Hội thảo khoa học “Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam”

17:00 10/06/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 10/06/2018 tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng; TS. Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế TW; TS. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS. Đặng Nguyên Anh,  Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Ngô Đông Hải,   Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế TW;... cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý một số bộ ngành; các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm); các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và đồng thời là năm quan trọng quyết định khả năng hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Bên cạnh đó, năm 2018 cũng là năm rất có ý nghĩa để chúng ta bắt đầu xây dựng nền tảng tăng trưởng cho một giai đoạn mới của đất nước, đó là thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt, với tác động ngày càng lớn của Hiệp định thương mại tự do bậc cao FTA, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu toàn cầu.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo  

Trong bối cảnh đó, hội thảo có ý nghĩa thiết thực và quan trọng. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn mong muốn, hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đánh giá các nhân tố quan trọng tạo nên nền tảng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua; những vấn đề gặp phải, đặc biệt những nhân tố tạo lập, củng cố nền tảng tăng trưởng kinh tế nhanh bền vững; từ đó đề xuất những chính sách, giải pháp để củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao chủ đề hội thảo khi cho rằng trước đây, các hội thảo chỉ tập trung bàn về tăng trưởng bền vững nhưng hội thảo này bàn tới vấn đề củng cố, tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Phó Thủ tưởng nêu rõ, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu đất nước không phát triển nhanh thì rất dễ bị tụt hậu. Tăng trưởng nhanh chính là điều kiện phát triển bền vững. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà khoa học tìm hiểu rõ hơn về vấn đề chuyển đổi kinh tế, đặc biệt mối quan hệ giữa các nước phát triển trên thế giới. Nhấn mạnh đến bối cảnh phát triển tăng trưởng và bền vững tại Việt Nam, đồng thời mong muốn các nhà khoa học đánh giá chỉ tiêu chất lượng nền kinh tế, trao đổi cơ cấu kinh tế và phát triển cơ chế thị trường trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh các mục tiêu đặt ra thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất mới để phát triển tăng năng suất lao động. 

GS.TS. Vương Đình Huệ cũng cho biết, các chỉ tiêu về sự bền vững của nền kinh tế là chưa có; Chính phủ mong muốn “đặt hàng” các nhà khoa học về nội dung này. Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học hiến kế gia tăng tính gắn kết trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường dựa trên nguyên tắc “không đánh đổi phát triển kinh tế để hủy hoại môi trường, không để ai phải thụt lại ở phía sau”; tính kết nối giữa khu vực FDI và các khu vực khác trong nền kinh tế trên quan điểm “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, khi nền kinh tế  đang có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 193% GDP năm 2017 nên dễ chịu tác động của các bất ổn của thế giới. Lo ngại chu kỳ “khủng hoảng 10 năm”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương,… xây dựng báo cáo đánh giá rõ rủi ro, thách thức Việt Nam phải đối mặt từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây cũng là vấn đề các nhà khoa học cần tiếp tục cho ý kiến. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại các thị trường xuất khẩu cũ và mở rộng thị trường sang các khu vực, quốc gia khác. Với thị trường trong nước, hai năm qua tăng trưởng trên 10%/năm nhưng cơ sở hạ tầng của thị trường nội địa còn yếu kém, cần phải được tập trung làm rõ, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường này.

Hội thảo đã được nghe các tham luận của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về “Động lực tăng trưởng dài hạn và vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng”; TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam: cơ hội và thách thức”; TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - “Nông nghiệp toàn diện - Nông thôn giàu mạnh - Nông dân tự chủ”; ThS. Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân - “Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững - Góc nhìn từ khu vực tư nhân” và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, nhà khoa học tại Hội thảo.

Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung thảo luận ý kiến phát biểu, gợi mở của Phó Thủ tướng; đồng thời, phân tích chỉ ra các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế Việt Nam, các động lực và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

  PGS.TS. Trần Đình Thiên trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong tham luận của mình, PGS.TS. Trần Đình Thiên đã nêu lên nhiều cách tiếp cận đáng chú ý cho việc tạo lập những cơ sở tăng trưởng nhanh và bền vững. Ông nhìn nhận rằng vốn tư nhân đang dần thay thế vốn nhà nước trong việc tạo động lực phát triển nhanh của nền kinh tế. Điều này được chứng minh qua mức tăng trưởng ấn tượng của GDP quý I năm 2018 khi mà các nguồn vốn nhà nước đầu tư vào nền kinh tế bị hạn chế. “Nhìn xa hơn chính kinh tế tư nhân đã cứu nền kinh tế khỏi bị sụp đổ vào năm 1985 nhưng tới bây giờ, kinh tế tư nhận mới được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế” - PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra rằng, thực tế cho thấy chưa có được một ý định thay đổi cấu trúc mô hình phát triển một cách thật rõ ràng trong khi vẫn còn tư tưởng chắp vá, cơi nới. Theo TS Thiên, trong cách tiếp cận tăng trưởng tới đây cần đề cao yếu tố minh bạch và đặc biệt là cần “hỗ trợ người thắng cuộc” hơn là “chọn người thắng cuộc”.

Chia sẻ về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội, thách thức cho Việt Nam và những hàm ý chính sách, TS. Nguyễn Thắng cho biết: Để tối đa hóa những cơ hội, giảm thiểu những thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần giải quyết tốt các bài toán lớn. Đó là đảm bảo thể chế không bị tụt lại trong cuộc chạy đua với công nghệ, để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới đi vào cuộc sống; phải có cách thức thúc đẩy để đảm bảo kỹ năng không bị tụt hậu lại so với công nghệ; giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội và môi trường còn tồn đọng. Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm ứng phó của các nước đi trước trong cách mạng công nghệ 4.0 là rất quan trọng.

Trong khi đó, TS. Đặng Kim Sơn nhìn nhận, để trở thành nước công nghiệp hóa thành công cần đẩy mạnh vai trò nông nghiệp nông thôn trong công nghiệp hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá trị bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cho rằng các nội dung liên quan tới nền tảng, động lực, các “đột phá” cho tăng trưởng đã được đề cập nhiều, tuy nhiên, năng lực thực thi chưa mang lại kết quả như mong đợi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước và phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân; Việt Nam cần phải đối chiếu, so sánh với các tiêu chí về kinh tế thị trường mà các nền kinh tế thị trường (như Mỹ và EU) đã đặt ra để vận hành hiệu quả; tăng trưởng nhanh và bền vững cần có sự công khai và minh bạch, giải quyết các vấn đề về môi trường sinh thái,…

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi cho cách nhìn đa chiều về thực trạng các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam. Những ý kiến thảo luận có trách nhiệm của các đại biểu tại Hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ  tiếp thu, tổng hợp đưa ra kiến nghị giải pháp báo cáo với Chính phủ và các cơ quan liên quan, là nguồn tham khảo quan trọng giúp Chính phủ lựa chọn thiết kế hệ thống giải pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước những năm tiếp theo.

 

PV.

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác