Đại diện cho Chương trình Tây nguyên tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình. Hội thảo cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Chính trị Công an Nhân dân (Bộ Công an), Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và Nông thôn (Bộ Nông nghiệp & PTNT), cùng lãnh đạo và các nhà khoa học thuộc các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm, bao gồm: Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Phát triển bền vững Vùng, Viện Địa lý Nhân văn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Ban Quản lý Khoa học, v.v…
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ nhiệm đề tài nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự và nêu rõ mục tiêu nghiên cứu của Đề tài gắn chặt với mục tiêu tổng thể của cả chương trình, trong đó tập trung vào việc xác định những lĩnh vực lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trên cơ sở làm rõ các lợi thế đặc thù này, đề tài sẽ đánh giá, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư phát triển hiệu quả các lĩnh vực lợi thế của Tây Nguyên để tăng cường năng lực liên kết vùng, hội nhập quốc tế và có đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
Báo cáo đề dẫn của Chủ nhiệm đề tài, chủ trì hội thảo khẳng định, việc Việt Nam tích cực tham gia AEC, ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn nữa. Báo cáo cũng phân tích những cơ hội và thách thức, chỉ ra các tác động của bối cảnh mới đối với Việt Nam và đặt ra những vấn đề lớn đề nghị hội thảo cùng trao đổi, thảo luận liên quan tới (1) Vấn đề lý luận của việc xác định lợi thế đặc thù vùng; (2) Thực trạng các lợi thế và mức độ khai thác, phát huy lợi thế; (3) các kiến nghị về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế hiệu quả, bền vững của Tây Nguyên với tư cách một “vùng đất đặc thù” với nhiều đặc điểm phát triển riêng có.
|
Trong các phiên hội thảo, các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu, thảo luận đã có đóng góp rất có ý nghĩa, làm rõ thêm các quan điểm về hội nhập quốc tế trong khuôn khổ AEC, khi thực hiện các FTA thế hệ mới. Ngoài ra các diễn giả cũng trao đổi về kinh nghiệm quốc tế trong hội nhập và khai thác các lợi thế đặc thù cho phát triển kinh tế của các địa phương thuộc Trung Quốc, Thái Lan và các quốc gia khác, từ đó so sánh với vùng Tây Nguyên, xem xét về cơ hội và khả năng phát huy thế mạnh đặc thù của Tây Nguyên trong một số lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, du lịch, liên kết chuỗi sản phẩm, phát huy giá trị văn hóa, tôn giáo, v.v…
05 tham luận tại Hội thảo (được chia thành 2 phiên thảo luận), tập trung vào 2 nội dung chính:
Phiên 1: Kinh nghiệm quốc tế trong phát huy lợi thế đặc thù của các quốc gia trong hội nhập AEC và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Các diễn giả gồm PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Nguyễn Bình Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã trình bày những vấn đề về sự chủ động và những thách thức của Việt Nam khi tham gia AEC; phát triển cụm liên kết ngành để phát triển các ngành có lợi thế đặc thù ở miền Bắc Thái Lan; kinh nghiệm phát triển cụm ngành ở một số địa phương Trung Quốc và gợi mở với khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.
Phiên 2: Xác định các lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong hội nhập AEC và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng và TS. Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn phân tích lợi thế đặc thù về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và văn hóa - xã hội tạo lợi thế cho Tây Nguyên có thể phát triển dịch vụ và du lịch, từ đó đề xuất một số gợi ý cho việc khai thác, phát huy các lợi thế đặc thù của Tây Nguyên cũng như đặt ra vấn đề phát triển bền vững nông nghiệp khu vực này trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của cả trong nước và quốc tế về xác định và phát huy lợi thế đặc thù trong phát triển vùng với bối cảnh mới khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các chuyên gia cũng đánh giá thực trạng các lợi thế cụ thể (lợi thế tĩnh và động) và lợi thế ngắn hạn và dài hạn cũng như nhìn nhận lợi thế đang trong quá trình thay đổi, chỉ ra những giải pháp có tính chất trung và dài hạn. Do vậy, cần đặt ra yêu cầu đối với Tây Nguyên phải có những điều chỉnh thích nghi nhằm phát huy tối đa lợi thế của vùng.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, góp phần tích cực cho việc triển khai đề tài “Xác định lĩnh vực lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, từ đó đưa ra những đánh giá, kiến nghị chính sách hữu ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong những năm tới.
Nguyễn Thu Trang