Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2017 “Những vấn đề dân tộc, tộc người cơ bản, cấp bách ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới nước ta hiện nay”

17:00 06/12/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện chương trình thường niên năm 2017, được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 06 tháng 12 năm 2017, tại Hội trường trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Dân tộc học tổ chức Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2017 với chủ đề: “Những vấn đề dân tộc, tộc người cơ bản, cấp bách ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới nước ta hiện nay ”, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đến dự chủ trì và phát biểu khai mạc.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị vinh dự được đón tiếp các đại biểu, khách quý đến từ các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, về phía Viện Hàn lâm còn có: PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Viện Hàn lâm; các viện trưởng, phó viện trưởng, các nhà nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm. Về phía các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và quản lý Nhà nước có: TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; cùng nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong cả nước.

Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2017 với chủ đề “Những vấn đề dân tộc, tộc người cơ bản, cấp bách ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới nước ta hiện nay”, được tổ chức nhằm nhận diện, đánh giá đúng thực trạng những vấn đề cơ bản, cấp bách về phát triển bền vững các tộc người ở vùng biên giới nước ta trong sự đối sánh với các tộc người bên kia biên giới, nhất là về quan hệ dân tộc liên/xuyên biên giới và chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới; mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo, vấn đề ly khai, tự trị; sự phát triển không đồng đều, các cộng đồng dân cư; sự biến đổi văn hóa và đồng hóa văn hóa tộc người với xây dựng nền văn hóa quốc gia đa dân tộc; các động thái tôn giáo, tín ngưỡng mới và mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền cũng như những ảnh hưởng đến sự ổn định và đồng thuận xã hội; dân số, di dân và phân bố tộc người; phát triến kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sống; tệ nạn xã hội và tội phạm;...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Bùi Nhật Quang thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, nhà khoa học đến dự Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2017. Phó Chủ tịch khẳng định, biên giới là vùng lãnh thổ quốc gia có vị trí vô cùng quan trọng, dễ xảy ra hoặc tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm, bức xúc và phức tạp liên quan đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trong bối cảnh, khi quá trình hội nhập quôc tế, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đang trở thành xu hướng chủ đạo của thời đại thì các vấn đề ở khu vực biên giới càng trở nên sâu sắc, nhạy cảm, khó lường. Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới cả trên đất liền, trên biển và trên không với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Nhìn chung, biên giới giữa các nước luôn duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, song trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề ở vùng biên giới có lúc, có nơi diễn ra khá phức tạp, vẫn đang là mối quan tâm thường xuyên của các bên liên quan, nhất là những khác biệt, bất đồng trong một số vấn đề chốt về lợi ích quôc gia.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới và đã có những biến đổi sâu sắc, to lớn trên nhiều mặt về cơ sở hạ tầng, cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thông tin viễn thông, điều kiện hưởng thụ văn hóa, giáo dục và y tế,... Song, chưa phải tất cả mọi nơi đều phát triển tốt. Quan hệ dân tộc của các tộc người tại vùng biên giới nước ta đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, với nhiều cấp độ và hình thức, điều đó vừa góp phần phát triển các tộc người, phát triển bền vững các vùng biên giới, nhưng cũng làm nảy sinh, tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan đến ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng ở nhiều địa phương. Một bộ phân dân cư của một số tộc người ở vùng biên giới còn chịu ảnh hưởng của các tôn giáo, nhất là phát triển các mối liên kết, cố kết theo cộng đồng tộc người - tôn giáo ở trong nước và liên/xuyên biên giới, đang có những tác động không nhỏ tới vấn đề dân tộc, an ninh, chính trị vùng biên giới. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường lợi dụng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm ở hai bên biên giới để chống phá. Trong bối cảnh như vậy, việc nhận diện thực trạng và hiểu đúng bản chất của các vấn đề dân tộc, tộc người ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới hiện nay có giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào sự ổn định và phát triển của vùng biên giới của Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, TS. Phan Văn Hùng, PGS.TS. Lâm Bá Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Minh đồng chủ trì Hội nghị TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị

 

PGS.TS. Bùi Nhật Quang đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận về một số vấn đề trọng tâm sau: (1) Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra về thực trạng, bản chất,  nguyên nhân, ảnh hưởng và xu hướng của các vấn đề dân tộc, tộc người ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới nước ta hiện nay; (2) Đề xuất, khuyến nghị về các định hướng, nội dung nghiên cứu, các chiến lược và giải pháp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta nói chung và ở các vùng biên giới nói riêng trong bối cảnh mới của đất nước, khu vực và thế giới hiện nay.

Hội nghị nhận được 112 báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương quan tâm đến các vấn đề dân tộc, tộc người ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới nước ta. Các báo cáo tham luận đã phân tích, đánh giá về những vấn đề chung và riêng trên nhiều lĩnh vực, từ các góc độ tiếp cận khác nhau.

Dưới sự đồng chủ trì gồm: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, TS. Phan Văn Hùng, PGS.TS. Lâm Bá Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hội nghị được nghe 08 tham luận được trình bày: PGS.TS. Nguyễn Văn Chính, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH. Quốc gia Hà Nội - Nghiên cứu vùng biên giới: vấn đề, lý thuyết và phương pháp; TS. Lâm Minh Châu, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH. Quốc gia Hà Nội - Từ cơ bản trở thành cấp bách và từ cấp bách trở thành cơ bản - Tái nhìn nhận mối quan hệ giữa vấn đề “cấp bách” và “cơ bản” về dân tộc/tộc người; TS. Trần Văn Hà, Viện Dân tộc học - “Một vành đai một con đường” và sự kết nối Trung Quốc - ASEAN, từ góc nhìn văn hóa xuyên biên giới; PGS.TS. Khổng Diễn, Hội Dân tộc học và Nhân học VN - Về thực trạng kinh tế - xã hội,  quốc phòng an ninh khu vực biên giới vùng Đông Bắc nước ta; PGS. TS. Trần Trung, TS. Vũ Thị Thanh Minh, ThS. Lường Thị Tình, ThS. Ngô Thị Trinh, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc - Giải pháp quản lý di cư xuyên biên giới đối với các tộc người thiểu số vùng miền núi phía Bắc; TS. Võ Công Nguyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - Quan hệ hôn nhân, gia đình và thân tộc trong các cộng đồng đa tộc người ở vùng Tây Nam Bộ; PGS.TS. Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) và TS. Nguyễn Phương Thảo (Đại học Công nghiệp Hà Nội) - Vai trò của người Việt trong xây dựng ý thức quốc gia dân tộc ở vùng biên giới ;  TS. Phú Văn Hẳn, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - Cộng đồng Chăm trong quan hệ khu vực Đông Nam Á.

Toàn cảnh Hội nghị

Các tham luận và nội dung thảo luận diễn ra sôi nổi, tập trung vào những vấn đề cơ bản, cấp bách về phát các tộc người ở vùng biên giới nước ta trong sự đối sánh với các tộc người bên kia biên giới; mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo và vấn đề ly khai, tự trị; sự phát triển không đồng đều, sự biến đổi văn hóa; tôn giáo, tín ngưỡng; di dân và phân bố tộc người…

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn trong thời gian tới Viện Dân tộc học phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam tổ chức một chương trình nghiên cứu bài bản về những vấn đề dân tộc, tộc người ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới để có những kiến nghị kịp thời cho Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc phát sinh trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học <br> phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết thúc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu về những vấn đề tại hội nghị sẽ được tổng hợp thành một báo cáo chắt lọc, đầy đủ để báo cáo lên Lãnh đạo Viện Hàn lâm xem xét gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức quan tâm. Các tham luận và nội dung thảo luận đã tập trung phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến những vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững của các tộc người và vùng biên giới nước ta hiện nay. Đồng thời dự báo xu hướng phát triển của vấn đề dân tộc, tộc người vùng biên giới nước ta trong thời gian tới. Góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc và tộc người ờ vùng biên giới, đồng thời phát triển toàn diện, bền vững các tộc người này trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược và kế hoạch nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách của ngành Dân tộc học/Nhân học trong thời gian tới./.

Nguyễn Xuân Khoát

 

In trang Chia sẻ

Tin khác