Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) gồm năm nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, với tổng diện tích 2,6 triệu ki-lô-mét vuông. Đây là khu vực có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên phong phú và Mê Công là con sông có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 60 triệu người dân của các nước thuộc lưu vực sông, nhất là các nguồn lợi về nông - lâm nghiệp, thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy…
Trong 3 thập kỷ vừa qua, Đông Nam Á luôn lo ngại về tình thế kẹt giữa, tiến thoái lưỡng nan phải duy trì quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, không chỉ trong vấn đề Biển Đông mà cả ở tiểu vùng Mê Công. Việc Trung Quốc lập ra cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC) đã làm dấy lên các nghi ngờ chiến lược về kế hoạch và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Từ lâu, các nước vừa và nhỏ đã tìm cách vươn tới các cường quốc bên ngoài để duy trì trật tự khu vực, bằng cách không chỉ theo đuổi hợp tác an ninh mà còn làm sâu sắc hơn các quan hệ kinh tế, nhằm hạn chế sự thống trị độc quyền của bất kỳ một cường quốc nào đồng thời tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và đạt được các lợi ích từ hợp tác. Tuy nhiên, điều này tạo cảm giác các nước nhỏ ở Đông Nam Á chủ động theo đuổi các cường quốc lớn. Hiệu quả của chiến lược nước đôi này phụ thuộc chủ yếu vào các cường quốc có cho phép điều gì xảy ra. Thành công của nó chủ yếu dựa vào việc các nước nhỏ này không bị coi là đe dọa đối với các cường quốc. Tuy vậy, trong điều kiện nhất định, tính chất một chiều này cần được xem xét lại. Hiện nay, có vẻ như các cường quốc khu vực đang dẫn dắt xu thế chiến lược. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đang chủ động hơn và mở rộng sự hiện diện và tầm quan trọng trong khu vực.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Phí VĩnhTường, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề hội thảo. TS. Phí VĩnhTường cho biết, GMS được đưa vào chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn của các cường quốc, thúc đẩy kết nối hợp tác xử lý các thách thức thông qua các chương trình hành động và các dự án phát triển. TS. Phí VĩnhTường cũng đã phân tích những đặc điểm nổi bật trong mối quan hệ giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Công mở rộng đặc biệt với các nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, …đồng thời làm sâu sắc hơn hiện tượng cạnh tranh chiến lược trong mối quan hệ quốc tế khu vực này. TS. Phí VĩnhTường cũng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận để làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề cạnh tranh giữa các nước lớn và các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, nhận diện cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra như thế nào để từ đó gợi mở các hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều tham luận được các nhà khoa học gửi đến, có 05 tham luận được trình bày, tập trung vào những vấn đề nghiên cứu về cạnh tranh chiến lược địa chính trị của tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, tầm quan trọng của sông Mê Công đối với ASEAN, chính sách tăng cường ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực GMS, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực GMS dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và hợp tác Nhật Bản với các nước tiểu vùng sông Mê Công,…
Các trao đổi của các đại biểu đều thống nhất, các cam kết của các cường quốc bên ngoài mang lại lợi ích cho các nước tiểu vùng sông Mê Công vì tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, duy trì sự cân bằng tốt đẹp giữa các cường quốc, đặc biệt Mỹ và Trung Quốc, là một thách thức. Các nước trong khu vực GMS cần đoàn kết, thống nhất và gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tăng cường hợp tác với các cường quốc bên ngoài không thể bị đánh đồng với việc chọn bên.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích cho các nhà khoa học, nhà ngoại giao và các học giả trao đổi, bàn luận về cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tại khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Qua đó, đưa ra những kiến nghị, hàm ý chính sách đối với các nước liên quan, đặc biệt là Việt Nam nhằm tận dụng những tác động tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
PV.