Hội thảo khoa học “Tài sản trí tuệ: Vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Tây Nguyên”

17:00 15/05/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 “Bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới”, sáng ngày 15/5/2018, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, nhóm nghiên cứu và Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam- cơ quan chủ trì nhiệm vụ đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tài sản trí tuệ: Vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Tây Nguyên”.
Chủ nhiệm đề tài – TS. Vũ Tuấn Hưng trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo   <br>Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3; PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; Chủ nhiệm đề tài - TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm và đại diện Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học (Đại học Ngoại Thương, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Luật, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN, Khoa Luật – Đại học Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các chuyên gia đến từ công ty Luật TNHH Link & Partners, công ty Luật ADVACAS cùng các cán bộ đến từ một số viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm.

Tài sản trí tuệ là khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt trong thời đại quốc tế hoá và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Tài sản trí tuệ được hiểu là loại tài sản vô hình của doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác nhau, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho các chủ thể thông qua hoạt động thương mại. Các loại tài sản trí tuệ rất đa dạng, từ những tên gọi gắn với địa danh hoặc gắn với các nguồn tài nguyên tự nhiên của địa phương; hay những sản phẩm và tri thức truyền thống gắn liền với nền văn hóa lâu đời và là đặc thù riêng có của từng khu vực. Hiện nay, những tài sản trí tuệ đã và đang dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, địa phương đồng thời tạo nên điểm khác biệt và dấu hiệu nhận biết của địa phương đó trên bình diện vùng, khu vực hay quốc tế.

Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài – TS. Vũ Tuấn Hưng khẳng định, Tây Nguyên là khu vực có những lợi thế đặc thù cho việc phát triển các tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh Tây Nguyên là vùng đất mang tính đặc thù thể hiện trong bản sắc văn hóa, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị, kinh tế, nhiều tiềm năng chưa được khai thác và bảo tồn, trong đó có nhiều tài sản trí tuệ gắn chặt với địa phương. Đồng thời, chủ nhiệm đề tài cũng chỉ ra khoảng trống của các nghiên cứu về lý luận và thực tiễn bảo tồn và phát triển các vấn đề mới được đặt ra cần phải được nghiên cứu chuyên sâu cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Qua đó, TS. Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm cứu tìm hiểu các vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và thực tiễn bảo tồn, phát triển tài sản trí tuệ, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm sáng tỏ khi nghiên cứu về tài sản trí tuệ Tây Nguyên trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo nhận được 6 tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận, các diễn giả tập trung trình bày các nội dung: Một vài vấn đề về nhận diện tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên; Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ gắn với yếu tố địa lý của khu vực Tây Nguyên (kinh nghiệm quốc tế & thực tế Việt Nam); Một số vấn đề lý luận trong bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ địa phương; Nghệ nhân văn hóa – Tài sản trí tuệ của Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp, nhìn từ dự án sử thi Tây Nguyên; Bảo hộ tài sản trí tuệ của Tây Nguyên; Những bất cập trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, các đại biểu nhận định rằng, tài sản trí tuệ và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là một thể chế quản trị căn cốt góp phần thành công trong việc khuyến khích sáng tạo và tạo ra nền tảng tương thích của xã hội hiện đại. Bên cạnh những yếu tố tích cực từ bối cảnh chung của toàn cầu hóa, khu vực hóa, tự do hóa thương mại và quá trình đô thị hóa gắn với sự tăng nhanh về dân số, phát triển kinh tế đi liền với những thách thức, tác động đến các tri thức truyền thống, văn hóa bản địa và tài sản trí tuệ địa phương ở Việt Nam nói chung cũng như đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý để cùng tìm hiểu những vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế cũng như nhận diện tiềm năng, cơ hội và thách thức trong vấn đề bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới. Qua đó phát huy các tri thức truyền thống, biến tài sản trí tuệ trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công những nội dung cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, đảm bảo sự phát triển bền vững và cơ hội bình đẳng giữa các vùng miền, các dân tộc anh em, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác