Tham dự Tọa đàm có: PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng VIISAS; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng VIISAS; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ấn Độ và Châu Á cùng các chuyên gia, nhà khoa học và học giả trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế, sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của VIISAS.
|
Cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ - Việt Nam về Hợp tác Thương mại, Kinh tế, Khoa học và Công nghệ dưới sự đồng chủ trì của Tiến sĩ S.Jaishankar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Ấn Độ (EAM) và Ngài Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 25 tháng 8 năm 2020. Trong cuộc họp, hai bên đã đánh giá những bước phát triển gần đây trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam và thảo luận định hướng hợp tác sâu rộng giữa hai bên trong tương lai. Hai bên nhất trí sẽ tạo thêm động lực mới cho quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng hạt nhân dân dụng, vũ trụ, khoa học biển và công nghệ mới. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tại Tọa đàm, Đại sứ Pranay Verma đã thông tin các điểm thảo luận chính trong Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ- Việt Nam lần thứ 17 và nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực nhờ tận dụng những lợi thế từ tình hình quốc tế và sự phát triển của hai nước trong giai đoạn hiện nay. Kết quả của Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ - Việt Nam lần thứ 17 đã thể hiện rõ quyết tâm của hai nước, đặc biệt là tăng cường hợp tác song phương theo sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPOI) và tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương để đạt được an ninh, thịnh vượng và phát triển cho tất cả trong khu vực, mời Việt Nam cùng hợp tác trong bảy trụ cột của IPOI.
|
Về ứng phó với đại dịch Covid-19, Đại sứ đã mô tả bức tranh toàn cảnh dịch Covid-19 tại Ấn Độ- một đất nước với 1,3 tỷ dân đang chịu nặng nề với hơn 4 triệu ca dương tính, đứng thứ hai thế giới. Trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp nhanh chóng, kịp thời quyết đoán nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Các chính sách bao gồm: phong tỏa toàn quốc, xét nghiệm diện rộng; nâng cao năng lực sản xuất thiết bị y tế; đáp ứng đủ nhu cầu trong nước một số mặt hàng đã có khả năng xuất khẩu… Nhờ chính sách đúng đắn và kịp thời của chính phủ, Ấn Độ đã giữ tỷ lệ ca nhiễm và số ca tử vong trên dân số ở mức thấp so với trung bình của thế giới. Theo đó, tỷ lệ người được chữa khỏi bệnh cao đã cung cấp kinh nghiệm lâm sàng phong phú cho Ấn Độ để đối phó với tình hình dịch bệnh. Hiện nay, thế giới đánh giá cao năng lực sản xuất vắc xin của Ấn Độ, cụ thể có 02 vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ấn Độ cũng đưa ra sáng kiến hợp tác với các nước Nam Á, trong đó có Việt Nam để cùng chung tay chống lại đại dịch này cũng như đưa ra khuyến nghị trong quan hệ thương mại giữa Ấn Độ - Việt Nam hậu Covid-19.
|
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đánh giá cao nội dung bài thuyết trình của Đại sứ Pranay Verma và nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ. Cuộc họp không chỉ tổng kết thành tựu trong quan hệ hợp tác hai bên mà còn cụ thể hóa các hợp tác được lãnh đạo hai bên đã đưa ra trước đó, đề xuất cách tháo gỡ thách thức, khó khăn trong quan hệ hai nước và gợi mở các hướng hợp tác trong thời gian tới. PGS Viện trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Ấn Độ trong việc đề ra các chính sách ứng phó kịp thời với đại dịch Covid-19.
Tọa đàm nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự, theo đó các chuyên gia, nhà khoa học đều đưa ra những quan điểm mở rộng về những khó khăn, cản trở phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như đề xuất các cơ chế, tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong tương lai.
Những trao đổi, chia sẻ của Ngài Đại sứ và các học giả tại Tọa đàm sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ của VASS trong công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách nhằm xây dựng vốn kiến thức, hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và những ứng phó kịp thời của Ấn Độ với đại dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển vững mạnh.
Nguyễn Thu Trang