Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam”

17:00 04/10/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), trong hai ngày 02-03/10/2017, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Viện Địa lí nhân văn thuộc Viện Hàn lâm phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm (Đoàn Viện) tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động của nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ của Viện Hàn lâm về bảo vệ môi trường” do TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn làm chủ nhiệm, trong đó năm 2017 tập trung vào chủ đề “Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Cúc Phương; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; TS. Phạm Quang Linh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm cùng sự tham gia đông đảo của các đồng chí Ban chấp hành Đoàn Viện Hàn lâm và các cán bộ, đoàn viên, thanh niên đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn,<br>chủ nhiệm Nhiệm vụ phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Do điều kiện địa lý và tự nhiên, Việt Nam được thế giới công nhận là 1/16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao. Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, cân bằng sinh thái và hơn hết là sự tồn vong của loài người. Chính vì thế, bảo tồn đa dạng sinh học được coi như một yếu tố cấu thành vững chắc cho sự nghiệp phát triển bền vững của tất cả các nước trên toàn thế giới. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đã và đang bị suy giảm. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai gần. Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cần phải giải quyết, trong đó có công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Địa lý nhân văn, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu và các cán bộ, đoàn viên, thanh niên và cho biết, trong những năm qua, Viện Hàn lâm với đội ngũ cán bộ có trình độ cao đã thực hiện thành công nhiều dự án, đề tài nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, trong đó có các nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cũng nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật, các thông tin về đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động Viện Hàn lâm để áp dụng vào công việc nghiên cứu cũng như chung tay, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội về ý thức bảo vệ môi trường. Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam” nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của Viện Hàn lâm trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học của Việt Nam để hướng đến xây dựng môi trường sống đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Qua đó, TS. Nguyễn Song Tùng mong muốn thông qua Hội thảo từ các góc độ khác nhau, các cán bộ sẽ cùng nhau suy nghĩ, thảo luận để hiểu hơn vai trò của đa dạng sinh học đối với sự tồn vong của loài người và sự phát triển bền vững đất nước để từ đó hướng tới việc khai thác, sử dụng bền vững đa dạng sinh học góp phần vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam.

<br>TS. Phạm Quang Linh, Bí thư Đoàn Viện phát biểu chào mừng<br>tại Hội thảo   <br><br>Toàn cảnh Hội thảo

Trong phát biểu khai mạc, thay mặt Ban chấp hành Đoàn Viện, TS. Phạm Quang Linh bày tỏ niềm vinh dự được phối hợp với Viện Địa lý nhân văn tổ chức Hội thảo có ý nghĩa trong việc nêu cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó Bí thư Đoàn Viện trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Song Tùng đã tạo cơ hội cho các đoàn viên, thanh niên tham gia Hội thảo; mong muốn thông qua chương trình, các đoàn viên, thanh niên sẽ nắm bắt được kiến thức bổ ích và có chuyến tham quan khám phá hấp dẫn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương; hi vọng Đoàn Viện và Nhiệm vụ sẽ tiếp tục có được sự hợp tác sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới.

 

TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt và Ông Nguyễn Mạnh Cường trình bày tham luận tại Hội thảo

Kết thúc hội thảo, Ban Tổ chức đã tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về vai trò của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của 5 đội thi. Kết quả cuộc thi đã tìm ra 01 đội giải nhất, 01 đội đạt giải nhì và 01 đội đạt giải ba. Điều đó cho thấy, sau Hội thảo, các kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã đã được các đại biểu lĩnh hội khá đầy đủ và chính xác.

 

TS. Nguyễn Song Tùng, Ông Nguyễn Mạnh Cường và ThS. Nguyễn Thanh Hà trao giải thưởng cho các đội thi đạt giải

Nhiệm vụ cũng đã lựa chọn địa điểm khảo sát thực tế là Vườn Quốc gia Cúc Phương vì nơi đây là Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam mang nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử, nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

 

 Cán bộ nghiên cứu và đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp và Trung tâm Bảo tồn rùa tại Vườn Quốc gia Cúc Phương

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm đã có cơ hội được trải nghiệm, tham quan thực tế Trung tâm Cứu hộ linh trưởng, Trung tâm Bảo tồn rùa; thăm quan Động người xưa- điểm đa dạng về hệ dơi... Qua chuyến khảo sát thực tế tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, các cán bộ nghiên cứu cùng các đoàn viên, thanh niên đã lĩnh hội thêm nhiều kiến thức đa dạng sinh học bổ ích cùng với việc tìm hiểu những thông tin quan trọng về các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam cần được phát hiện và bảo tồn kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân về bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác