Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS); TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng VIISAS; GS.TS. Nguyễn Duy Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cùng đại diện cán bộ nghiên cứu của Viện Địa lý nhân văn và các cán bộ của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
|
|
|
Tại Tọa đàm, Đại sứ Pranay Verna đã trình bày các nguy cơ biến đổi khí hậu (BĐKH) và ảnh hưởng của BĐKH tới Ấn Độ và Việt Nam. Theo đó chúng ta phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt đối với những nước đông dân và đang phát triển với nguồn tài nguyên hữu hạn; dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên; mực nước biển dâng, nguy cơ an ninh nguồn nước, lương thực và dịch bệnh. Trước những diễn biến phức tạp của BĐKH, Ấn Độ đã đưa ra những chính sách quan trọng liên quan đến vấn đề BĐKH. Một là, Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH (NAPCC) được thông qua vào ngày 30/6/2008. Hai là, Cam kết do quốc gia tự xác định của Ấn Độ (INDC) được đệ trình lên Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) vào ngày 2/10/2015. NAPCC nêu rõ tầm nhìn của Ấn Độ trong phát triển bền vững về mặt sinh thái và các bước cần thực hiện để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Các mục tiêu quốc gia về năng lượng mặt trời, tăng cường hiệu quả năng lượng, tạo ra môi trường sống đô thị bền vững, bảo tồn nước, duy trì hệ sinh thái dễ tổn thương trên dãy núi Himalya, kiến tạo ra Ấn Độ xanh thông qua mở rộng trồng rừng, làm nông nghiệp bền vững và tạo ra một nền tảng tri thức chiến lược để phục vụ tất cả nhiệm vụ khác của quốc gia.
Ngài Đại sứ cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Modi rất quan tâm đến các vấn đề biến đổi khí hậu. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã chủ động ứng phó với BĐKH, hướng tới tương lai, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Paris về BĐKH. Theo đó, Ấn Độ đã có những đóng góp điển hình cho các giải pháp BĐKH bằng sáng kiến của Thủ tướng Modi đó là thành lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế để thúc đẩy năng lượng mặt trời trên toàn thế giới; Liên minh về cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI)-2019; Kêu gọi các Phong trào Chống các sản phẩm nhựa dùng một lần -2019.
|
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đánh giá cao những nội dung trình bày của Ngài Đại sứ, đây là những bài học kinh nghiệm quí báu cho Việt Nam trong ứng phó với vấn đề BĐKH. PGS Viện trưởng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ sáng kiến của các quốc gia, theo đó phải xử lý tốt các vấn đề trong nước cũng như đề xuất đến việc bảo vệ các nhóm yếu thế trước tình hình BĐKH. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực xử lý các vấn đề BĐKH trong nước thông qua Chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược chống BĐKH; đề cao sự phát triển bền vững toàn diện trên 03 trụ cột (kinh tế, xã hội và môi trường).
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Ấn Độ trên lĩnh vực BĐKH được cộng đồng quốc tế ủng hộ và mong muốn từ ý tưởng đó sẽ trở thành chiến lược hành động từ cấp Trung ương đến địa phương và người dân; hi vọng Ấn Độ sẽ là quốc gia tiên phong trong chiến dịch chống BĐKH và với những kinh nghiệm đó sẽ tiền đề quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam và Ấn Độ về BĐKH và các vấn đề toàn cầu.
Tọa đàm là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, những trao đổi, chia sẻ của Ngài Đại sứ và các học giả sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ nghiên cứu của VASS, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác khoa học giữa hai bên trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang