Tham dự Hội thảo có GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Ông Richard Shih, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, ban chức năng và các cơ quan nghiên cứu, đào tạo tại Việt Nam cùng sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số trường đại học, cơ sở nghiên cứu thuộc các nước thành viên ASEAN và Đài Loan.
Đài Loan và các nước Đông Nam Á (ASEAN) có mối quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư lâu đời. Trong những năm gần đây, Đài Loan trở thành một trong những đối tác quan trọng của các nước ASEAN trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp nhận một số lượng lớn lao động từ khu vực này, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước Đông Nam Á.
GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Nhà đương cục Đài Loan luôn coi Đông Nam Á và ASEAN có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập. Sau khi đắc cử Tổng thống vào năm 2016, chính quyền mới của Bà Thái Anh Văn đề ra “Chính sách hướng Nam mới” trong nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế của Đài Loan nhằm đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của lãnh thổ này. Chính sách này dựa trên nền tảng “Chính sách hướng Nam”, một chính sách kinh tế và ngoại giao của nhà đương cục Đài Loan đưa ra vào những năm 1990, nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế đầu tư của Đài Loan xuống các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam và Brunei. Việc chính quyền bà Thái Anh Văn thêm từ “mới” vào tên gọi của chính sách này cho thấy mối quan tâm mới đối với phát triển quan hệ kinh tế của Đài Loan với các nước ASEAN và 6 nước Nam Á. Trong chính sách hướng Nam mới của Đài Loan, nhà đương cục Đài Loan đặt ra 4 nhiệm vụ chính nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN và 6 nước Nam Á, bao gồm: (i) Thúc đẩy hợp tác kinh tế; (ii) Tiến hành trao đổi tài năng; (iii) Chia sẻ tài nguyên; (iv) Tiến tới kết nối khu vực.
Trong diễn văn khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện đông đảo của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh đến chiến lược kinh tế đối ngoại mới của Đài Loan trong khuôn khổ “Chính sách hướng Nam mới” là lấy con người làm trọng tâm, kỳ vọng tích cực thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa Đài Loan và các quốc gia ASEAN và Nam Á trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch, nông nghiệp và giao lưu nhân dân). GS Phó Chủ tịch cũng khẳng định, với vị trí và tầm quan trọng trong khu vực, ASEAN là tổ chức hợp tác khu vực mà nhà đương cục Đài Loan mong muốn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ. Do vậy, việc thực hiện tốt những nhiệm vụ trên cũng như nhận diện chính xác mục tiêu và định hướng của chính sách hướng nam mới của Đài Loan sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các nước ASEAN có định hướng hợp lý trong việc thúc đẩy quan hệ nhiều mặt (quan hệ kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân) với Đài Loan, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác ASEAN – Đài Loan.
|
|
|
Ông Richard Shih, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Richard Shih bày tỏ vinh dự góp mặt tại Hội thảo và khẳng định ý nghĩa quan trọng chủ đề Hội thảo trong bối cảnh Đài Loan đang nỗ lực triển khai chính sách hướng Nam mới để thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Đài Loan và các nước ASEAN. Theo đó, Ông Richard Shih nhấn mạnh, chính sách hướng nam mới là một xu hướng rất lớn trong tương lai gần, thể hiện ở việc giao lưu hai chiều, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo; thông qua chính sách hướng nam mới, Đài Loan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia tham gia trong chính sách này; trân trọng sự nỗ lực hợp tác giữa hai bên đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của chính sách; bày tỏ mong muốn hai phía tích cực chia sẻ những quan điểm và ý tưởng nhằm đưa ra những khuyến nghị về những vấn đề liên quan đến chính sách hướng Nam trong thời gian tới.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh đến mục tiêu của Hội thảo nhằm nhìn nhận chính xác, cụ thể hơn về chính sách hướng Nam và quan hệ ASEAN – Đài Loan trong bối cảnh thực thi chính sách này của Đài Loan. Qua đó, PGS Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng đề xuất các nội dung cần tập trung thảo luận:
Thứ nhất, nhận diện rõ nội dung và định hướng của chính sách hướng Nam mới của Đài Loan và động lực thúc đẩy Đài Loan đề ra chính sách đó. Qua đó xác định được vị trí của ASEAN và các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong chính sách hướng Nam mới.
Thứ hai, thảo luận về quan hệ ASEAN – Đài Loan trong bối cảnh chính sách hướng Nam mới của Đài Loan. Qua đó đánh giá mối quan hệ đó trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Thứ ba, bàn về khả năng Đài Loan kết nối với các cấu trúc hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ tư, những thách thức lớn trong quá trình thực hiện chính sách hướng Nam mới.
Hội thảo nhận được 20 tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế đến từ các nước ASEAN và Đài Loan và được chia làm 03 phiên thảo luận. Nội dung các tham luận tập trung vào ba nội dung chính như sau: (1) Chính sách hướng nam của Đài Loan và vị trí của ASEAN; (2) Quan hệ ASEAN – Đài Loan trong bối cảnh chính sách hướng Nam mới của Đài Loan (cách nhìn từ phía các học giả ASEAN); (3) Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan và các cấu trúc hợp tác Đông Á.
|
|
|
Những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo tập trung vào đánh giá mối quan hệ ASEAN – Đài Loan trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và giao lưu nhân dân; cách tiếp nhận chính sách này ở các nước ASEAN; tính hiệu quả trong chính sách hướng Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa ASEAN và Đài Loan; cách nhìn từ cơ chế hợp tác khu vực ở Châu Á đối với chính sách hướng Nam; tính khả thi về kết nối lãnh thổ kinh tế Đài Loan với các hiệp định hợp tác khu vực; xu hướng và triển vọng hợp tác kinh tế đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân giữa các nước ASEAN và Đài Loan…
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích nhằm xác định hướng hợp tác quan trọng và hiệu quả của chính sách hướng Nam mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước ASEAN cũng như của lãnh thổ Đài Loan, hướng tới duy trì hòa bình và ổn định vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang