 nhóm tham luận trên, chia làm 3 phiên thảo luận và 1 buổi thực tế tại di tích Hành cung Lỗ Giang (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Phiên 1: Các đại biểu được nghe 07 tham luận của các diễn giả: TS. Tomoda Masahiko; PGS.TS. Ota Shoichi; GS.TS. Shimizu Shinichi; ThS. Phạm Lê Huy, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; PGS.TS. Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học; TS. Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học và diễn giả Đào Xuân Ngọc, Trung tâm NCKT. Các tham luận giới thiệu kết quả nghiên cứu các di tích kiến trúc, mô hình kiến trúc và di vật, vật liệu kiến trúc thời Lý – Trần, trong đó nêu bật giả thuyết về sự tồn tại của đấu củng (*); phân tích và so sánh các mô hình nhà và kiến trúc cổ hiện còn tại Việt Nam; nêu bật đặc điểm kiến trúc cổ Việt Nam và cách tiếp cận nhận dạng thức ngoại lai; mô tả cấu kiện và kỹ thuật kiến trúc thời Lý – Trần nhìn từ nguồn tư liệu chữ viết đồng đại; dấu ấn Chăm – pa trong kiến trúc và nghệ thuật thời Lý; bước đầu tìm hiểu kiến trúc Phật giáo thời đại này qua tư liệu khảo cổ học.
Phiên 2: ThS. Nguyễn Văn Anh và TS. Đặng Hồng Sơn, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn; TS. Ngô Thị Lan, Viện Khảo cổ học trình bày kết quả nghiên cứu về loại hình, kỹ thuật, công năng của ngói và trang trí trên mái thời Lý – Trần; gạch ngói, vật liệu trang trí trên mái kiến trúc thời Trần – Hồ ở khu vực Tây Đô; dấu ấn tiếp nối và phát triển từ truyền thống sản xuất gạch ngói thời Trần – Hồ đến gạch ngói thời Lê.
Sau 2 phiên thảo luận đầu tiên, các đại biểu và nhà khoa học đã đi thực tế tại công trường di tích Hành cung Lỗ Giang thời Trần do Trung tâm NCKT khai quật 2 lần (năm 2014 và 2015), kết hợp tham quan di tích Đền Trần, Thái Bình. Tại đây, các đại biểu và nhà khoa học được lắng nghe PGS.TS. Bùi Minh Trí giới thiệu những kết quả khai quật bước đầu của công trình kiến trúc Hành cung Lỗ Giang (Hành cung Kiến Xương) dưới thời các vua Trần Hiến Tông, Trần Anh Tông và cùng nhau thảo luận về hình thái kiến trúc qua những dấu tích khảo cổ.
|
Phiên 3: Trên cơ sở các tư liệu và kết quả nghiên cứu kiến trúc thời Lý – Trần được giới thiệu và tham quan thực tế cùng phần trình bày của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học; diễn giả Lê Đình Ngọc, Trung tâm NCKT; TS. Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học; PGS.TS. Bùi Minh Trí, các đại biểu tiếp tục thảo luận xung quanh di tích Hành cung Lỗ Giang và những nhận thức chung hình thái kiến trúc Việt Nam thời Lý dưới ánh sáng khảo cổ học. Trong đó tập trung phân tích kiến trúc thời Lý với hệ thống khung giá đỡ là hệ “đấu củng” giống như kiến trúc gỗ tại các cung điện của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng đơn giản hơn và thường phổ biến sử dụng tàu mái che rui…
Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp. Những ý kiến thảo luận của các đại biểu và nhà khoa học sẽ là nguồn tư liệu quí giá góp phần tạo nên bước đi đầu tiên cho một hành trình dài lâu nghiên cứu về kiến trúc Việt Nam nói chung và thời Lý - Trần nói riêng.
Nguyễn Thu Trang
(*) Đấu củng là kết cấu chịu lực đỡ mái thường thấy trong kiến trúc Trung, Hàn, Nhật, tuy nhiên trong các kết cấu Việt từ thời Lê Trung Hưng (đa phần thế kỉ XVIII và XIX) phần lớn đều không thấy.