Tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh, một nhân cách trí thức lớn có công xây dựng nền lý luận văn học

17:00 27/09/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 28/9/2020, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.VS. Hồ Tôn Trinh (bút danh Hoàng Trinh), nguyên Viện trưởng Viện Văn học.

Các học giả khoa học đều đánh giá: GS.VS. Hồ Tôn Trinh thuộc lớp cán bộ khoa học xã hội đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực lý luận, phê bình văn học Việt Nam. Tên tuổi của ông được nhắc đến nhiều trong vai trò một người đi tiên phong tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu hiện đại của lý luận văn học thế giới như ký hiệu học, thi pháp học, văn học so sánh,… ở Việt Nam.

Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học

GS.VS. Hồ Tôn Trinh (bút danh Hoàng Trinh) là tác giả của bộ sách về Văn học phương Tây, tham gia biên soạn bộ Từ điển Văn học Việt Nam và hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị. Ông là người có công rất lớn trong việc mở rộng hoạt động cho việc truyền bá trên các diễn đàn quốc tế về tinh hoa văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc tư duy và chất liệu nghệ thuật, đặc thù của tiếng Việt văn học, đặc thù của văn học, văn hóa Việt Nam.

Năm 1979, ông vinh dự được bầu là Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Hungary; năm 1982, ông được phong hàm Giáo sư; năm 1989, nhận Giải thưởng khoa học Rokefeller (Mỹ); năm 1996, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho cụm 5 công trình nghiên cứu lý luận và phê bình văn học gồm: Phương Tây, văn học và con người (NXB Khoa học xã hội, T1 - 1969; T2 - 1971); Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học (NXB Văn học, 1980); Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (NXB Khoa học xã hội, 1980); Đối thoại văn học (NXB Hà Nội, 1986); Từ ký hiệu học đến thi pháp học (NXB Khoa học xã hội, 1992, NXB Đà Nẵng tái bản 1997).

Ngoài 5 công trình trên, GS-VS Hồ Tôn Trinh còn là tác giả hàng trăm bài tiểu luận đăng trên các báo, tạp chí trong, ngoài nước và các công trình khác như: Văn học ngọn nguồn và sáng tạo (1973); Tiếp cận văn học dưới góc độ thông tin (1990); Phương pháp luận về văn hóa và phát triển (1995); Chủ nghĩa xã hội với tư cách một chủ nghĩa nhân văn và văn hóa (1995). Ông còn chủ biên các công trình: Văn học, cuộc sống, nhà văn (1979); Phấn đấu để có những thành tựu mới trong văn nghệ (1980); Phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng (1986);...

GS.VS. Hồ Tôn Trinh sớm ý thức rõ điểm xuất phát của khoa học nghiên cứu văn học là nền văn hóa dân tộc, chính vì vậy, ông luôn bám chặt vào gốc rễ của truyền thống dân tộc, luôn tìm đến ngọn nguồn như tên một tác phẩm của ông là "Văn học ngọn nguồn và sáng tạo". 

Ngoài nghiên cứu, ông còn là tác giả các tập sách: Trên những dặm đường khoa học (bút ký, 1996); Tuyển tập văn học (1998). Ông rất say mê tuồng và am hiểu nghệ thuật tuồng nên rất thân quen với các nhà nghiên cứu tuồng như Hoàng Chương, Hoàng Châu Ký, Mịch Quang và một số nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như Tiến Thọ, Đàm Liên... Đến khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động văn hóa - nghệ thuật, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc.

Có thể nói, GS.VS. Hồ Tôn Trinh là người đã có nhiều công lao trong việc đào tạo nên các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu, ông đã có nhiều công lao trong sự phát triển của nền học thuật nước nhà, góp phần mở ra cánh cửa để bạn bè thế giới biết nhiều hơn đến nền văn học, văn hoá Việt Nam cũng như đem được những giá trị tinh hoa của văn học, văn hoá thế giới đến với con người Việt Nam.

PV.

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác