Tham dự Tọa đàm có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Ông Salman Zaidi, Giám đốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về Giảm nghèo và Bình đẳng, WB; TS. Obert Pimhidzai, chuyên gia kinh tế cao cấp, WB tại Việt Nam và các chuyên gia của WB tại Việt Nam cùng các cán bộ đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc VASS (Viện Xã hội học, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Con người, Trung tâm Phân tích và Dự báo; Viện Kinh tế và Chính trị thế giới).
|
|
|
Thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp măt đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định, xóa đói giảm nghèo là chương trình quốc gia, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng nhiều bộ, ngành và các cấp cũng như mọi người dân. Phó Chủ tịch VASS đánh giá cao quyết tâm chính trị và thành tựu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng cũng làm gia tăng sự bất bình xã hội về cơ hội và thu nhập, do vậy, GS Phó Chủ tịch nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu vấn đề tăng trưởng, giảm nghèo và công bằng xã hội nhằm đề xuất những luận cứ và giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh mới ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh vai trò của VASS trong việc thúc đẩy hơn nữa sự giao lưu, trao đổi học thuật, chia sẻ ý tưởng nghiên cứu với các nhà khoa học trong nước và quốc tế về những vấn đề cùng quan tâm; đồng thời trân trọng mối quan hệ hợp tác khoa học giữa VASS và WB trong thời gian qua; đánh giá cao những phát hiện, đánh giá mới về phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam (WB tại Việt Nam thực hiện), đóng góp quan trọng đối với công tác nghiên cứu và tư vấn chính sách của VASS trong thời gian tới.
Tại buổi Tọa đàm, TS. Obert Pimhidzai đã trình bày báo cáo “Bước tiến mới - Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam”. Báo cáo chỉ ra trong 6 năm, đã có 1,8 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam thoát nghèo, giảm từ 8,4 triệu năm 2010 xuống còn 6,6 triệu người trong năm 2016. Trong số 9,1 triệu người nghèo ở Việt Nam năm 2016, nhóm dân tộc thiểu số chiếm 72% tương đương với 6,6 triệu người. Vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên là nơi tập trung 56% người nghèo cả nước.
Báo cáo của WB cũng cho biết tỉ lệ người nghèo đang giảm ở mọi vùng, cả thành thị và nông thôn đều có sự giảm đi bền vững. Mức giảm nghèo hàng năm trong giai đoạn 2014-2016 là 1,85% cao hơn mức giảm mục tiêu trong các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Trong khi đó, tỉ lệ nghèo nói chung ở Việt Nam giảm hơn 3,5% xuống còn 10%. Ngoài ra, tỉ lệ nghèo ở nông thôn trong giai đoạn 2014-2016 cũng giảm 5% còn tại khu vực thành thị là 2,2%. Theo đó, mặc dù các DTTS giảm nghèo nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo cho thấy, chưa đầy 32% người DTTS trong độ tuổi 20-24 có trình độ giáo dục sau phổ thông; 45% người DTTS được tiếp cận với nhà vệ sinh hợp vệ sinh (trong khi con số này ở nhóm người Kinh và người Hoa là 89%).
Theo đó, TS. Obert Pimhidzai cũng phân tích chương trình giảm nghèo (tạo ra các công việc trả lương có năng suất là cách duy trì tăng trưởng thu nhập từ tiền lương; tăng cường chuyển dịch nông nghiệp và thay đổi chính sách sử dụng đất đai; cơ hội tiếp cận đồng đều về giáo dục). Qua đó đảm bảo 98% những người ở trên chuẩn nghèo năm 2014 không trở nên tái nghèo trong năm 2016 và chỉ ra vấn đề không chỉ là thoát nghèo mà còn tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
|
|
|
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các nhà khoa học VASS đánh giá cao kết quả cũng như là những đóng góp tích cực của nhóm nghiên cứu (Báo cáo do WB tại Việt Nam thực hiện), đặc biệt là những phát hiện đáng chú ý về 62% người nghèo có thu nhập bằng tiền công, từ đó gợi mở các vấn đề liên quan đến môi trường, di dân, dân tộc thiểu số, nghèo đa chiều, cách mạng công nghiệp 4.0… cần phải được quan tâm nghiên cứu sâu để giải đáp những khía cạnh khác về vấn đề giảm nghèo ở Việt Nam.
Kết thúc Tọa đàm, GS.TS. Đặng Nguyên Anh bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia của WB tại Việt Nam đã dành thời gian nghiên cứu và chia sẻ kết quả nghiên cứu đến với các nhà khoa học của VASS. Những kết quả nghiên cứu mà TS Obert Pimhidzai chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quí giá đối với các nhà khoa học của Viện Hàn lâm, góp phần gợi mở những hướng nghiên cứu sâu sắc hơn nữa về giảm nghèo bền vững hướng tới sự thịnh vượng chung ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang